Nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc cuộc đời
Cập nhật: 15/11/2023
VOV.VN - Biết bao thế hệ công dân Việt, ở tất cả các lứa tuổi, không ai không nằm lòng ca khúc "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao, bởi ca khúc đã đồng hành cùng đất nước qua thăng trầm lịch sử, trở thành quốc ca - một phần thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người.
Mỗi khi giai điệu "Tiến quân ca" vang lên, bất cứ người Việt Nam nào cũng trào dâng niềm tự hào thiêng liêng và tràn đầy xúc động cất lời “Đoàn quân Việt Nam đi…”. Từng lời, từng nhịp của bài hát đã ngấm vào tâm can, trở thành tiếng lòng của những người con đất Việt bởi đó chính là Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Cao viết "Tiến quân ca" vào năm 1944 trong lúc đất nước lầm than, người dân đói khổ dưới sự áp bức, thống trị của kẻ thù. Hoàn cảnh đất nước, số phận đau khổ của đồng bào tác động mạnh vào tâm hồn của nhạc sĩ trẻ tuổi và bật thành những ca từ, giai điệu đầu tiên.
Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao được người cha kể lại nhiều câu chuyện về cuộc đời, trong đó có việc sáng tác "Tiến quân ca", nhớ lại: “Nhiệm vụ của ông lúc đó là cần sáng tác một bài hát cho đội quân cách mạng của chúng ta. Lúc đó đội tuyên truyền giải phóng quân chưa ra đời, đang bắt đầu thành lập, tháng 12 mới chính thức ra đời vì thế ông sáng tác bài ca là trong mặt trận Việt Minh. Thế nên bài hát là "Tiến quân ca" nhưng lại đoàn quân Việt Minh đi. Vì làm bài hát cho quần chúng, cho đội quân cách mạng, ý thức của ông lúc đó là làm sao ca khúc ngắn gọn lời ca dễ hiểu, âm nhạc dễ hát để cho ai cũng có thể hát được”.
Thật vinh dự cho nhạc sĩ Văn Cao khi ca khúc "Tiến quân ca" được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm Quốc ca và trực tiếp sửa một số ca từ. Ca khúc được chọn vì đã toát lên ý chí, khát vọng của dân tộc; giai điệu hùng tráng, đầy đủ ý nghĩa, ngắn gọn và dễ thuộc lời.
Từ căn gác nhỏ nằm trên phố Mongrand nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, những thanh âm của bài hát "Tiến quân ca" - Quốc ca Việt Nam đã vượt qua thời gian, gắn liền với lịch sử của nước Việt Nam hiện đại, thôi thúc lớp lớp người Việt Nam chung sức, đồng lòng dưới ngọn cờ của Đảng để chiến thắng kẻ thù, giành lại độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất non sông; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 17/08/1945, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh của viên chức Hà Nội để phản đối Mặt trận Việt Minh. Thật bất ngờ trên ban công của Nhà hát, lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả xuống. Một chiến sỹ Việt Minh giật micro rồi bắt nhịp cho cả đoàn người cùng hát vang bài “"Tiến quân ca"”. Bài hát “nổ ra như bom” giữa đoàn người rùng rùng chuyển động. Nhạc sĩ Văn Cao không bao giờ quên khoảnh khắc xúc động ấy: “Nước mắt tôi trào ra... Bài "Tiến quân ca" đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó”.
Gọi đó là sự lựa chọn của lịch sử, nhạc sĩ Doãn Nho tự hào khi nói về nhạc sĩ Văn Cao - chân dung lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam: “Tôi xin nhắc lại là khi bài "Tiến quân ca" vang lên thì chính Bác Hồ là người quyết định chứng nhận, xác nhận Tiến quân ca là Quốc ca của cả nước. Bởi vì nó đáp ứng đúng yêu cầu của cách mạng lúc đó. Có thể có nhiều người hiện nay cũng chưa nắm bắt được là nhạc sĩ Văn Cao là một chiến sĩ Việt Minh thực thụ rồi. Ông đã từng cầm súng cùng với các đội đi trị an, đi diệt trừ bọn Việt gian bán nước...”
Theo nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, so với bản thảo đầu tiên, "Tiến quân ca" đã được chỉnh sửa vài lần. Ngày 15/7/2016, thể theo nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền "Tiến quân ca" cho Tổ quốc. "Tiến quân ca" đã trở thành là tài sản vô giá của nhân dân, dân tộc Việt Nam, là biểu tượng quốc gia. Điều 13, khoản 3, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài "Tiến quân ca".
Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ nhạc sĩ Văn Cao ra đi khỏi cõi đời này. Bởi vì ông không chết. Ông luôn luôn có mặt ở bên cạnh và truyền năng lượng cho chúng ta...”
Cảm ơn Văn Cao, người nhạc sĩ tài hoa đã viết "Tiến quân ca"”và rất nhiều ca khúc sáng chói nữa trong sự nghiệp của mình. Cùng với âm nhạc, ông còn để lại những di sản về thi ca, hội họa.
Mỗi một ngày mới trên đất mẹ Việt Nam thân yêu và nhiều nơi trên thế giới, lắng nghe giai điệu hùng tráng của Quốc ca trong buổi sớm chào cờ đầu tuần hay trong những dịp lễ quan trọng, chúng ta như được tiếp thêm nguồn năng lượng diệu kỳ. Giai điệu ấy khiến ta cay khóe mắt khi bật ra từ lồng ngực của những người lính canh giữ biên cương, đảo xa; của những em nhỏ với khăn quàng thắm trên vai. Giai điệu ấy khiến biết bao người rưng rưng tự hào khi đặt tay lên ngực trái tại các sự kiện quốc tế hay khi nhận vinh quang trên các đấu trường tài năng, trí tuệ, thể thao quốc tế. Giai điệu ấy kiêu hãnh, mang đến cảm xúc mãnh liệt, khơi dậy bầu nhiệt huyết, nhân lên lòng yêu nước, yêu đồng bào và tình đoàn kết của tất cả những người con đất Việt ở trong nước và nước ngoài. Tất cả cùng chung một nhịp “Tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền”.
Từ khóa: nhạc sĩ, văn cao, ca khúc, cuộc đời, tiến quân ca, quốc ca, nhạc sĩ
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả: hương giang - kim thanh/vov1
Nguồn tin: VOVVN