Nhà văn viết hơn 300 tác phẩm hậu chiến tranh được xác lập kỷ lục VN
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Nhiều tác phẩm của ông có hiệu ứng xã hội cao, đi đến cùng của việc giải quyết chế độ chính sách cho những người có công với cách mạng.
Là cây bút hiện thực và luôn day dứt với những câu chuyện cảm động, những thân phận trắc trở sau chiến tranh, nhà văn, nghệ sĩ ưu tú Minh Chuyên, nguyên đạo diễn của Đài Truyền hình Việt Nam đã viết hơn 300 tác phẩm về đề tài thương binh, liệt sĩ và nạn nhân chất độc da cam. Ông vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là người sáng tác các tác phẩm văn học và truyền hình về thời hậu chiến tại Việt Nam nhiều nhất. Đặc biệt, nhiều tác phẩm của ông có hiệu ứng xã hội cao, đi đến cùng của việc giải quyết chế độ chính sách cho những người có công với cách mạng.
Nhà văn Minh Chuyên (đội mũ) và các BTV của Đài TNVN. |
PV:Thưa ông, với hơn 300 tác phẩm về thương binh, liệt sĩ và nạn nhân chất độc da cam, vì sao ông lại viết nhiều về đề tài này như vậy?
Nhà văn Minh Chuyên:Trong 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và xa hơn nữa là cuộc kháng chiến chống Pháp, những người trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã thể hiện tinh thần quật cường, tinh thần yêu nước và chiến đấu, hy sinh dũng cảm. Những hy sinh, mất mát đó rất lớn. Khi họ trở về, việc giải quyết chế độ chính sách của Nhà nước có mức độ. Vẫn có những người oan khuất, không được hưởng chính sách. Trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách lại phát sinh ra nhiều bất cập, vướng mắc mà các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được mong chờ của những người có công. Xuất phát từ sự thiệt thòi của đồng đội, (bản thân tôi cũng một thời làm người lính ở mặt trận Đông Nam Bộ), được chứng kiến nhiều cảnh đồng đội hy sinh anh dũng, nhiều người không có cơ hội trở về, người trở về được thì gặp rất nhiều bức xúc trong cuộc sống. Chúng tôi cũng mong muốn “cầm bút” để viết nên những tác phẩm văn học, điện ảnh, bênh vực chân lý, sự hy sinh của họ.
PV:Những tác phẩm hậu chiến tranh của ông, chỉ nghe tên thôi đã ẩn chứa những băn khoăn, day dứt, như: Người lang thang không cô đơn, Di họa chiến tranh,Thủ tục làm người còn sống, Người liệt sĩ có nửa linh hồn… Ông muốn gửi gắm thông điệp gì qua những tác phẩm này?
Nhà văn Minh Chuyên:Chiến tranh dần dần sẽ lùi vào quá khứ nên chúng tôi muốn gửi gắm một thông điệp để thế hệ trẻ và nhân dân biết được rằng, những năm tháng hòa bình mà chúng ta đang sống, chúng ta phải nhớ tới thời cả một thế hệ người Việt Nam, thanh niên Việt Nam đã đổ máu, hy sinh, cống hiến như thế nào cho hòa bình ngày nay. Các tác phẩm của tôi đều chứa đựng những thông điệp đó và đồng thời ghi nhận tinh thần chiến đấu, hy sinh quả cảm của các anh hùng liệt sĩ đã vì dân, vì nước mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Tôi luôn nghĩ rằng, bất cứ viết tác phẩm nào cũng hết sức cân nhắc. Thứ nhất, những tư liệu phải chân thật. Thứ 2, những tư liệu, con người và tác phẩm đó nói lên điều gì. Thứ 3, thông qua tác phẩm có thể cứu giúp, giải tỏa cho nhân vật được những điều mà nhân vật đang vướng mắc, suy tư, nghĩ ngợi. Đúng là tên của nhiều tác phẩm được tôi rút ra từ sự bức xúc của các câu chuyện đó, từ cảm nhận của tác giả và cùng với ý tưởng của tác phẩm để tạo nên tên tác phẩm có ấn tượng ngay từ đầu để bạn đọc theo dõi, như tác phẩm: Người liệt sĩ có nửa linh hồn, Người lang thang không cô đơn, Liệt sĩ về bản, Những linh hồn da cam…
PV:Là một cây bút hiện thực và trong mỗi tác phẩm, ông đều mong muốn cứu giúp, giải tỏa những điều mà các thương binh, gia đình liệt sĩ đang vướng mắc, suy tư. Ông có thể kể một vài ví dụ cho thấy hiệu ứng xã hội của tác phẩm!
Nhà văn Minh Chuyên:Vâng, một số tác phẩm mang lại hiệu quả rất tốt như tác phẩm Ngôi mộ có nửa linh hồn, nhân vật Hoàng Ngọc Đảm hết sức anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thông qua tác phẩm, sau này Nhà nước đã truy tặng danh hiệu anh hùng. Hay trong tác phẩm Người lang thang không cô đơn đã được 6 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Cũng từ đó Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã quyết định ra đời Quỹ Người không cô đơn, sau đổi tên thành Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Quỹ này hiện nay vẫn được duy trì và được nhân dân ủng hộ.
Hoặc với tác phẩm thủ tục làm người còn sống, kể về cuộc đời của một người đi lo chuyển đổi từ một liệt sĩ sang một thương binh, làm các thủ tục của người còn sống trở về sau chiến tranh, nhưng bị một số cơ quan chức năng gây khó khăn. Tác phẩm sau khi in trên báo văn nghệ năm 1988 và đến 19 năm sau, nhân vật chính là anh Trần Quyết Định ở xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã được Nhà nước chứng nhận là thương binh. 29 năm mới làm xong thủ tục làm người còn sống.
PV:Viết hàng trăm tác phẩm hậu chiến tranh, ông đã dốc lòng cho những thương binh, gia đình liệt sĩ và người nhiễm chất độc da cam. Vậy có điều gì mà ông còn trăn trở với công tác giải quyết chế độ chính sách cho người có công với đất nước hiện nay?
Nhà văn Minh Chuyên:Không chỉ những người cầm bút băn khoăn, trăn trở mà là thực tại của xã hội. Nhiều người ở cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách rất tốt. Chính sách của Đảng, Nhà nước cũng nhân văn, cố gắng giải quyết chế độ chính sách trong điều kiện khó khăn, nhưng cũng đảm bảo được tương đối công bằng, đem lại quyền lợi cho những người có công với đất nước.
Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, bất cập cả về chính sách và những người giải quyết chế độ, chính sách. Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì hiện cả nước còn hơn 2500 trường hợp đề nghị được xét công nhận là liệt sĩ nhưng do vướng mắc về thủ tục nên vẫn tồn đọng. Đây cũng sẽ là vấn đề tôi sẽ tiếp tục viết các tác phẩm thời hậu chiến, dù đã nhiều tuổi. Trong tay tôi đang có hàng trăm kiến nghị của thương binh, gia đình liệt sĩ. Tất nhiên với những nỗi oan có thật, chúng tôi sẽ giúp đỡ cho họ.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Từ khóa: văn học, văn học hậu chiến, kỷ lục việt nam, nhà văn minh chuyên, văn học sau chiến tranh
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN