Người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được bảo vệ thế nào?

Cập nhật: 6 giờ trước

VOV.VN - Bộ Chính trị quy định người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân được bảo vệ bí mật danh tính và các thông tin cá nhân khác

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành quy định số 231 về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được bảo vệ thế nào?

Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là cá nhân thực hiện việc phản ánh, tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Người thân của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được bảo vệ gồm: vợ (chồng), cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.

Bộ Chính trị quy định người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân được bảo vệ bí mật danh tính và các thông tin cá nhân khác; tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm; quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được biết về các biện pháp bảo vệ; quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ.

Cùng với đó được đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ;

Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi cơ quan có thẩm quyền không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hoặc người thân.

Về trách nhiệm, Bộ Chính trị quy định người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải thực hiện đúng quy định về xử lý, giải quyết phản ánh, tố cáo, tố giác tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời tuân thủ yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc cung cấp thông tin, tài liệu đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cung cấp căn cứ (nếu có) xác định việc bị đe dọa, trù dập, trả thù hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình và người thân.

Chấp hành kết luận giải quyết cuối cùng của tổ chức, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và các quy định khác của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan.

4 trường hợp không được bảo vệ, chấm dứt bảo vệ

Quy định nêu rõ 4 trường hợp không được bảo vệ, chấm dứt bảo vệ khi người được bảo vệ có văn bản đề nghị chấm dứt, từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ, không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện yêu cầu được bảo vệ hoặc không chấp hành các nghĩa vụ theo quy định.

Nội dung đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, xác minh, kết luận là không có căn cứ, sai sự thật.

Căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ không còn. Ngoài ra còn có các trường hợp không được bảo vệ, chấm dứt bảo vệ khác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cấm luân chuyển, điều động người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực 

Bộ Chính trị cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như: dùng bạo lực, gây áp lực, vu khống, cô lập, xúc phạm hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân.

Xâm phạm bất hợp pháp nhà ở, chỗ ở, chiếm giữ, hủy hoại tài sản, xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc có hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn cá nhân của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân.

Trả thù hoặc thuê, nhờ, xúi giục người khác uy hiếp tinh thần, trả thù người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân.

Bộ Chính trị nghiêm cấm thực hiện không đúng quy định, phân biệt đối xử, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt gây bất lợi trong công tác cán bộ, khen thưởng, kỷ luật đối với người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân; luân chuyển, điều động, biệt phái người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực khi đang giải quyết vụ việc.

Gây khó khăn, cản trở khi thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết các thủ tục hành chính, các dịch vụ công theo quy định của pháp luật, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghề nghiệp, việc làm, lao động, học tập hoặc thực thi nhiệm vụ của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân.

Hành vi bị nghiêm cấm nữa là ngăn chặn, huỷ bỏ thông tin, tài liệu, chứng cứ về đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; che giấu, không báo cáo, trì hoãn hoặc xử lý, xác minh đề nghị, yêu cầu được bảo vệ không đúng quy định; tiết lộ các thông tin cần được giữ bí mật trong quá trình bảo vệ.

Không kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ; không thay đổi thành viên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khi có căn cứ xác định thành viên đó thiếu trách nhiệm, không khách quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Chính trị cũng nghiêm cấm việc lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Các hành vi bị cấm khác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định cũng nêu rõ cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu bị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nếu để tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuộc cơ quan, tổ chức mình vi phạm quy định về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cá nhân vi phạm quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Người lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo bịa đặt, gây rối nội bộ thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ khóa: tham nhũng, tham nhũng, lãng phí, Bộ Chính trị, quy định 231

Thể loại: Nội chính

Tác giả: kim anh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập