Nhân lực công nghiệp vật liệu chưa đáp ứng yêu cầu
Cập nhật: 10/04/2021
VOV.VN - Nguồn nhân lực thiếu và yếu là nguyên nhân chủ yếu khiến ngành công nghiệp vật liệu Việt Nam chưa phát triển.
Sáng nay (10/4), tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Dự hội thảo có ông Trần Tuấn Anh-Uỷ viên Bộ Chính trị- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Huỳnh Thành Đạt- Uỷ viên Trung ương Đảng- Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, ông Vũ Hải Quân- Uỷ viên trung ương Đảng- Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.
Hội thảo được tổ chức kết hợp tại hội trường và trực tuyến với sự tham dự của gần 400 đại biểu là lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức để tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VI vào năm 2022 để ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.
Một trong những nội dung của quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đảng ta xác định là “Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.”. Đây cũng là nội dung được nêu trong đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.
Để thực hiện được quan điểm và đột phá chiến lược này, yêu cầu đặt ra là phải phát triển những ngành công nghiệp nền tảng mà công nghiệp vật liệu cần ưu tiên đi trước một bước, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp sản xuất khác, góp phần bảo đảm xây dựng được một nền công nghiệp vững mạnh, độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Thực tiễn trên thế giới cho thấy, không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu nhưng thực tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra.
Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí.
14 báo cáo nghiên cứu, tham luận quy mô của các bộ, ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế cùng với phần trao đổi, thảo luận trực tiếp của 12 chuyên gia tại hội thảo đã khái quát thực trạng đào tạo và sự cần thiết phải thay đổi trong đào tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các viện, trường ra thực tiễn.
Trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu, Việt Nam có 687 tổ chức nghiên cứu và phát triển, có gần 173.000 người và chủ yếu làm việc trong các tổ chức giáo dục đại học. Cùng với các cơ chế, chính sách thì tỉ lệ chi của ngân sách quốc gia cho nghiên cứu và phát triển vật liệu tăng theo từng năm và đến năm 2017 bằng 0,52% GDP. Những con số này cho thấy nhân lực công nghệ khoa học và kinh phí cho nghiên cứu của Việt Nam ở mức thấp. Hiện nhân lực khoa học công nghệ tính trên 1.000 người lao động của Việt Nam chỉ đạt 0,7 (các nước phát triển là 8,6).
Theo nhiều đại biểu, Việt Nam có chiến lược quốc gia cho công nghiệp nói chung và công nghiệp vật liệu nói riêng khá tốt nhưng thiếu đầu tư, thiếu tạo điều kiện cho triển khai thực hiện và thiết chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện, kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh. Cho nên, trước hết, các ngành cần rà soát lại các cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này để đưa ra thực tiễn và điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước để đào tạo nhân lực, phát triển vật liệu cho các ngành trọng yếu.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới rất quan trọng, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy và hành động với quyết tâm cao. Đảng đã đề ra định hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo, đồng thời xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược.
“Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới”, ông Trần Tuấn Anh chỉ rõ./.
Từ khóa: công nghiệp vật liệu, phát triển công nghiệp, công nghiệp hóa, nguồn nhân lực
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN