(VOV) -Patrick Dixon, một trong những “bộ óc” quản trị hàng đầu thế giới sẽ tới Việt Nam để chủ trì một hội thảo quốc tế.
Ngày 30/11 tới, tại khách sạn Daewoo Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Dự báo và Chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam – Tư duy chiến lược của nhà Quản trị 2013-2015”.
Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA), Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp với Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – ĐH FPT tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy ban kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ.
Hội thảo sẽ được nghe phần tham luận của diễn giả chính là TS. Patrick Dixon, một trong những nhà tư duy chiến lược kinh tế vĩ mô và quản trị đương đại hàng đầu thế giới, Chủ tịch tổ chức quốc tế về Nghiên cứu và Tư vấn xu thế toàn cầu Globalchange (1)- đối tác của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, Chính phủ, Nghị viện các nước và các công ty đa quốc gia cùng đại diện lãnh đạo của các đơn vị tổ chức và đơn vị bảo trợ.
Hội thảo với mục tiêu là dự báo chính sách kinh tế vĩ mô, đề xuất các kiến nghị với Đảng và Nhà nước Việt Nam về các quyết định chính sách kinh tế giai đoạn 2013 - 2015 từ đó xây dựng chiến lược của các nhà quản trị doanh nghiệp để đưa nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đối mặt và vượt qua những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu để phát triển bền vững.
Chia sẻ trước thềm hội thảo, TS. Patrick Dixon cho hay, trong 20 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến những mức tăng trưởng ngoạn mục (trung bình 7,1% từ 1991 đến năm 2012). Với những thành tựu đã đạt được, “chúng ta tiếp tục chờ đón một mức tăng trưởng ngoạn mục trong 30 năm tới ngang với 20 năm trở lại đây. Tất nhiên, chúng ta sẽ chứng kiến những điều chỉnh có tính chu kỳ của nền kinh tế, nhưng có điều chắc chắn là trong dài hạn sẽ có có một sự tăng tưởng hứa hẹn”, ông Patrick Dixon nói.
Cũng theo ông Patrick Dixon, Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc tập trung vào vấn đề then chốt là giảm lạm lạm phát và kích thích tăng trưởng. Còn thời điểm hiện tại là giai đoạn khó khăn chung, tăng trưởng tín dụng chậm chạp và số lượng các công ty thua lỗ vẫn ngày một tăng.
Việt Nam đang trong quá trình chạy đua toàn cầu để thu hút vốn đầu tư, nên sự cạnh tranh là rất lớn. Do đó, “là chủ doanh nghiệp, bạn phải có nhiều hơn một kế hoạch hoặc một chiến lược”, ông nói.
Theo TS. Patrick Dixon, thúc đẩy ngân hàng cho vay sẽ là một ưu tiên hàng đầu đối với Chính phủ, với nhiều chính sách hỗ trợ bảng cân đối tài sản, tái cấp vốn và do đó các ngân hàng có thể cung cấp tín dụng với chi phí thấp, giải quyết các khoản nợ xấu quy mô lớn... Có rất nhiều các nước đang phát triển gặp phải vấn đề các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả và lâm vào cảnh nợ nần. “Đó là vấn đề cần phải giải quyết tuy nhiên nếu nóng vội đưa ra các biện pháp rất có thể sẽ gây hậu quả. Và một việc cũng quan trọng khác, không phải là thắt chặt và cố gắng kiểm soát lạm phát bằng việc định mức lãi suất quá cao”, ông Patrick Dixon nhấn mạnh.
Ông Patrick Dixon - một trong những “bộ óc” quản trị xuất sắc nhất thế giới - cũng đưa ra thông điệp đối với các doanh nghiệp Việt Nam: “Khi khủng hoảng đe dọa một ngành, các công ty có lượng dự trữ tiền mặt thường đối phó tốt, nếu họ có thể phát triển nhanh và thậm chí có thể mua lại các công ty đối thủ hoặc tài sản cố định với giá thấp.
Dễ dàng nhận ra rằng, sự bất ổn có thể làm tê liệt hoạt động một công ty, nhưng những nhà lãnh đạo thành công là những người có khả năng dự báo chuẩn xác các xu thế biến đổi chính trong dài hạn. Hãy luôn chú ý đến những khách hàng quan trọng nhất, đặc biệt là những khách hàng ở các nước nơi mà có thể có sự thay đổi nhanh chóng theo cách thức mà bạn và công ty bạn không hiểu rõ. Hãy thực sự gần gũi với họ. Lắng nghe họ. Hãy làm hài lòng họ tới từng chi tiết và hãy giữ lời hứa của bạn mọi lúc…”.
Một số quan điểm của TS. Patrick Dixon về nghệ thuật lãnh đạo trong khủng hoảng.
Quy luật 80:20 – giảm chi phí và có ảnh hưởng lớn hơn
Rất nhiều người biết quy luật 80:20 nhưng lại rất ít người trong số họ thực sự biết áp dụng nó trong cuộc sống. Quan điểm của Patrick đơn giản đó là: “Dựa trên quan sát trong nhiều hoạt động, bạn có thể thấy rằng hầu hết các ảnh hưởng (có thể 80%) diễn ra bắt nguồn từ một tỷ lệ rất nhỏ các nỗ lực mà chúng ta bỏ ra (có thể 20%). Hầu hết việc bán một sản phẩm thường chỉ dành cho một vài trong số khách hàng của bạn…”
Vì vậy, nếu biết quy luật 80:20 trong công việc của mình, bạn sẽ có thể tăng ảnh hưởng của mình lên 100% bằng cách làm nhiều hơn phần 20% và ít hơn phần 80% đó.
Xác định các xu hướng tiếp theo sau khủng hoảng
Định hình xu hướng sau khủng hoảng là điều rất quan trọng để nắm bắt cơ hội kinh doanh, để đưa ra một tầm nhìn dài hạn và chắc chắn.
Patrick cho rằng, hãy tư duy những thứ đang thực sự thay đổi trong khủng hoảng toàn cầu. Liệu đó chỉ là việc có ít tiền mặt lưu thông hơn, và theo đó là sự giảm sút của doanh thu bán hàng, hay đó chỉ là một sự thay đổi căn bản nào đó đột nhiên xuất hiện cùng thời gian?
Sử dụng suy thoái để định hình lại việc kinh doanh trong tương lai
Tương lai sẽ không chỉ là có nhiều hơn những gì bạn đang có. Khi sự hồi phục của nền kinh tế quay trở lại, công ty của bạn cần trở thành như thế nào? Nếu bạn có một tờ giấy trắng và bắt đầu từ đầu, thì bạn cần tạo lập một cơ cấu ra sao?
Thời kỳ suy thoái là một cơ hội lý tưởng để đối mặt với các vấn đề cố hữu, để đóng cửa những đơn vị kinh doanh không hiệu quả, loại bỏ những loại công việc mà nhiều người đặt quá nhiều cảm xúc và thời gian cho chúng.
Đây chính là thời điểm để doanh nghiệp tư duy và đánh giá lại mình, từ đó có kế hoạch nâng cấp “sức khỏe” để đối phó với những nguy cơ trước mắt và tận dụng tối đa cơ hội khi nền kinh tế phục hồi.
Patrick Dixon sẽ chia sẻ rất nhiều bí quyết thực tiễn, qua đó giúp các nhà quản lý giải đáp được các khúc mắc liên quan đến thực trạng, xu thế phát triển của nền kinh tế nói chung và các lĩnh vực kinh tế nói riêng của Việt Nam đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, ông sẽ đưa ra những bài học mang tính ứng dụng cao giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm được hướng đi vượt qua khủng hoảng, tạo được ưu thế cạnh tranh bền vững, góp phần cải thiện vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.