“Nhiệm vụ cấp bách là giải quyết tình trạng có tiền mà không tiêu được”

Cập nhật: 01/11/2023

VOV.VN - “Chừng nào còn tình trạng có tiền mà không tiêu được thì chừng đó khó hy vọng có sự phát triển bứt phá của nền kinh tế thời gian tới”.

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sáng 1/11, tại kỳ họp thứ 6.

Đất nước đứng trước cơ hội chưa từng có

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, nền kinh tế nước ta vẫn có nhiều điểm sáng, bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô trong thế giới đầy bất ổn là thành thành quả đặc biệt quan trọng.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tương đối ổn định, bất chấp sức ép từ bên ngoài ngày càng gia tăng. Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu tích cực. “Xu hướng này cho phép chúng ta hy vọng tốc độ GDP đạt mục tiêu Chính phủ đề ra” – ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu, để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền bạc là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thể chế. Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực, giúp tiền đẻ ra tiền, thể chế không tốt thì có tiền cũng không tiêu được.

Chính vì vậy, ông cho rằng quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hoá thủ tục hành chính, bởi theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp là đang còn nặng nề. Khắc phục cho được quy định chồng chéo, bất cập, nhất là thiếu minh bạch, gây rủi ro; đồng thời gỡ bỏ tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ công chức và doanh nghiệp.

“Tôi đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn tần xuất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra với các bộ ngành địa phương, doanh nghiệp để họ có thể yên tâm nỗ lực giải ngân các gói cứu trợ phục hồi kinh tế. Cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hoá các quan hệ kinh tế; đồng thời triển khai thiết thực, tận tâm biện pháp bảo vệ cán bộ, cả doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu luật hoá quy định về vẫn để này” – ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Cho rằng trong khủng hoảng thì giải pháp kinh điển, trực diện, phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là bơm tiền vào nền kinh tế, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá các quyết định bơm tiền được Quốc hội ban hành nhưng triển khai gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay cần quan tâm giải quyết tình trạng có tiền mà không tiêu được. Chừng nào tình trạng này vẫn còn thì chừng đó khó hy vọng có sự phát triển bứt phá của nền kinh tế thời gian tới.

“Dù đang đối mặt muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng đất nước đứng trước cơ hội chưa từng có” – ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ. Bởi trước những chuyển dịch về chính trị, kinh tế và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thì Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta chủ động triển khai hoạt động đối ngoại ở tầm chiến lược để hoá giải thách thức, xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc.

“Kết quả hoạt động đối ngoại thời gian qua là minh chứng khẳng định sự tôn trọng của nước lớn và cộng đồng quốc tế với vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” – ông Lộc nói.

Điều đó mở ra cơ hội Việt Nam trở thành trung tâm, nơi đối thoại hoà bình, là điểm đến của dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư chất lượng cao trên thế giới, không chỉ ngành công nghiệp bán dẫn mà các ngành công nghiệp khác, các ngành thương mại, dịch vụ và cả an sinh đều hưởng lợi trong quá trình này. Tuy nheien, tận dụng được cơ hội hay không thì phụ thuộc vào chuẩn bị về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.

Về thể chế, bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật thì chúng ta cần chiến lược, chính sách đột phá phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới, không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa, hội nhập mà các ngành công nghiệp chủ lực như ô tô, dệt may, điện tử, da giày, thậm chí nền nông nghiệp căn bản dừng lại ở trình độ gia công, lắp ráp.

“Nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, ngay cả ngành công nghiệp đỉnh cao và tiềm năng như chip bán dẫn mà trong 10 -15 năm tới, Việt Nam vẫn đảm nhận khâu gia công, đóng gói thì đất nước không thể vượt bẫy trung bình, không thể trở thành quốc gia phát triển” – đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh rất cần quyết sách tầm chiến lược tầm quốc gia của cả Quốc hội và Chính phủ.

“Cái áo cơ chế đã quá chật hẹp”

Đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bày tỏ tâm đắc, tán thành nhiều giải pháp với kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, gồm 5 nhóm tác động tới tăng trưởng bền vững.

Thứ nhất, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông đề nghị Chính phủ tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển doanh nhân dân tộc. Đại biểu đánh giá cao Chính phủ đang xây dựng nghị định về trọng dụng nhân tài và mong rằng quy định sớm đi vào vận hành, trở thành quy tắc xử sự trong toàn xã hội.

Về doanh nhân dân tộc, vừa qua Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 nên đại biểu mong Quốc hội “đưa được một đoạn hồn cốt của tinh thần này vào nghị quyết chung của kỳ họp và đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị”.

Trong đó, cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thường xuyên đối thoại, hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp; đặc biệt là bảo vệ tài sản hợp pháp của doanh nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế xử lý vi phạm và không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Liên quan cải cách thể chế, ông nhấn mạnh việc coi đây là một nguồn lực nên tiếp tục đề nghị sớm thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, coi đây là điểm đột phá quan trọng. “Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo cơ chế của chúng ta đã quá chật hẹp. Cho nên, cần rà soát đồng bộ để may cái áo mới thay vì vá víu thay từng cúc áo một” – ông nói.

Về hạ tầng, ông Lê Thanh Vân cho rằng cần giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, có thể dùng toàn bộ tăng thu của các năm liên tiếp tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cùng với đó là chấn hưng văn hóa và đạo đức ứng xử. Và để chấn hưng văn hóa thì 3 nhóm cần phải trách nhiệm đi đầu, tiên phong là giới lãnh đạo quản lý, thầy cô giáo và cha mẹ. “Ba nhóm người này dẫn đầu về văn hóa, đạo đức thì tôi tin thế hệ trẻ có ứng xử văn hóa, đạo đức tốt hơn” – đại biểu bày tỏ.

Từ khóa: đại biểu quốc hội, thể chế, kinh tế việt nam, kỳ họp thứ 6, quốc hội,gdp việt nam 2023

Thể loại: Nội chính

Tác giả: ngọc thành/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập