"Nhà nước đại diện toàn dân sở hữu đất chứ không thể thay thế toàn dân"
Cập nhật: 03/11/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Đại biểu kiến nghị cần tính toán rất kỹ ở chỗ này và phải có quy định rõ. Đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu, nhưng quyền đại diện đến đâu, vấn đề nào dứt khoát phải do dân quyết định”, đại biểu nêu quan điểm.
Tham gia phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 3/11, đại biểu Lương Quốc Đoàn (đoàn An Giang) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ về Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 18, khuyến khích tích tụ đất đai tập trung.
Tích tụ đất đai làm sao để đất không "chảy" hết vào cá nhân, tổ chức có điều kiện
Theo đại biểu, nếu chính sách tốt hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề tập trung đất đai để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là người nông dân. Nếu khuyến khích tích tụ, đất đai sẽ rơi vào một số người có khả năng về kinh tế và vô hình trung, nông dân sẽ trở thành người làm thuê.
Đại biểu nhấn mạnh, đất đai của chúng ta không nhiều, nếu tích tụ, đất sẽ “chảy” hết vào những người có điều kiện, các doanh nghiệp, các tổ chức có tiền, nhưng 5-10 năm nữa khi CNH-HĐH phát triển, lực lượng công nhân tay nghề thấp không được đào tạo chủ yếu là con em nông dân, họ sẽ quay trở về nông thôn, không có đất, không có tài sản, không có vốn tích lũy, sẽ là hậu quả xã hội không nhỏ. Dẫn chứng bằng câu chuyện trong đại dịch vừa rồi, khi lực lượng lao động tự do, lao động trình độ thấp quay về địa phương đã gây gánh nặng vô cùng lớn, vì thế đại biểu Đoàn kiến nghị Ban soạn thảo nên tính toán rất kỹ câu chuyện tích tụ đất đai về giới hạn, mức độ.
Chia sẻ ngay sau phần thảo luận của đại biểu Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị đại biểu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần tìm hiểu sâu về nguyện vọng của nông dân ở các vùng miền khác nhau, làm sao vừa phát triển được sản xuất lớn trong nông nghiệp, vừa phát triển được nông nghiệp công nghệ cao nhưng vẫn giữ được đời sống an toàn, an ninh cho nông dân. "Thực tiễn đặt ra rất lớn, đề nghị Hội có tiếng nói tham gia hoàn thiện Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nông dân".
Phó Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời cho biết, khi công tác ở địa phương đã nhận thấy những bất cập giữa việc sản xuất lớn trong nông nghiệp với câu chuyện tập trung ruộng đất. Cụ thể ĐBSCL phải giữ đất nông nghiệp theo chủ trương an ninh lương thực nên phải phát triển nông nghiệp. Nhưng thực tế đất ở mỗi hộ nông dân không lớn. Trong khi, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích rộng thì phải tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất lớn.
“Bài toán về câu chuyện tập trung đất đai theo Luật Đất đai hiện hành là rất khó. Làm sao phải vừa phát triển nông nghiệp hướng tới nâng cao giá trị, an toàn nhưng vẫn đảm bảo nông dân phải có đất cũng là một bài toán trong thực tế”, Phó Chủ tịch nước nêu rõ.
Làm rõ nội hàm về sở hữu đất
Nhấn mạnh, đây là một đạo luật vô cùng khó, lường trước điều này, Quốc hội đặt kế hoạch thảo luận trong 3 kỳ, nhưng theo đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), kể cả thảo luận ở nhiều kỳ nhưng nếu không có chỉ đạo quyết liệt cũng sẽ rất khó.
Nhấn mạnh, bộ luật có liên quan tới 112 bộ luật khác nhau, cùng với đó, khi thực thi Luật Đất đai cũng liên quan tới rất nhiều lĩnh vực trong thực tế. Thậm chí cả câu chuyện tranh chấp, xuống cấp đạo đức, các vụ án vụ kiện dân sự về kinh tế, hình sự là bắt nguồn từ đất đai.
Cái khó theo đại biểu khi bàn sửa luật đất đai, là ngay trong quan điểm chúng ta khẳng định đất là sở hữu toàn dân nhưng đại diện sở hữu lại là Nhà nước. Đã nói người dân có quyền sở hữu thì quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt cũng là của toàn dân. Nhưng trong thực tế không phải toàn dân, quyết vấn đề bán đất, đổi đất, người dân đâu được quyết. Vậy thì Nhà nước sở hữu cũng là thực hiện thừa lệnh của toàn dân, chứ nhà nước không thể thay toàn dân.
Đại biểu kiến nghị cần làm rõ nội hàm, vấn đề nào người dân quyết định, vấn đề nào người dân ủy quyền nhà nước mới được làm. Rồi nhà nước ở đây là trung ương, tỉnh, huyện hay cả xã cũng có thể bán đất.
“Cần tính toán rất kỹ ở chỗ này và phải có quy định rõ. Đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu, nhưng quyền đại diện đến đâu, vấn đề nào dứt khoát phải do dân quyết định”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu mong muốn khi sửa luật cần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân, doanh nghiệp, nhà nước và nhà đầu tư. Nếu chỉ quan tâm đến lợi ích thì việc đảm bảo hài hòa là rất khó. Thực tế ở ta rất khác các nước, khi một con đường được mở rộng, giải tỏa, người đang có diện tích đất giá trị chỉ mấy triệu bỗng chốc tăng giá trị lên tới mấy chục triệu, được ra mặt phố; ngược lại người đang ở mặt phố bị giải tỏa lấy đất mở rộng đường phải tái định cư, giá trị có khi không tương xứng với người vừa được ra mặt đường. Ở các nước khác, người đang ở phía trong được ra ngoài mặt đường muốn ở đó phải nộp tiền, vì sao, tự nhiên có con đường đi qua, anh được ra mặt đường anh phải chịu nộp lại phần chênh lệch, lấy tiền đó để cho người tái định cư.
Để giải quyết câu chuyện này có liên quan đến giá đất, việc thay đổi giá đất dẫn đến rất nhiều câu chuyện và nó cũng liên quan đến quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng, ở cấp này giá trị chỉ 1 triệu nhưng thay đổi mục đích sử dụng có khi lên 1 tỷ. “Nhiều người giàu lên vì đất, chết cũng vì đất, sa vào lao lý cũng vì đất. Những câu chuyện này đang hiện hữu, đòi hỏi chúng ta phải sửa”, đại biểu nêu quan điểm.
Cùng quan điểm với đại biểu Trần Công Phàn về quy định sở hữu, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng, những vấn đề vĩ mô như đất đai đòi hỏi phải rất cụ thể. Trên thực tế cứ nhùng nhằng là vì chưa làm rõ được vấn đề lớn là sở hữu toàn dân. Theo đại biểu, mục đích của luật đất đai phải bảo đảm 2 yếu tố “ích nước, lợi dân”.
Đại biểu dẫn chứng: “Bên Trung Quốc, “sở hữu nhà nước” dễ xử lý. Cách nói của ta rất hay nhưng luật không thể chế hóa được nội dung đó ra thì chính chỗ này lại gây phức tạp”, đồng thời kiến nghị Ban soạn thảo suy nghĩ kỹ điều này, làm sao vẫn bám sát được tinh thần của Nghị quyết 18. Làm sao thể chế hóa được chỗ này rõ ràng, rành mạch bao nhiêu, đất nước và nhân dân được nhờ bấy nhiêu, chứ nếu không luật ra đời rất hay nhưng một thời gian đi vào thực tiễn lại vướng./.
Từ khóa: luật đất đai sửa đổi, sở hữu đất đai
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN