Nhạc sĩ Văn Dung - "Người đã reo ca giữa thực và mộng"

Cập nhật: 10/03/2022

VOV.VN - Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết những dòng thơ nghẹn ngào này để tiễn biệt nhạc sĩ Văn Dung: "Đã sống đến tận cùng sống/ Đã thăng hoa chất ngất thăng hoa/ Người đã reo ca giữa thực và mộng/ Và bay đi cùng xuân xanh sắp xa".

Tối 8/3/2022, nhạc sĩ Văn Dung đã “tạ mùa đi” khi những bông hoa dâng tặng phái yếu đang còn nồng hương các nẻo đường Hà Nội. Hình như giữa những làn hương ấy còn có cả làn hương ngân nga cùng giai điệu từ “Những bông hoa trong vườn Bác" - một khúc ngợi ca trữ tình của người nhạc sĩ tài hoa này.

Văn Dung sinh ngày 15/1/1936, ở làng Bích Câu, ở làng Bích Câu (Hà Nội), nơi sinh ra truyền thuyết “Bích câu kỳ ngộ” nên có lẽ chính nhạc sĩ cũng đã trở thành truyền thuyết của làng nhạc Việt Nam.

Ở tuổi đôi mươi, khi miền Bắc vừa giải phóng, Văn Dung tuy có năng khiếu âm nhạc nhưng lại theo học nghiệp vụ báo chí để rồi làm biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát triển phong trào ca nhạc của học sinh và sinh viên Hà Nội lúc bấy giờ. Lúc ấy người anh trai của ông là nhạc sĩ Thế Song đang đứng trong tốp ca nam của Đoàn ca nhạc Đài.

Văn Dung bước vào tuổi “tam thập, nhị lập” đúng lúc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam. Ông trình làng một hành khúc mới lạ mang tên “Giải phóng quân ta ra đi” viết chung với Triều Dâng – một người bạn đồng nghiệp ở phòng ca nhạc nhưng là người ở Cần Thơ tập kết ra Bắc. Bằng kinh nghiệm đã viết chung với Văn Lưu hành khúc “Ta là chiến sĩ giải phóng quân”, Triều Dâng đã cùng Văn Dung đi tới một ngôn ngữ hành khúc trẻ trung hơn. Năm nốt trắng mở đầu đoạn B hành khúc “Đi giải phóng miền Nam”, Văn Dung và Triều Dâng đã đưa vào đấy chất phơi phới của tuổi trẻ trên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Ca khúc "Giải phóng quân ta ra đi": 

Sau đó không lâu, vào những ngày Hà Nội nghênh chiến máy bay Mỹ lần đầu năm 1967, bên cạnh một ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của Phạm Đức Lộc – bài “Bé bé bằng bông”, cả trẻ con và người lớn đều thích bài “Em đố mẹ em” của Văn Dung rất hóm hỉnh, ý nhị và duyên dáng: “Em đố mẹ em Mỹ rơi bao máy bay/ Em đố mẹ em đếm trên đầu ngón tay/ Mẹ bảo chịu thôi không sao đếm được/ Máy bay giặc Mỹ nó rơi hàng ngày…”. Một ẩn dụ đầy chất thơ.

Nhưng Văn Dung không dừng lại, ông cùng nhiều nhạc sĩ khác dấn thân cùng cả dân tộc vào cuộc chiến chống Mỹ. Khe Sanh là hiện thực của mùa xuân Tổng tấn công Mậu Thân 1968 mà người nhạc sĩ đã không quản ngại dấn thân. Sau sự sáng tạo 5 nốt trắng cho hành khúc đầu tiên, ở hành khúc “Tiến về Khe Sanh”, Văn Dung dùng nhịp 1/4. Ông lý giải với người lính chiến trường, chân nào cũng là chân chính, chân nào cũng mạnh. Nhịp 1/4 là nhịp chỉ có 1 phách mạnh. Tuy nhiên, ông chỉ sử dụng nhịp 1/4 ở đoạn A và A’, còn đoạn B  vẫn chuyển nhịp 2/4. Nhưng sau đấy 3 năm, cũng vào mùa xuân của tuổi 36, Văn Dung đã mê man đưa ra khúc hoan ca “Bài ca đường 9 chiến thắng” ngay khi chiến thắng đường 9 – Nam Lào mùa xuân 1971 tưng bừng trong cả nước, hạ gục ý đồ “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Khúc hoan ca trữ tình, độc đáo này toàn vẹn nhịp 1/4: “Em nghe vui vẻ bên Đông Trường Sơn/ Em nghe vui vẻ bên Tây Trường Sơn/ Nghe sấm dội cả non ngàn/Nghe bão nổi cả đôi miền…”.

Ca khúc "Tiến về Khe Sanh":

Tôi từng nói với Văn Dung, năm 1972, khi tham gia mặt trận Quảng Trị, có dịp ở Đường 9 là tôi làm ngay chuyến “du lịch chiến tranh” qua các địa danh từng có trong bài hát của ông. Văn Dung cười hóm hỉnh và hỏi: “Thế Kha có biết lời chế của bài này chưa?”. Tôi ngẩn người khi ông tự hát những lời tự giễu mình say sưa: “Ông Văn Dung ơi/ Ông đang ở đâu/ Ông đi theo ai ông đang tận đâu/ Nghe tiếng vợ gọi/gầm trên đầu…”.

Có lẽ chính cái chất lãng tử, tự giễu cợt cũng là một năng lượng sáng tạo trong Văn Dung. Và nhờ thế, “Đường Trường Sơn xe anh qua” đã xuất thần như một duyên nợ mà Văn Dung đã trả cho tuyến đường mà ông đã bao năm bươn trải, mong mỏi cùng mồ hôi và bao máu xương những người ra trận, đặc biệt là những nữ thanh niên xung phong với gương mặt tái xám vì sốt rét liên miên năm qua năm.

Giai điệu rơm rớm làm sao, ve vuốt làm sao những nỗi niềm câm lặng: “Ơi cô gái Trường Sơn Ơi/Bao đêm em đi mở đường/ Cho từng chuyến xe anh qua, vang giọng hát em ngân xa…”. Lời ca an ủi đi sâu vào tâm cảm thiếu nữ: “Tuổi thanh xuân đến với núi rừng, dù bom rơi, mưa dông nắng lửa, Vượt hiểm nguy em băng băng qua, mở đường xe anh ra tiền tuyến…”. Tất cả dường như chuẩn bị cho sự thăng hoa của bốn nốt móc kép mở dầu đoạn sau: “Anh qua bao núi cao, anh qua bao dốc đèo” để rồi cộng hưởng đến cùng cực, đến nhân bản: “Đường in trong tim anh, đường in dấu chân em, đường Trường Sơn yêu biết mấy, khi Miền Nam…sáng trong lòng anh”. Tôi từng hỏi Văn Dung ông có biết bao nhiêu mối tình Trường Sơn được “đơm hoa kết trái” bởi ca khúc này không? Văn Dung chỉ cười với vẻ mặt phớt đời.

Ca khúc "Đường Trường Sơn xe anh qua”:

Hơi thở trữ tình này tiếp tục được Văn Dung chuyển hóa vào một khúc ngợi ca Bác Hồ rất đặc sắc mà trước và cả sau ông, không ai làm được. Vào thời điểm sau ngày thống nhất ít năm, âm hưởng nhạc trẻ đã bắt đầu thấm vào các nhạc sĩ sáng tác trên khắp đất nước. Người hâm mộ âm nhạc rất ngỡ ngàng và hân hoan khi nghe khúc ngợi ca “Những bông hoa trong vườn Bác” của Văn Dung. Một giai điệu ngợi ca danh nhân văn hóa của thế giới, lãnh tụ của dân tộc nhưng không có gì lên gân, không quá hùng tráng mà hồn nhiên, gần gũi nhưu làn hương vô hình tỏa thơm, len lỏi vào tận sâu tâm hồn. Trịnh Công sơn từng nói với tôi rằng “Những bông hoa trong vườn Bác” của Văn Dung là mốc son trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Ca khúc "Những bông hoa trong vườn Bác":

Tôi được quen và chơi với Văn Dung như một người bạn vong niên vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông có nghe vài ca khúc của tôi được thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam và thấy cần chia sẻ. Tôi thì quá mến mộ ông nên cảm thấy đấy là niềm vinh dự bất ngờ, càng ngày anh em càng gần gũi nhau khi những lúc ngồi với Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Hồng Đăng, Tân Huyền, Trần Chung,…

Không chỉ lãng tử, trữ tình, Văn Dung còn rất nhạy bén – cái nhạy bén của một nhà báo văn hóa. Cùng ông tham gia nhiều cuộc sáng tác cho địa phương, cho ngành, cho các binh chủng trong quân đội, tôi luôn cảm thấy phẩm chất này của Văn Dung rất nổi trội. Lòng ông cũng mênh mang lắm thì mới có thể rung lên trên từng nẻo đường đất nước. Nào là thảng thốt như reo lên “Về Cửa Lò về phố biển”, hay chất ngất nơi miền biên cương A Pa Chải,… Văn Dung quảng giao, quan hệ rộng. Ai cũng yêu quý ông vì sự hồn nhiên lãng tử.

Là người kế nghiệp lãnh đạo Hội Âm nhạc Hà Nội, Văn Dung cùng các cộng sự đã đem đến những hoạt động khởi sắc cho làng nhạc Thủ đô bằng những đêm tôn vinh tác giả. Khi tôi còn văn phòng ở 59 Tràng Thi, ông hay ghé thăm, trò chuyện và đưa ra những ý tưởng rất riêng về những hoạt động âm nhạc. Một con người khoan hòa công tư từ bản chất.

Nhưng có ai cưỡng lại được thời gian. Thời gian cho ta tất cả và lấy đi tất cả của ta. Những lần ghé thăm nhau thưa dần rồi đến lúc đã không thể bước qua cánh cửa nhà mình. Nhìn thấy đấy, buồn thương đấy nhưng bất lực. Chỉ còn biết chờ đợi cho đến thời khắc cuối cùng của cuộc “tạ mùa đi” ở tuổi 86 của ông đã đủ đầy phúc – lộc – thọ - khang – vinh. Khúc tưởng biệt Văn Dung của tôi muốn dừng như một cây hương thương tiếc trong những dòng thơ nghẹn ngào này:

“Đã sống đến tận cùng sống

Đã thăng hoa chất ngất thăng hoa

Người đã reo ca giữa thực và mộng

Và bay đi cùng xuân xanh sắp xa”./.

Từ khóa: nhạc sĩ văn dung, văn dung qua đời, nguyễn thụy kha, những bông hoa trong vườn Bác, đường Trường Sơn xe anh qua, Tiến về Khe Sanh, Giải phóng quân ta ra đi, chim chích bông, em đố mẹ em, các ca khúc của văn dung, văn dung vov, Đài Tiếng nói Việt Nam

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập