Người Nga di cư đã tràn ngập nước Mỹ như thế nào?
Cập nhật: 19/10/2019
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Trong khi một số người Nga nhập cư đã khiến Mỹ kinh sợ do ý tưởng cách mạng của họ thi những người khác lại lôi cuốn Mỹ bằng sự giàu có văn hóa.
Cộng đồng dân tộc Nga là một bộ phận của xã hội Mỹ từ buổi đầu
Người Nga nhập cư là một đặc điểm của Mỹ ngay từ thời kỳ đầu của quốc gia này. Theo cuộc điều tra dân số Mỹ năm 1790, số lượng người nhập cư từ Nga vượt con số 10.000 người.
Mỗi cú sốc về xã hội hay chính trị ở Đế chế Nga đều kéo theo những cuộc di cư ồ ạt ra nước ngoài.
Tranh minh họa về người Nga nhập cư vào Mỹ thời trước. Ảnh: Getty. |
Người ta đi Mỹ để tìm kiếm “tự do” hay một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong số đó có các nhóm người Ba Lan sau khi các cuộc nổi dậy của họ bị trấn áp, những người Do Thái, người Armenia, và tất cả những người tộc Nga, bao gồm nông dân, trí thức, và vô số những người theo các giáo phái tại Nga.
Mặc dầu chỉ có khoảng 7.550 người Nga đến Mỹ vào nửa đầu thế kỷ 19 từ năm 1820 đến năm 1870, con số người di cư này tăng mạnh trong các năm tiếp theo. Cuộc thống kê dân số Mỹ năm 1920 ghi nhận có 392.049 công dân Mỹ được sinh ra ở Nga.
Vào nửa sau của thế kỷ 19, nước Nga rơi vào thời kỳ tranh đấu chính trị kịch liệt và bạo loạn khủng bố, số người di cư chính trị sang Mỹ tăng đột biến. Nhóm dân Nga di cư do yếu tố chính trị này mang đầy đầu óc cách mạng. Cùng với các anh em tương đồng tư tưởng đến từ Đức và Italy, những người này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá các tư tưởng cấp tiến, vô chính phủ và cánh tả ở Mỹ. Emma Goldman và Alexander Berkman nằm trong số những nhà tư tưởng vô chính phủ nổi bật của Mỹ thời kỳ đó, và hai vị này đều đến từ Litva, khi ấy thuộc Đế chế Nga rộng lớn.
Thất bại của cuộc Cách mạng Nga 1905 tạo thêm động lực mới cho dòng di cư của những người cách mạng sang Mỹ. Năm 1908 ở New York đã ra đời Liên hiệp Các Công nhân Nga – một trong các hiệp hội chính trị lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của những người Nga nhập cư, tổ chức này tích cực cổ xúy cho tư tưởng vô chính phủ.
Cảnh giác với người gốc Nga
Vào cuối thập niên 1910, phong trào cấp tiến ở Mỹ, (trong đó người Nga đóng vai trò quan trọng) lớn mạnh đến mức mà Nỗi sợ Đỏ ngập tràn xứ Cờ Hoa. Nỗi sợ này cho rằng một cuộc nổi dậy tương tự như cuộc Cách mạng Bolshevik Nga 1917 có thể tái diễn trên đất Mỹ.
Để đối phó với viễn cảnh đó, chính phủ Mỹ xúc tiến hàng loạt vụ bắt bớ những nhân vật theo đường lối cộng sản và vô chính phủ trên khắp lãnh thổ nước này.
Loạt vụ bắt bớ này diễn ra vào các năm 1919 - 1920, và do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Mitchell Palmer cùng trợ lý của mình, sau này là Giám đốc FBI đầu tiên - Edgar Hoover, chỉ đạo.
Là một trong những người Nga di cư, nhà văn Ivan Okuntsov viết: “Cuộc sống của người Nga sau các cuộc bố ráp của Palmer trở nên khổ cực không thể chịu được. Họ tạo ra mối nghi ngờ với mỗi người Nga, bất kể anh ta ủng hộ quan điểm chính trị nào. Người Nga bị sa thải khỏi các nhà máy xí nghiệp mà không cần lý do nào”.
Hàng ngàn người gốc Nga đã bị trục xuất. Vào ngày 21/12/1919, một tàu thủy chở khách mang tên USAT Buford, chở 249 nhân vật cấp tiến bị bắt, rời cảng New York (Mỹ) hướng tới nước Nga Xô viết với tư cách là “món quà Giáng sinh gửi Lenin và Trotsky”. Trong số những hành khách này có các nhà tư tưởng Goldman và Berkman.
Đóng góp cho xã hội Mỹ về văn hóa và kỹ thuật
Tuy nhiên, dòng di cư từ Nga sang Mỹ vào nửa đầu thế kỷ 20 không chỉ gồm các nhà cách mạng. Còn có vô số các nghệ sĩ, nhà thơ, tác gia và các nhà khoa học rời Nga sau Cách mạng tháng Mười và lựa chọn định cư ở Bắc Mỹ.
Thập niên 1920 cũng làm nổi bật văn hóa Nga ở Mỹ. Các nhà văn hóa Nga nổi tiếng đã chọn Mỹ làm quê hương mới của mình (như nhà soạn nhạc Sergey Rachmaninov và họa sĩ Nicholas Roerich) đã tổ chức thành công nhiều cuộc biểu diễn ballet, opera và các cuộc triển lãm nghệ thuật.
Bên cạnh văn hóa, cộng đồng người Nga còn đóng góp đáng kể vào đời sống khoa học Mỹ. Các nhà khoa học hàng đầu như Igor Sikorsky (đi tiên phong trong lĩnh vực hàng không) và Vladimir Zworykin (nhà phát triển công nghệ truyền hình) đã sống và làm việc ở Mỹ. Họ cũng giúp xã hội Mỹ quên đi hội chứng sợ Nga trong các năm trước đó, ít nhất là cho tới khi xuất hiện Chiến tranh Lạnh./.
Từ khóa: Mỹ-Nga, Nga-Mỹ, người Nga di cư sang Mỹ, người Nga nhập cư vào Mỹ, dân Nga ở Mỹ
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN