Nhậm chức 2025, ông Trump trở lại mạnh mẽ khiến phe đối lập quy phục
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Tổng thống đắc cử Trump đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Mỹ 2024 để trở lại Nhà Trắng mạnh mẽ hơn xưa gấp nhiều lần. Lễ nhậm chức của ông dự kiến nhận được chủ yếu sự cổ vũ và quy phục thay vì phong trào phản kháng từ phe đối lập như hồi năm 2017.
Khi ông Trump lần đầu nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm 2017, ông đã vấp phải phong trào phản kháng đáng kể từ lực lượng đối lập. Nhưng nay gió đã đảo chiều. Sự phản kháng về cơ bản đã biến thành sự quy phục trước một ông Trump thắng như chẻ tre trong bầu cử Mỹ 2024 để chính thức nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 2 vào tháng 1/2025 này.
Các ông trùm công nghệ đổ xô đến thăm tư dinh của ông Trump tại Mar-a-Lago. Các tỷ phú ký séc tới 7 chữ số để mong có được chỗ ngồi trong lễ nhậm chức của ông Trump. Một số hãng thậm chí còn bỏ các chương trình về biến đổi khí hậu và bình đẳng đa dạng hóa nhằm lấy lòng ông Trump.
Một số đảng viên phe Dân chủ Mỹ hiện đang bàn về cách hợp tác với tổng thống Mỹ tương lai. Người ta cũng nhận thấy một số hãng truyền thông đã tái định hướng nội dung để thể hiện sự kính trọng lớn hơn đối với Tổng thống đắc cử Mỹ.
Hồi năm 2017, chỉ một ngày sau khi ông Trump nhậm chức, đã có hàng trăm ngàn người xuống đường ở Washington để biểu tình phản đối ông Trump. Nhưng nay phong trào này còn rất ít người tham gia.
Chiến lược của phong trào đối lập đã không ngăn cản được ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Sau 8 năm, nhiều người của phong trào này đã trở nên kiệt sức và mất tinh thần chiến đấu. Tất nhiên, vẫn có một vài nhân vật “trung kiên” theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Donna Brazile - cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ thừa nhận: “Các lãnh đạo phe Dân chủ đã ngộ ra rằng tập trung mọi năng lượng vào một người sẽ không tạo ra sự khác biệt. Đây là viên thuốc đắng khó nuốt. Chúng tôi sẽ xây dựng lại lực lượng. Phong trào phản kháng chủ nghĩa Trump sẽ không chấm dứt, nhưng sẽ có diện mạo mới trong kỷ nguyên Trump 2.0”.
Đối với đội ngũ của ông Trump, dịp nhậm chức thứ 2 của ông sẽ là dịp của chiến thắng và ăn mừng. Sau khi ông Trump thất cử vào năm 2020, bị luận tội 2 lần và đối mặt với viễn cảnh bị truy tố hình sự vì nhiều tội danh, người ta ít nghĩ đến chuyện ông sẽ trở lại Nhà Trắng 4 năm sau đó, chưa kể việc ông còn chiến thắng áp đảo về cả lá phiếu đại cử tri lẫn cử tri phổ thông.
Việc giới chính trị, truyền thông và doanh nghiệp Mỹ bày tỏ sự kính nể đối với ông Trump có thể là vì người ta cảm nhận được công luận đang nghiêng về phía ông Trump hơn họ vẫn tưởng.
Một cuộc thăm dò dư luận, do tờ New York Times và hãng Ipsos công bố vào ngày 18/1/2025, cho thấy ngay cả nhóm những người Mỹ không ưa ông Trump cũng đồng ý với nhận định của ông về một số vấn đề của nước Mỹ. Ho có thể bất ngờ khi ông Trump đánh bại ứng viên Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng không ngạc nhiên nhiều trước việc ông hạ gục đối thủ Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Những người siêu giàu tại Mỹ đang cố gắng gây dựng quan hệ nồng ấm với ông Trump. Các ông trùm công nghệ như Jeff Bezos và Mark Zuckerberg háo hức săn đón ông Trump. Sự chuyển đổi này không hẳn là do cảm xúc cá nhân mà chủ yếu là kết quả của phân tích xu hướng thay đổi trong xã hội cũng như tính toán của họ về cách tốt nhất để tự vệ trước một vị tổng thống khó dự đoán.
Khi nhậm chức trở lại, ông Trump bỗng nhận ra rằng mình cứ việc ở nguyên một chỗ mà không cần phải ra tay ép đối thủ xuống nước hay thay đổi sách lược nhằm thích nghi với triều đại mới.
Các mạng tin tức đang tự cải tổ nhân sự, các bài xã luận đang định vị lại quan điểm theo yêu cầu của những ông chủ giàu có. Công ty Meta (Facebook) của ông Zuckerberg bãi bỏ tính năng kiểm tra sự kiện nhằm chiều theo tân tổng thống Mỹ tương lai.
Christopher A. Wray - đương kim Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), đã chủ động từ chức trước khi bị ép phải rời khỏi nhiệm sở để nhường chỗ cho ứng viên mới được ông Trump chỉ định vào vị trí này.
Các đảng viên Dân chủ như thượng nghị sĩ John Fetterman (bang Pennsylvania) và thống đốc Gretchen Whitmer của bang Michigan đang cổ xúy cho tinh thần hợp tác. Bảy nghị sĩ Dân chủ từng tẩy chay lễ nhậm chức của ông Trump hồi năm 2017 thì hiện nay lại nói với tờ Politico rằng họ sẽ dự lễ nhậm chức năm nay. Những đảng viên Cộng hòa từng vài lần chống đối ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên thì nay lui lại chấp nhận các đề cử do ông Trump đưa ra.
Ngoài thái độ phục tùng, tại Washington còn xuất hiện tâm lý sợ bị trả đũa một khi Kash Patel (người của ông Trump) được Thượng viện Mỹ xác nhận là tân lãnh đạo của FBI. Trong một cuốn sách do ông Patel viết, ông đã liệt kê 60 người mà ông coi là nhân tố “nhà nước ngầm” có thể bị ông sờ gáy. Ông Patel cũng thề sẽ đụng tới các hãng truyền thông bị ông coi là tung tin giả.
Tuy nhiên, Sarah Longwell - chiến lược gia chính trị của phe Cộng hòa thì cho rằng dẫu sao ông Trump cũng chỉ còn 4 năm phía trước trên cương vị tổng thống vì Tu chính án thứ 22 của Hiến pháp cấm ông ấy tranh cử lần nữa dù rằng ông Trump vẫn hay đùa rằng mình sẽ tìm cách để lần thứ 3 trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.
Xem thêm:
>> Nga đáp trả đòn tập kích của Ukraine, đội ngũ Trump thừa nhận hòa bình xa vời
>> Nga tấn công dồn dập Ukraine trước thềm lễ nhậm chức của ông Trump
>> Hành trình ly kỳ của ông Trump từ tổng thống thất cử đến tổng thống đắc cử Mỹ
Từ khóa: trump, nhậm chức, lễ nhậm chức của trump, tổng thống mỹ, phe đối lập của ông trump, đối đầu ông trump, quy phục ông trump, trump áp đảo, trump chiếm ưu thế, chính trường mỹ, chính quyền trump, nhà trắng, trump lợi hại hơn xưa, trump mạnh hơn, quy phục trump, lấy lòng trump
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: trung hiếu/vov.vn biên dịch
Nguồn tin: VOVVN