Nguyễn Thị Mỹ Dung - cô giáo “mát tay” của những tài năng âm nhạc nhí
Cập nhật: 19/10/2022
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - “Điều mà tôi hạnh phúc nhất chính là các em đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại và đã tìm thấy năng lực của bản thân. Đó chính là động lực để các con có thể tiếp tục theo con đường chuyên nghiệp lâu dài”.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung, hiện là giảng viên Khoa Piano Giao hưởng, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội bén duyên với cây đàn piano từ năm lên 7 tuổi. Trong một lần được bố đưa đến nhà thầy giáo để kiểm tra thẩm âm, với kết luận “con có năng khiếu đấy, con học đàn đi”, vậy là Mỹ Dung gắn bó với piano từ đó.
18 năm học chuyên nghiệp là cả một chặng đường đầy gian nan, thử thách, không ít lần nản chỉ. Có những ngày phải tập đàn ở trường đến 8-9h tối, tập đàn liên tục 8-9 tiếng đồng hồ.
“Ngày tôi thi vào Nhạc viện Hà Nội (bây giờ là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) có 30 bạn nhưng đến khi tốt nghiệp chỉ còn 2 người. Khi tôi bước vào đại học có 6 bạn đi cùng và khi tốt nghiệp đại học là chỉ còn duy nhất 2 người”, cô Dung chia sẻ.
Sự khổ luyện, kiên trì không bỏ cuộc suốt cả chặng đường đã mang đến một cô giáo Mỹ Dung của ngày hôm nay - rất nhiều học trò của cô đã gặt hái được nhiều thành công.
Trong những năm qua, cô Mỹ Dung đã hướng dẫn cho rất nhiều học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Có thể kể đến các giải: giải Nhất, Nhì cuộc thi Piano do Cung Thiếu nhi tổ chức; giải Nhất bảng chuyên nghiệp của tài năng miền Trung; giải Bạc Festival Piano Châu Á Thái Bình Dương; giải Nhất cuộc thi Piano ở Tây Ban Nha; giải Vàng Festival Rising Star; Giải Vàng Music Canada Tây Ban Nha 2022; giải Nhì cuộc thi Rocky Mountain Canada 2022…
Năm 2021, cô Mỹ Dung vinh dự được mời làm ban giám khảo Cuộc thi Piano nghệ thuật Hà Nội. Năm 2022 làm ban giám khảo Festival Piano thiếu nhi thành phố Hà Nội mở rộng.
Cô Mỹ Dung nhớ nhất kỷ niệm với một học sinh có khiếm khuyết trên cơ thể, tay không thể duỗi thẳng. Ba năm dậy học sinh đó là cả một quá trình vất vả, vừa phải dạy, vừa phải dỗ, vừa phải uốn nắn chỉnh con từ cái phong thái, dáng đi. “Có những buổi con học đàn cô đứng giữ vai, cô đứng giữ đầu con để con không bị giật bởi vì bạn ý không kiểm soát được.”
Nhưng đến ngày hôm nay, cậu học trò này đã có một sự thay đổi không ngờ. Con luôn là học sinh xuất sắc, đứng nhất trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng.
Mặc dù, hiện nay đã trở thành giảng viên nhưng cô Mỹ Dung luôn luôn cố gắng trau dồi chuyên môn. Cô luôn tìm hiểu các tài liệu trên mạng, cập nhật những thông tin chuẩn từ các trường đại học danh tiếng. “Tôi mong muốn các em sau này có thể phát triển, có thể được đi du học, có những định hướng cho tương lai”.
Hiện, cô Mỹ Dung còn giữ vai trò là Bí thư đoàn đầy năng nổ, nhiệt huyết của Trường CĐ nghệ thuật Hà Nội. Ở vị trí này, cô đã sáng lập ra CLB “Khởi nghiệp với nghệ thuật”. Qua đó, cô cùng các em thành lập nên các ban nhạc gồm chuyên ngành khác nhau như ghi-ta, keyboard, piano, nhạc cụ truyền thống, mỹ thuật, biểu diễn thời trang… CLB chính là sân chơi, giúp các em được thể hiện bản thân, khám phá năng lực, có cơ hội được biểu diễn trên sân khấu và có thêm ít thu nhập.
“Mong muốn tạo dựng được một hệ sinh thái phù hợp với cộng đồng Startup văn hóa nghệ thuật; thúc đẩy kết nối mạng lưới trao đổi kiến thức, thực hành trong cộng đồng chuyên môn giữa tất cả các trường cao đẳng, đại học để cho các bạn trẻ có được một môi trường phát triển năng lực”, cô Mỹ Dung chia sẻ động lực để sáng tạo nên “CLB khởi nghiệp với nghệ thuật”.
Như một con ong chăm chỉ, cô Mỹ Dung đang ngày ngày cần mẫn ươm những mầm tài năng âm nhạc cho tương lai.
Nghe chia sẻ của cô Mỹ Dung tại đây:
Từ khóa: Nguyễn Thị Mỹ Dung, CĐ nghệ thuật HN, piano, cô giáo, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2