Người Việt “phóng tay” tiêu Tết: Chuyên gia nhìn nhận gì?
Cập nhật: 23/01/2020
1.600 con heo chết cháy ở Gia Lai, thiệt hại 6,5 tỷ đồng
Thi công xuyên Tết, tăng tốc đưa các dự án cao tốc về đích năm 2025 (13/01/2025)
VOV.VN - Người Việt “nới tay” chi tiêu vào dịp Tết cổ truyền, đây là một cách kích cầu tiêu dùng song một bộ phận không nhỏ lại đang chi tiêu lãng phí.
Theo báo cáo về chỉ số niềm tin người tiêu dùng của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen quý II/2019, Việt Nam là quốc gia có người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm nhất. Theo đó, Việt Nam hiện nằm trong top 2 thị trường có xu hướng tiết kiệm cao nhất với 69%, xếp sau Hong Kong là 70%.
Dù chi tiêu thuộc nhóm nước tiết kiệm nhất thế giới song người Việt lại sẵn sàng “phóng tay” trong dịp Tết Nguyên đán. Báo cáo thị trường Tết của Kantarworldpanel cho thấy tháng Tết 2019, sức mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đạt 46.000 tỷ đồng. Con số này của mùa Tết 2018 là trên 45.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ở cả nông thôn và thành thị, 33% sản phẩm tiêu dùng được mua với mục đích làm quà biếu, vẫn theo Kantarworldpanel.
Người Việt tiết kiệm quanh năm nhưng nới tay dịp Tết
PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng người Việt có xu hướng chi tiêu, sắm sửa nhiều trong dịp Tết trước hết là do tập quán từ xa xưa để lại.
PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính). |
Người Việt quan niệm cả năm có ngày Tết, nên theo phong tục ai cũng muốn sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng mới… Dù giàu hay nghèo nhưng ngày 30 Tết phải có “thịt treo trong nhà”. Dù hoàn cảnh còn khó khăn, thậm chí túng đói quanh năm nhưng ngày Tết là phải cố gắng sung túc, đủ đầy, cầu mong cho một năm mới no ấm”,ông Long nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả còn cho thói quen mua sắm còn xuất phát từ yếu tố lịch sử.“Ngày trước người dân cả nước đều nghèo, nên đón Tết nhất cũng tằn tiện. Kinh tế đất nước giờ khá hơn, đời sống người dân cải thiện nên họ chi tiêu nhiều hơn như một sự bù đắp những tháng ngày đói khổ”.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng một bộ phận người Việt hiện nay có xu hướng thích thể hiện nên thường săn các món hàng độc, lạ, giá đắt đỏ… chơi Tết nhằm thể hiện đẳng cấp.
Nhiều năm sống và đón Tết tại nước ngoài, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết truyền thống đón Tết, thói quen mua sắm của người Việt và một số nước phương Tây có nhiều điểm tương đồng song cũng có khác biệt.
“Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền của người Việt từ nhiều đời. Trải qua hàng ngàn năm với nhiều biến cố nhưng những phong tục cổ truyền ngày Tết của người Việt vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Theo thói quen, người Việt thường mua rất nhiều đồ, sắm sửa nhiều vật dụng mới, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Người Việt quan niệm ngày Tết đủ đầy thì cả năm sẽ sung túc, làm ăn gặp may, nhiều tài lộc và sức khỏe”,ông Hiếu nói.
Trong khi đó, theo chuyên gia này, nhìn chung người phương Tây “đón Tết nhẹ nhàng, không phức tạp”.
Về thói quen chi tiêu cho năm mới, TS Hiếu cho hay, vào dịp Tết người Việt có thói quen mua sắm rộng rãi hơn người Tây phương.“Người phương Tây không có thói quen sửa soạn, bày biện hoặc mua nhà mới, xe mới… đón Tết như mình. Tất nhiên họ cũng mua sắm một số thứ trong nhà nhưng không phải là dịp tân trang, đổi mới gần như bắt buộc như trong dịp Tết của người Việt”, chuyên gia này nói.
Phong tục cổ truyền hay lãng phí?
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Tết là thời điểm người Việt mua sắm, ăn uống và chơi Tết. Nhìn theo khía cạnh kinh tế thì điều này là đòn bẩy cho tăng trưởng, là động lực thúc đẩy kinh tế, thông qua kích cầu tiêu dùng.
“Đúng là Tết nên tiết kiệm, tránh phung phí. Nhưng tiết kiệm khác với chắt bóp, tằn tiện. Trong kinh tế thị trường, muốn có phát triển phải đầu tư, muốn có đầu tư thì phải có tiết kiệm. Xưa chỉ ăn Tết, nay còn chơi Tết. Nên trong bối cảnh hiện tại không nên dùng từ tiết kiệm nữa mà nên dùng chi tiêu hợp lý”,ông Ngô Trí Long nói.
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu. |
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện cuộc đua săn các mặt hàng giá cả đắt đỏ “độc nhất vô nhị” như một cách để các gia đình có điều kiện thể hiện đẳng cấp. Ông Long cho rằng, việc chi tiêu quá nhiều và lãng phí như vậy dễ gây phản cảm và không giúp ích gì cho xã hội.
“Những người kiếm được nhiều tiền muốn có khác biệt để chơi Tết nhưng nên cân nhắc, không nên vung tiền mua những thứ “độc nhất vô nhị” chỉ để chơi vài ngày Têt rồi bỏ đi. Nếu tiền đó được dùng vào việc từ thiện, giúp người nghèo có cái Tết no ấm thì niềm vui sẽ lan toả, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, nhiều số phận con người không may mắn trong xã hội”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá nhìn nhận.
Chung quan điểm, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mua sắm Tết không hẳn là sự lãng phí như một số quan điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh thì sự lãng phí của một bộ phận xã hội sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển chung.
Dẫn lời của nhà văn hóa Phan Kế Bính rằng: “tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống lôi thôi, chơi bời chán chê, tiêu pha rất tốn kém”, TS Hiếu nói:“Tôi cho rằng ở một vài khía cạnh thì người Việt lãng phí dịp Tết như bia rượu, chè chén, cờ bạc, say sưa… Ở các nước phương Tây, họ có uống một chút rượu vui cùng bạn bè nhưng không sa đà và tập trung cho nghỉ ngơi, du lịch, hồi phục sinh lực chuẩn bị cho năm làm việc mới”.
Từ đó, chuyên gia này cho rằng:“chi tiêu cho Tết cần hợp lý, giữ được phong tục tập quán tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc”./.
Rộn ràng không khí mua sắm Tết
Từ khóa: chi tiêu Tết, Tết cổ truyền, kích cầu tiêu dùng, tết Nguyên đán
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN