Người có uy tín ở Khánh Hòa góp phần đưa miền núi thoát nghèo

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa gửi hồ sơ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo. Thoát nghèo là sự kiện lớn của miền núi tỉnh Khánh Hòa, trong đó, có sự đóng góp của già làng, người có uy tín tại địa bàn.

 


Già làng Cao Dáng, dân tộc Raglay, ở thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, ông Cao Dáng từng nhiều năm là Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nam, một địa phương có đến 80% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm đó, đói, nghèo đeo đuổi bà con. Ông Cao Dáng đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa rẫy trên nương qua làm lúa nước dưới ruộng, đào ao thả cá, trồng mía, trồng bưởi... Hiện gia đình có 2 ha mía, 2 ha keo lai, 3 sào bưởi da xanh cho thu nhập ổn định. Thấy ông Cao Dáng làm ăn hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn, trong xã làm theo, từ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo.

Ông Cao Dáng cho biết: “Bà con trong thôn nhìn mình làm, họ học hỏi, làm theo. Trồng cây ăn quả phải có phân bón chăm sóc, dọn dẹp vườn sạch sẽ, tưới tiêu để cây phát triển nhanh, mau cho trái. Bà con đồng bào Raglay họ thấy mình làm họ cũng làm theo. Tôi bày cho bà con làm. Trước đây, trong thôn này ít nhưng đến nay nhiều gia đình đã trồng cây ăn quả, làm vườn”.

Cuối năm 2021, huyện Khánh Sơn còn gần 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ hơn 66% dân cư; còn huyện Khánh Vĩnh còn hơn 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm gần 60% dân cư. Vì vậy đây là 2 số trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025.

Với quyết tâm đưa 2 địa phương sớm thoát khỏi huyện nghèo, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và huy động nhiều nguồn lực khác để đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài đầu tư hạ tầng thì tỉnh Khánh Hòa chú trọng các mô hình sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo cho từng hộ dân. Các mô hình chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi được triển khai đồng loạt xuống các thôn, xóm. Không chỉ tập huấn, cung cấp cây giống mà các đảng viên, người uy tín còn làm trước, làm mẫu để bà con trong cộng đồng làm theo. Những người có uy tín còn tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức tự lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Già làng Mấu Xuân Nghi, ở thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, làm kinh tế chủ yếu trồng sầu riêng, trồng xen với cây chuối để giải quyết tiêu dùng hàng ngày. Người dân tộc thiểu số lúc đầu trồng còn ít do chưa có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi chia sẻ với họ, được sự quan tâm của Nhà nước cho tập huấn trực tiếp trồng cây, hiện nay rất nhiều người trồng. Người ít cũng 200 cây, có người trồng cả héc ta, có hộ gia đình đã khá lên”.

4 năm qua, ngân sách Trung ương và địa phương đã đầu tư cho huyện Khánh Sơn hơn 600 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, một trong những điểm sáng của huyện là đã đạt các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh khi chỉ còn hơn 31%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 36,12 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020.

Đến nay, Khánh Sơn đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo, sớm 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, là tiền đề quan trọng để huyện hướng đến những mục tiêu cao hơn. Ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho biết, nông nghiệp đang là ngành kinh tế mũi nhọn khi chiếm đến hơn 70% trong cơ cấu kinh tế, cũng là chìa khóa để huyện “xóa nghèo” nhanh trong những năm gần đây và được kỳ vọng mở ra cánh cửa giúp người dân vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.  Toàn huyện có 29 người được tôn vinh có uy tín, trong đó 24 người là đảng viên, đây là lực lượng nòng cốt để huyện đặt ra những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.

Ông Bùi Hoài Nam nói: “Sắp đến, chúng tôi tiếp tục nâng cao vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, họ là những người có nguồn thu nhập cao từ các mô hình nông nghiệp tại huyện Khánh Sơn. Qua đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, người dân vươn lên bám đất, bám vườn làm giàu chính đáng. Sắp đến, huyện sẽ đưa ra chỉ tiêu bao nhiêu hộ thoát nghèo bền vững, tỷ lệ giàu, khá giả trong cộng đồng dân tộc thiểu số”.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề nghị 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh sau khi được công nhận thoát khỏi huyện nghèo, kiên quyết không được để tái nghèo mà phải phát triển thành huyện khá, huyện giàu bằng chính nội lực của mình. Muốn vậy, các địa phương cần xác định phân bổ các nguồn lực đầu tư. Việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, tạo được động lực phát triển.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, các địa phương cần lưu ý việc phát triển đa dạng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, phát triển bền vững gắn sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau  về phát triển nông nghiệp đem lại hiệu quả rất cao, rất phấn khởi. Các đồng chí đã triển khai đề án, tuyên truyền, vận động người dân và đi làm trước. Các đồng chí ở địa phương đã dẫn dắt và vào cuộc của chính các đồng chí. Điểm sáng của tỉnh Khánh Hòa là giảm nghèo, tăng khá, tăng giàu.  2 huyện thoát nghèo trước 1 năm, đây là sự nỗ lực rất lớn. Thoát nghèo là thời khắc có tính chất lịch sử”.

Từ khóa: Khánh Hòa, già làng,người có uy tín,thoát nghèo

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thái bình/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập