Người dân vùng cao Lai Châu no ấm từ rừng

Cập nhật: 09/11/2020

VOV.VN - Mỗi tháng nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhờ trồng các loại cây có giá trị.

Không chỉ che chở, bảo vệ con người khỏi thiên nhiên khắc nghiệt, rừng còn mang lại sự bình yên, no ấm cho người dân vùng cao Lai Châu. Ngoài khoản thu từ dịch vụ môi trường rừng, mỗi tháng, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhờ trồng các loại cây có giá trị, góp phần làm thay đổi diện mạo bản làng vùng cao.

Những năm trước, thu nhập của đồng bào các dân tộc Mông, Dao ở bản Sin Suối Hồ, xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chỉ trông chờ vào việc đi rừng thu hái vài ba cây măng và làm nương rẫy, cố gắng lắm cũng chỉ tạm đủ ăn. Nhờ được cán bộ về bản tuyên truyền, vận động bảo vệ rừng, người dân tích cực làm theo, vì vậy đời sống đã dần ổn định.

Anh Vàng A Lai, một người dân ở bản Sin Suối Hồ tâm sự, cách đây 5 năm, gia đình anh tham gia dự án trồng rừng và bảo vệ rừng tại địa bàn xã. Từ diện tích rừng nhận trồng cây sơn tra và bảo vệ diện tích rừng hiện có, anh đã đưa gần 2.000 gốc thảo quả và địa lan vào trồng dưới tán rừng. Đến nay, mỗi năm, đều đặn gia đình anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ dịch vụ môi trường rừng, thu hái quả sơn tra, thảo quả và bán hoa địa lan.

“Quỹ đất của bản không còn nhiều và gần như đã thành rừng khi nơi đâu cũng có cây trồng phủ xanh, đất đai không bỏ phí hoang hóa như trước đây. Chỉ cần thêm 5 năm sau, nếu không ai chặt phá hay đốt rừng, chắc chắn rừng sẽ phủ xanh. Đối với rừng công nghiệp như cây sơn tra và nhiều loài cây khác cũng phát triển rất tốt, 2 năm sau nữa cây sẽ cho thu hái, bán ra thị trường và cũng là đặc sản của địa phương”, anh Lai cho biết.

Gia đình chị Sùng Thị Le cũng từng là hộ nghèo nhất nhì bản Sin Suối Hồ. Cuộc sống 6 nhân khẩu của gia đình trước đây chỉ trông chời vào ít diện tích đất nương trồng lúa và sắn. Từ khi nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2ha rừng và trồng thảo quả, gia đình chị đã thoát nghèo và trở thành hộ khá trong bản. Có nhu nhập ổn định từ rừng, chị và bà con trong bản đều ý thức được lợi ích từ rừng mang lại để bảo vệ.

“Mọi người đều có ý thức bảo vệ rừng là đã giữ được thiên nhiên, tạo ra khí hậu tốt. Cùng với đó, khi tài nguyên thiên nhiên và rừng không mất đi đã không còn hiện tượng sạt lở đất cũng như lũ lụt”, chị Sùng Thị Le chia sẻ.

Để bà con duy trì và nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc bảo vệ rừng, từ nhiều năm nay mỗi tháng từ 2 – 3 lần, tổ công tác Đồn biên phòng Sin Suối Hồ lại phối hợp cùng cán bộ kiểm lâm về bản để tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng.

Ngoài tuyên truyền bảo vệ rừng, cán bộ biên phòng và cán bộ kiểm lâm còn hướng dẫn bà con trồng mới thêm rừng và cách phòng chống cháy rừng. Nhờ đó, bà con các bản đã chủ động cùng nhau tham gia giữ rừng, phát dọn thực bì để phòng chống cháy rừng.

Trung úy Sùng A Măng, cán bộ vận động quần chúng, Đồn biên phòng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ cho biết, Đồn tuyên truyền cho bà con tập trung vào việc nhận biết tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ ở những bản xa trung tâm, truyền thông nó hạn chế.

“Khi biến nhận thức của đồng bào để thay đổi hành động sẽ phát huy tốt nhất công tác bảo vệ rừng, mọi người có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn. Bên cạnh đó, hàng năm các gia đình ở các bản đều được chi trả tiền môi trường rừng nên người dân các bản đều chung tay để bảo vệ tốt”, Trung úy Sùng A Măng chia sẻ.

Xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ có 10 bản, hơn 900 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào Mông và Dao sinh sống. Nơi đây từng được biết đến là "lõi" nghèo và nghiện ma túy của huyện Phong Thổ. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, bà con đã biến lợi thế các cánh rừng gỗ cổ thụ trở thành "điểm sáng" du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu.

Ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ cho biết, 5 năm trước, xã còn tới 70% số hộ thuộc diện đói nghèo. Do địa bàn có độ dốc cao, diện tích đất sản xuất cũng hạn chế, nên các hộ đủ ăn cũng đã là may mắn, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như bây giờ. Để giảm mạnh số hộ nghèo hiện có, xã đã có cả chương trình hành động để tập trung phát triển kinh tế rừng, phấn đấu nâng độ che phủ rừng trên địa bàn lên trên 65%.

“Chính quyền đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ khi tổ chức xuống các thôn bản để tuyên truyền bảo vệ rừng, từ đó người dân cũng không vi phạm pháp luật, không chặt phá rừng bừa bãi. Khi người dân trở thành thành phần tham gia có trách nhiệm nên họ cũng nhận thức rất là rõ. Trong thời gian tới đây, chính quyền xã cũng mong muốn bộ đội biên phòng và các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, làm tốt hơn công tác tuyên truyền để rừng được bảo vệ và ngày càng phát triển”, ông Hòa cho biết.

Giữ rừng là giữ no ấm và từ hiệu quả thực tế ở Sin Suối Hồ cũng như xác định được vai trò, tầm quan trọng của rừng, trong chương trình hành động giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Lai Châu đã xây dựng đề án và nghị quyết về phát triển rừng bền vững, phấn đấu đến năm 2025, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 54% để người dân sống tốt hơn nữa nhờ rừng./.

Từ khóa: làm kinh tế, kinh tế rừng, bảo vệ rừng ở lai châu, làm giàu từ rừng, cây công nghiệp

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập