Nhắc lại yêu sách lãnh thổ với Bhutan: Trung Quốc nhắm tới Ấn Độ?
Cập nhật: 22/07/2020
VOV.VN - Trung Quốc mới đây tuyên bố đã đưa ra một "gói giải pháp’" về tranh chấp biên giới với nước láng giềng Bhutan.
Trong đó, nước này nêu lại một đề xuất đưa ra năm 1996, đề nghị Bhutan đổi các vùng đất ở phía Bắc nước này lấy các khu vực ở phía Tây, gồm cả cao nguyên Doklam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đồng thời cũng nhắc lại yêu sách chủ quyền của mình tại vùng biên giới phía Đông của Bhutan - nơi có khu bảo tồn thiên nhiên Sakteng.
Trung Quốc mới đây nêu tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bhutan. Ảnh: India Today. |
Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo rằng đây chính là chiêu gây áp lực của Bắc Kinh để buộc Thimphu phải sớm hoàn tất thỏa thuận biên giới theo ý Trung Quốc.
Phát biểu ngày 21/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan đang được phân định, và ở khu vực biên giới ở trung tâm, phía Đông và phía Tây đang có tranh chấp. Trung Quốc đã đề xuất một gói giải pháp với các tranh chấp này”.
Tại cuộc họp của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) trong hai ngày 2 và 3/6, đại diện của Trung Quốc đã cố ngăn chặn việc tài trợ cho một dự án tại khu bảo tồn thiên nhiên Sakteng ở huyện Trashigang, Bhutan. Lý do được đưa ra là vì khu vực này là nơi có tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, Bhutan, thông qua đại diện là phái đoàn Ấn Độ tại Mỹ đã phản bác yêu sách này, và cuối cùng, dự án tài trợ vẫn được thông qua.
Kể từ năm 1984, khi Trung Quốc và Bhutan bắt đầu các cuộc đàm phán biên giới lãnh thổ, các khu vực tranh chấp giữa hai nước chỉ giới hạn trong thung lũng Pasamlung và Jakarlung ở phía Bắc (Trung Quốc gọi khu vực trung tâm), và Doklam cùng các khu vực đồng cỏ khác ở phía Tây. Biên giới phía Đông của Bhutan, nằm giáp bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ chưa từng có tranh chấp.
Sau vòng đàm phán biên giới thứ 11 năm 1996, Vua Bhutan đệ Tứ Jigme Singye Wangchuck – thân sinh của nhà vua hiện tại thông báo với Quốc hội nước này rằng Trung Quốc “muốn trao đổi các thung lũng ở phía Bắc với diện tích 495 km2 lấy vùng đồng cỏ ở phía Tây có tổng diện tích 269 km2”.
Thỏa thuận này nếu được thực hiện sẽ có lợi cho Bhutan bởi nước này sẽ nhận lại vùng lãnh thổ lớn hơn, đồng thời giải quyết được căng thẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây sẽ là nguy cơ mới với Ấn Độ.
Điều này đã được chứng minh qua thỏa thuận đổi đất giữa Trung Quốc và Bhutan tại Doklam, nơi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã có quyền tiếp cận với khu vực có tính chiến lược nhạy cảm tại hành lang Siliguri. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cung cấp các chi tiết của "gói giải pháp", nhưng dư luận Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đã ngầm nhắc tới đề xuất này.
Xung quanh thông tin mới này, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Shyam Saran khẳng định khu vực Sakteng ở phía Đông Bhutan chưa từng được thảo luận trong các vòng đàm phán biên giới với Trung Quốc trước đó.
Trả lời tờ The Hindu, cựu quan chức ngoại giao này cho biết: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nhắc tới một gói đề xuất mà nước này đưa ra trong các cuộc đàm phán biên giới Bhutan – Trung Quốc trước đây. Bhutan đã khước từ giải pháp này”.
Ông Saran nói: “Mục đích của hành động này có thể là tạo áp lực buộc Bhutan sớm chấp nhận các đề xuất của Trung Quốc, hoặc các yêu sách sẽ tiếp tục gia tăng”.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng so sánh đề xuất của Trung Quốc với Bhutan giống như những gì mà nước này từng đưa ra với Ấn Độ về vấn đề lãnh thổ ở bang Arunachal Pradesh. Và ngay sau đó, Bắc Kinh đã mở rộng ra để bao gồm cả khu vực Tawang mà nước này yêu sách chủ quyền từ năm 1985./.
Từ khóa: Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan, tranh chấp lãnh thổ, yêu sách lãnh thổ
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN