Nhật Bản mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trên lĩnh vực an ninh

Cập nhật: 13/12/2024

VOV.VN - Hợp tác an ninh Nhật - Việt không chỉ đóng góp cho hai nước mà còn cho cả châu Á và thế giới. Nhật Bản cũng rất mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trong nhiều năm gần đây, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản liên tục phát triển tốt đẹp, thiết lập nhiều tầm cao mới và một mô hình mới về hợp tác quốc tế. Trong tiến trình đó, có những đóng góp không thế thiếu của Quốc hội hai nước.

Lưỡng viện quốc hội Nhật Bản có nhiều chính đảng với những chính kiến, lập trường, quan điểm khác nhau, nhưng có một điểm chung bất biến. Đó là, coi trọng và quyết tâm thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với Việt Nam – đối tác được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước “Mặt trời mọc”.

Trong bối cảnh đó, đặc biệt, khi Nhật Bản vừa tiến hành tổng tuyển cử, bầu ra Hạ nghị viện mới, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được kỳ vọng là sẽ tạo ra một sức đẩy lớn, đưa quan hệ hai nước tiến xa hơn trong tương lai. Trước thềm hoạt động ngoại giao quan trọng này, phóng viên VOV thường trú tại Nhật Bản phỏng vấn Hạ nghị sỹ Aoyagi Yoichiro về mối quan hệ tốt đẹp giữa các cơ quan lập pháp của hai nước.

Phóng viên: Trước tiên, xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. Theo ông, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Nhật Bản đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển quan hệ giữa hai nước, với dấu mốc lịch sử nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, vào tháng 11/2023?

Hạ nghị sỹ Aoyagi: Trước tiên, phải khẳng định, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có vị trí cao nhất trong các mối quan hệ ngoại giao của Nhật Bản. Vì thế, việc nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao này có ý nghĩa to lớn. Có thể nói, đây là quan hệ cận đồng minh, không chỉ dừng ở hợp tác kinh tế, mà còn bao hàm cả chính trị, an ninh – quốc phòng, ngoại giao, văn hóa... có ý nghĩa cả về mặt biểu trưng, biểu tượng. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, mối quan hệ này sẽ tiếp tục được làm sâu sắc thêm trong thời gian tới.

Khi có dịp trao đổi với phía Việt Nam, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, cần tăng cường quan hệ 2 nước ở nhiều tầng mức, lặp đi lặp lại liên tục. Về tầng mức, cần thắt chặt giao lưu ở tất cả các cấp, bắt đầu từ giao lưu nhân dân, giao lưu giữa thế hệ trẻ, sau đó là giao lưu giữa các cơ quan, giữa hai chính phủ, giữa các vị lãnh đạo... Đặc biệt, cần lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ các hoạt động này. Tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng và hai cơ quan lập pháp của hai nước đang đóng góp to lớn cho việc tăng cường quan hệ hai nước theo hướng này.

Quốc hội hai nước cũng thúc đẩy hợp tác kinh tế cả đa phương lẫn song phương, đồng thời với thắt chặt hợp tác an ninh, ngoại giao, văn hóa... Cụ thể là hợp tác phát triển công nghiệp dịch vụ, giao lưu nhân dân, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.... và chung sức giải quyết các vấn đề tồn tại như: các khó khăn mà các doanh nghiệp hai nước đang gặp phải trong quá trình đầu tư sang nước kia, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động, tạo điều kiện cho sinh viên hai nước sang du học một cách dễ dàng. Giải quyết các vấn đề này đồng nghĩa với việc thúc đẩy quan hệ hai nước, hướng tới cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới được thiết lập.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Nhật Bản tại các diễn đàn đa phương? Và sự hợp tác này đã đem lại những kết quả nào, thưa ông?

Hạ nghị sỹ Aoyagi: Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)... Những nỗ lực tham gia vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương như vậy là điều rất quan trọng, đã, đang và sẽ mang lại cho hai nước nhiều thành quả to lớn. Bên cạnh đó, còn một điều quan trọng nữa là hợp tác về duy trì, đảm bảo an ninh. Hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, vẫn xảy ra xung đột vũ trang nghiêm trọng, do đó, cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh, và cần tăng cường hợp tác để giải quyết, song song với thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhằm bảo vệ sự an toàn cho người dân.

Hợp tác an ninh Nhật - Việt không chỉ đóng góp cho hai nước mà còn cho cả châu Á và thế giới.

Nhật Bản cũng rất mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Đối với Nhật Bản, hợp tác an ninh cơ bản nhất là quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng bên cạnh đó, hợp tác an ninh với Anh, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia... cũng rất quan trọng. Nhật Bản đã ký nhiểu Hiệp định hợp tác về an ninh với các nước. Với tư cách là một trong những người tham gia lập pháp của Nhật Bản, tôi hy vọng rằng, tới đây, Nhật Bản và Việt Nam cũng sẽ có những văn bản hợp tác tương tự, bởi vì quan hệ của chúng ta đã lên tới tầm mức đủ để cân nhắc vấn đề này. Đồng thời, điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên tương tự như hợp tác kinh tế.

Phóng viên: Tới đây, Quốc hội hai nước cần tăng cường hợp tác trên những lĩnh vực nào, để tháo gỡ vướng mắc, tạo thể chế để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai nước, thưa ông?

Hạ nghị sỹ Aoyagi: Như tôi đã nêu trên, tới đây, hai bên cần tiếp tục làm một việc nữa, đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Trên thực tế, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang gặp phải một số khó khăn về thủ tục hành chính, dẫn tới tốn nhiều thời gian, công sức, thậm chí có những dự án không được cấp phép. Cụ thể, hiện nay, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ rất muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng đang gặp khó khăn. Hoặc như các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng đang phải đối diện với tình trạng tương tự trong quá trình đầu tư. Và ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải khó khăn tương tự tại Nhật Bản. Đây là điểm mà Quốc hội và chính phủ hai nước cần nỗ lực hợp tác để giải quyết.

Năm ngoái, mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng đã có doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán của Nhật Bản. Đây là điều đáng hoan nghênh và là minh chứng về việc nếu chúng ta cùng nỗ lực, có thể giải quyết được các tồn tại. Một điểm nữa cần chú ý là hợp tác lao động. Hiện nay, số lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã vượt qua con số 500.000 người, giữ vị trí quan trọng nhất trong lực lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Trong bối cảnh Nhật Bản đang rất cần nguồn nhân lực nước ngoài, việc tạo môi trường làm việc thuận lợi, nâng cao thu nhập cho người lao động Việt Nam là điều cần làm ngay. Tương tự như vậy với hợp tác giáo dục. Cần tạo điều kiện cho sinh viên hai nước sang du học một cách dễ dàng, thậm chí thiết lập cả cơ chế về học bổng để khuyến khích du học giữa hai nước. Trên thực tế, còn nhiều vấn đề mà cơ quan lập pháp của hai nước cần phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ Nhật Bản, với quan hệ đối tác quan trọng về thương mại, ODA..., có thể nói hai nước còn nhiều tiềm năng để khai thác, do đó, cần chung sức giải quyết từng đầu việc cụ thể, nhằm thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.   

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!

Từ khóa: nhật bản, nhật bản, việt nam, an ninh, hợp tác, chủ tịch quốc hội, trần thanh mẫn

Thể loại: Nội chính

Tác giả: pv/vov - tokyo

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập