Người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội vay vốn lên đến 100 triệu đồng/người
Cập nhật: 12/10/2023
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Chiều nay, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.
Quyết định số 22 của Thủ tướng về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù bao gồm 16 Điều, trong đó quy định rõ ràng về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay... Trong đó, theo điều 3 của Quyết định thì có 2 đối tượng được vay vốn. Đó là những người chấp hành xong án phạt tù. Bao gồm: người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá.
Thứ hai là các cơ sở sản xuất kinh doanh, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Đối với cá nhân khi vay vốn để đào tạo nghề thì mức tối đa là 4 triệu đồng/tháng, để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì mức tối đa là 100 triệu đồng/người.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Ngay sau khi Quyết định 22 có hiệu lực từ ngày 10/10, đến ngày hôm nay (12/10) đã có 145 Người chấp hành xong án phát tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Qua tổng hợp nhanh từ các địa phương có hơn 2 nghìn người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền 138 tỷ đồng.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an cho biết: “Đối với Bộ Công an chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân, tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chính sách tại Quyết định này; chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu cho HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng, chính sách xã hội để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ, chỉ đạo công an cấp xã định kỳ vào ngày 5 hàng tháng lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và điều kiện vay vốn và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội làm căn cứ cho vay”.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyển địa phương triển khai Quyết định số 22 có hiệu quả, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách nhân văn, nhân đạo này thực sự đi vào trong thực tế đời sống. Đồng thời tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ.
Ngân hàng Chính sách xã hội là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Phó Thủ tướng yêu cầu cần triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều người chấp hành xong án phạt tù cần quan tâm, chủ động cân đối bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn để cho vay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bên cạnh thực hiện có hiệu quả Quyết định 22, Tôi đề nghị ngành Công an và công an địa phương tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong tham mưu và phối hợp thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, chủ động nắm chắc tình hình, điều kiện, hoàn cảnh của người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù, người có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương quan tâm, hỗ trợ họ sớm tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.”
Theo Phó Thủ tướng, Quyết định số 22 là chính sách mới, do đó trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh và có biện pháp xử lý, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi.
Từ khóa: vay vốn, phó thủ tướng, bộ công an, ngân hàng chính sách,lê minh khái, hội nghị,án phạt tù
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: việt cường/vov1
Nguồn tin: VOVVN