Nhận diện thách thức với kinh tế Việt Nam 2025
Cập nhật: 5 giờ trước
VOV.VN - Mức tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm 2024 là thành công rất lớn mà nước ta đã đạt được, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động và nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Năm 2025, mặc dù có nhiều cơ hội mới đang mở ra, nhưng mục tiêu trưởng khoảng 8% là rất nhiều thách thức. Phóng viên Thành Trung ghi nhận những thách thức này dưới góc nhìn của các chuyên gia.
Nhận định về động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia tin rằng cơ hội đầu tư trong năm 2025 vẫn rất lớn khi tiêu dùng của người dân gia tăng, đầu tư công được thúc đẩy, bất động sản phục hồi trở lại và thị trường chứng khoán kỳ vọng nâng hạng. Tuy nhiên, việc tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn. Đối với doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm cho biết: "Đối với doanh nghiệp sản xuất và sử dụng nhiều lao động như chúng tôi, tỷ suất lợi nhuận rất mỏng. Chỉ cần biến động về tỷ giá một chút hoặc biến động lao động một chút thì chúng tôi có thể đang từ lãi thành lỗ. Rất mong muốn là về mặt tiền tệ và thị trường lao động ổn định thì chúng tôi sẽ yên tâm hơn".
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm 2025 như: Giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu. Mặc dù lạm phát năm 2024 dự kiến dưới 4,5%, nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng: "Về trung hạn, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh. Bởi theo các chỉ báo và đánh giá về năng lực cạnh tranh toàn cầu thì đây là những điểm nghẽn, điểm dưới mức trung bình của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Như vậy mới thúc đẩy chúng ta đặt ra mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, bởi suy cho cùng muốn có tăng trưởng nhanh và bền vững thì động lực vẫn đến từ khu vực doanh nghiệp".
Nhìn vào kinh tế toàn cầu, trong giai đoạn 2024-2026 tăng trưởng ở mức 3,2%, thấp hơn so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Một nền kinh tế lớn là Trung Quốc, tăng trưởng ở mức 4,5%. Trong khi mục tiêu mà nước ta đặt ra là cao gần gấp đôi là rất thách thức. Năm 2025, áp lực về tỷ giá là rất lớn, rủi ro về địa chính trị còn hiện hữu, rủi ro về thương mại tăng lên, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao. Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của Việt Nam-Nền kinh tế có độ mở rất cao.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực phân tích: "Áp lực về lãi suất, về tỷ giá vẫn neo ở mức cao. Thứ hai là bảo hộ thương mại tác động rất mạnh đến doanh nghiệp Việt Nam. Một rủi ro khác là việc gắn mác thao túng tiền tệ. Do đó, chúng ta vẫn cần phát huy nội lực, đó là tiêu dùng và đầu tư".
Từ những thách thức trong năm 2025, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có thêm các chính sách thu hút FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới. Cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Trong ngắn hạn, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên.
Từ khóa: tăng trưởng, tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế, gdp, thách thức với kinh tế Việt Nam 2025
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thành trung/vov1
Nguồn tin: VOVVN