Nguồn khách nào "giải cơn khát" cho du lịch Việt Nam?

Cập nhật: 19/03/2022

VOV.VN - Khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ là thị trường nguồn then chốt của Việt Nam trong ngắn hạn. Một số doanh nghiệp lữ hành cho biết đã có kế hoạch đón khách từ khu vực Đông Nam Á giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Thị trường gần: Thái Lan, Singapore, Lào

Khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ là thị trường nguồn then chốt của Việt Nam trong giai đoạn đầu mở cửa. Ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group nhận định: "Trong ngắn hạn, muốn chiến lược mở cửa thành công thì Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch của khách vào mùa hè như châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), Mỹ, Trung Đông và Australia. Thị trường ASEAN có thể phục hồi nhanh, và khách thường có nhu cầu du lịch gần. Trung Quốc sẽ lâu hơn, có chăng tập trung vào Hàn Quốc và Nhật Bản".

Vừa qua, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã đón chuyến bay đầu tiên chở khách du lịch từ Singapore đến Việt Nam kể từ khi chính thức mở cửa du lịch. Bà Phạm Thị Nguyệt - Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm, Vietnam Airlines cho biết chỉ cần từ 1 đến 3 tháng, lượng khách từ các thị trường gần có thể dần khôi phục, trong khi với thị trường đường dài cần từ 3 đến 6 tháng. Hiện nay, Vietnam Airlines đã khôi phục 60% mạng bay quốc tế so với thời điểm trước dịch bệnh. Riêng thị trường Singapore, hãng hàng không này sẽ mở nhiều đường bay kết nối Singapore với Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… đồng thời tổ chức hội thảo tại Singapore vào tháng 4/2022, nhằm thu hút khách du lịch tại đây.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam kỳ vọng thị trường Đông Nam Á sẽ phục hồi trước, sau đó sẽ là Australia, châu Âu. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Campuchia… đang tập trung lôi kéo du khách trở lại và cùng tạo ra một hiệu ứng nhất định về du lịch trong khu vực.

Đại diện công ty Indochina Unique Tourist (Quảng Nam) cho biết đã có kế hoạch đón các đoàn khách Thái Lan đến Đà Nẵng vào ngày 27/3, sau đó sẽ có thêm những đoàn khách tới Hà Nội và TP.HCM. Các đoàn tiếp theo đã có kế hoạch sau 1/4, với khoảng 4 chuyến bay/tuần đưa khách du lịch đến miền Trung. 

“Đà Nẵng và miền Trung gần đây nổi lên là điểm ưa thích của du khách Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Vì vậy khi Việt Nam mở cửa trở lại 15/3, các công ty lữ hành tại Thái Lan đã ra sức xây dựng sản phẩm, xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch rầm rộ và sẽ có nhiều chuyến bay charter đến miền Trung trong dịp nghỉ lễ Songkran ở Thái Lan. Được biết hãng hàng không Air Asia cũng lên kế hoạch bay đến Việt Nam trong tuần đầu tháng 4/2022” - giám đốc công ty này cho biết.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy – Giám đốc Công ty Vina Phú Quốc Travel (Kiên Giang) cho biết đơn vị đã có kế hoạch đón khách quốc tế từ Lào, Malaysia, Thái Lan, Singapore… và dự kiến cuối tháng 3 sẽ có đoàn khách đầu tiên; ngoài ra nhiều đoàn khách đang lên lịch tới Việt Nam vào tháng 4. Công ty này đã chuẩn bị sẵn nhiều sản phẩm du lịch cao cấp, kết hợp chơi golf, nghỉ dưỡng 5 sao và đa dạng lựa chọn tham quan, khám phá thiên nhiên và các điểm du lịch nổi tiếng tại Phú Quốc.

Các thị trường xa sẽ sớm khởi sắc

Dự báo du lịch inbound sẽ khởi sắc vào mùa cao điểm (sau tháng 9/2022), ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định hiện nay thị trường ASEAN có nhiều triển vọng. Xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng nhất định tới ngành du lịch Việt Nam, tuy nhiên tác động không lớn. Một số thị trường tiềm năng như Kazakhstan, Uzbekistan đều đã có đoàn khách đến Việt Nam trong giai đoạn thí điểm vừa qua, ngoài ra còn có Australia, New Zealand, châu Âu, Bắc Mỹ. Đặc biệt là các thị trường Tây Âu hiện được hưởng lợi từ chính sách miễn thị thực từ 15/3 và nhiều hãng hàng không đã kết nối đường bay từ châu Âu tới Việt Nam.

Việt Nam khó đón số lượng lớn khách Nga và Hàn Quốc ngay trong tháng 3 này, tuy nhiên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế vẫn khá lạc quan, khi các biện pháp kiểm dịch với khách quốc tế mới ban hành ngày 15/3 rất hợp lý. Ông Bùi Quốc Đại – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (đơn vị chuyên đón khách Nga) cho rằng ngành du lịch đang có cơ hội “hồi sinh” khi Việt Nam đang hội nhập trở lại với thế giới sau ngày 15/3, trong đó du lịch inbound và du lịch thương mại hứa hẹn sẽ bứt phá.

“Do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine nên trước mắt công ty bị ảnh hưởng rất nặng. Tuy nhiên với thị trường truyền thống như nước Nga, khi có sự ổn định chính sách thì chỉ mất 3 tháng là hoạt động trở lại. Chúng tôi kỳ vọng xung đột sớm được chấm dứt để bắt đầu có những kế hoạch dài hạn. Ngoài thị trường Nga và khách nói tiếng Nga, chúng tôi sẽ mở rộng khai thác nguồn khách từ Uzbekistan, Belarus, Kazakhstan và các nước Liên Xô cũ; cố gắng quảng bá và sớm đưa khách đến Việt Nam” - ông Bùi Quốc Đại nói.

Đại diện Công ty Hanatour Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết doanh nghiệp Hàn Quốc đang chuyển bị tổ chức các chuyến du lịch cho khách Hàn Quốc đến Việt Nam. Phía Hanatour đã bàn bạc với đơn vị quản lý điểm đến ở Việt Nam về bán tour dịp Tết Thiếu nhi Hàn Quốc (đầu tháng 5), trong đó có tour đến Đà Nẵng; đồng thời sẽ tổ chức giải golf ở Đà Nẵng vào tháng 5. Hiện đã có lịch bay từ Incheon, Busan, Daegu (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng từ cuối tháng 4, gồm cả chuyến bay thuê bao và chuyến bay thường lệ, giúp các công ty lữ hành có kế hoạch đa dạng hơn.

Năm 2022, Việt Nam phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Theo lộ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phấn đấu đến năm 2023 Việt Nam phục hồi được khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế (bằng 45 - 50% so với năm 2019); 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019)./.

Từ khóa: Khu vực Đông Nam Á, thị trường nguồn, doanh nghiệp lữ hành, kế hoạch đón khách, nguồn khách du lịch, du lịch Việt Nam

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập