Nhận định chứng khoán 2/8: VN-Index sớm thử thách lại vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210
Cập nhật: 19/08/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sớm thử thách lại vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210 điểm. Đồng thời, nếu thị trường xuất hiện nhịp hồi trong 1-2 phiên giao dịch tới thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần.
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/8
Sau phiên giao dịch tăng điểm ngày 31/7, thị trường mở cửa phiên sáng 1/8 tiếp tục trong sắc xanh và VN-Index tiến gần 1.260 điểm, tuy nhiên lực cầu yếu khiến chỉ số sau đó giảm điểm. Áp lực bán gia tăng và ngày càng mạnh trong phiên chiều tại nhiều nhóm cổ phiếu khiến VN-Index kết phiên giao dịch ngày 1/8 giảm -24,55 điểm (-1,96%) về mốc 1.226,96 điểm. HNX-Index kết phiên tại mốc 229,23 điểm (-6,13 điểm, tương ứng -2,6%). Độ rộng thị trường nghiêng về tiêu cực với 306 cổ phiếu giảm giá (27 mã giảm sàn), 41 cổ phiếu tăng giá, 27 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 132 cổ phiếu giảm giá (10 mã giảm sàn), 43 cổ phiếu tham chiếu và 38 cổ phiếu tăng giá. Điểm tích cực là thanh khoản trên cả 2 sàn tăng mạnh so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +24,3% tại HOSE và đặc biệt +216% tại HNX.
Trong phiên giảm điểm mạnh, vẫn có một số cổ phiếu tích cực phiên 1/8 như Ngân hàng với VCB (+1,68%), NAB (+1,65%), SSB (+0,69%)... Thực Phẩm và Đồ Uống, tiêu biểu với mã DBC (+2,34%), VTL (+3,7%), MCH (+0,37%)... Bên cạnh đó, thông tin giá dầu Brent tăng +3,83% phiên giao dịch hôm qua trước diễn biến mới nhất về căng thẳng tại Trung Đông giữa Iran và Israel sau khi thủ lĩnh Hamas bị ám sát, góp phần tác động lên sắc xanh nhiều cổ phiếu Dầu khí như: PVD (+0,54%), PVC (+0,72%), TOS (+0,18%), PTV (+0,62%)...
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu Chứng khoán ghi nhận tiêu cực nhất trong phiên 1/8 với nhiều mã giảm sâu như: SSI (-4,72%), MBS (-8,22%), BVS (-7,8%), EVS (-7%), VDS và CTS giảm kịch biên độ (-6,9%), FTS (-6,9%), BSI (-6,4%)..., một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành Viễn thông với VGI (-14,6%), TTN (-2,85%), MFS (-7,5%)... Đa số cổ phiếu ngành Hóa chất và Phân bón có một phiên giao dịch giao dịch trong sắc đỏ, cụ thể là DGC (-5,36%), CSV (-2,13%), DCM (-3,91%), DPM (-2,41%), LAS (-4,44%), DDV (-6,45%), BFC giảm kịch biên độ (-6,94%)... Nhiều cổ phiếu ngành Bất động sản dân cư cũng giảm mạnh như: QCG (-6,94%), PDR (-6,84%), NTL (-6,84%), NVL (-5,5%), HDG (-4,8%)…
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index tạo nến giảm điểm thân dài và xóa bỏ nỗ lực hồi phục các phiên trước đó. Agriseco cho rằng, quá trình cơ cấu danh mục cùng áp lực hạ tỷ trọng margin đang khiến thị trường trở lại với xu hướng giảm ngắn hạn. Mốc 1.200 điểm tương ứng với đường MA200 là chốt chặn xu hướng trung hạn, kỳ vọng sẽ là điểm đỡ đáng tin cậy của chỉ số trong các phiên sắp tới.
“Nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, giảm bớt tỷ trọng các mã mang thiên hướng đầu cơ có thị giá phá vỡ vùng nền tích lũy trước đó. Về hướng tăng tỷ trọng, có thể chờ đợi tại các nhịp điều chỉnh về vùng cân bằng, ưu tiên nhóm ngân hàng, nhóm VN30 khi thị giá đã chiết khấu sâu đồng thời chỉ báo RSI lùi về vùng quá bán”, chuyên gia của Agriseco nêu quan điểm.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường trải qua một phiên giao dịch phủ định đà hồi phục của cả tuần này và chính thức trở lại nhịp điều chỉnh số 3. Tín hiệu rung lắc đã được dự báo bởi trạng thái phân hóa sức mạnh ở độ rộng các nhóm ngành trong những phiên gần đây. Điểm tích cực là thanh khoản gia tăng, tuy nhiên liệu đây chỉ là lực cầu mua hoảng loạn hay là vùng mua bền vững thì sẽ cần thêm dữ liệu để đánh giá.
“Nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng do thị trường tạo đáy không thành công và tạm quan sát thị trường”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sớm thử thách lại vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210 điểm. Đồng thời, nếu thị trường xuất hiện nhịp hồi trong 1-2 phiên giao dịch tới thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần. Mức định giá đã giảm về gần mức thấp nhất trong tháng 4/2024 và rủi ro tỷ giá hạ nhiệt nên vùng 1.200 điểm của chỉ số VN-Index được xem là vùng hỗ trợ mạnh và cơ hội ngắn hạn cao hơn so với rủi ro ngắn hạn tại mức 1.200 điểm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý nhà đầu tư đã bi quan hơn, đây có thể là phản ứng tâm lý lo ngại về rủi ro địa chính trị nhiều hơn.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư có thể vẫn ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và nên tạm thời dừng bán giai đoạn này”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Từ khóa: chứng khoán, chứng khoán, chứng khoán hôm nay, nhận định chứng khoán, thị trường chứng khoán, VN-Index
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: ctv kim oanh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN