Người Chăm Bình Thuận chuẩn bị bước vào mùa Ramưwan

Cập nhật: 12 giờ trước

VOV.VN - Mùa Ramưwan năm 2025 của đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni sẽ diễn ra từ ngày 28/2 đến hết ngày 29/3. Và lễ tảo mộ là một trong những nghi lễ bắt buộc khởi đầu cho mùa Ramưwan. Vì đây là lễ hội lớn nhất trong năm, nên các tín đồ thường chuẩn bị rất chu đáo, với mong muốn có một mùa Ramưwan an lành.

Vào những ngày này, nhiều gia đình đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni bắt đầu chuẩn bị để đón tháng Ramưwan. Các hoạt động chuẩn bị thường là sửa sang, quét dọn, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị thức ăn đầy đủ.

Gia đình bà Tồn Thị Mộng Loan ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa và chuẩn bị một số bánh truyền thống, hoa quả và một số loại thức ăn khác để chuẩn bị cho ngày đi tảo mộ, cúng gia tiên. 

Bà Loan cho biết, như thường lệ hàng năm, bà và các thành viên trong gia đình cùng nhau dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa để cầu mong mọi việc thuận lợi, tốt đẹp. 

Gia đình đang làm bánh gừng để chuẩn bị đón Ramưwan, gần tới ngày mình chuẩn bị dần dần, bánh này gia đình mang đi tảo mộ ông bà ở ngoài Ninh Thuận, rồi ở đây nữa. Bánh này làm công phu lắm, chỉ có bột với trứng vịt, nhà ai cũng phải làm. Ngoài ra còn chuẩn bị vài món khác nữa. Bà Loan nói. 

Trong những ngày giáp mùa Ramưwan, tại các làng Chăm Hồi giáo Bàni lại rộn ràng. Các chị em phụ nữ mua sắm mọi thứ, làm bánh trái, lễ vật và mua sắm trang phục mới cho trẻ em. 

Còn với các vị chức sắc Chăm Hồi giáo Bàni cũng tất bật không kém, họ cũng chuẩn bị nào là kinh kệ, trang phục và các dụng cụ hành lễ. Ông Gru Sa (Dụng Sa), Sư cả thánh đường thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết: "Sau Kinh hội (Suk yeng) một tháng, tất cả các làng Chăm Bàni ở Bình Thuận này lại vui đón Ramưwan. Bởi đây là tháng mà con cái thể hiện lòng thành đối với đứng sinh thành, tổ tiên của mình. Các vong linh của ông bà tổ tiên được mời về thánh đường an hưởng lễ vật mà nhân thân dâng cúng trong một tháng Ramưwan này".

Lễ tảo mộ là một trong những nghi lễ bắt buộc khởi đầu cho mùa Ramưwan, do từng tộc họ, từng làng palei tổ chức. Với con cháu người Chăm Hồi giáo Bàni, lễ tảo mộ được xem như là một cuộc hành hương về với tổ tiên, ông bà. Kết thúc lễ tảo mộ, trong dòng họ đều kính cẩn cúng bái cầu khẩn mời tổ tiên về hưởng mùa Ramưwan. Vì vậy, dù đang đi làm ăn ở đâu, công việc quan trọng đến mấy mọi người cũng phải gác lại để về tảo mộ ông bà, tổ tiên.

Ông Tồn Thất Đình, cho biết, mặc dù sinh sống ở tỉnh Đồng Nai nhưng đến mùa Ramưwan trong lòng lại náo nức, muốn được về quê: "Mặc dù mình đi làm ăn xa nhưng mình cũng phải cố gắng thu xếp công việc để về với gia đình. Một năm chỉ có một lần Ramưwan, nên dù khó khăn đến mấy cũng phải về để sum tụ gia đình. Sau nữa là đi tảo mộ, cúng ông bà tổ tiên, cầu mong được phù hộ an lành".

Không như tháng Ramadan của người Chăm Islam (Hồi giáo) là tất cả tín đồ phải nhịn ăn cả ngày trong suốt tháng, giữ mình trong sạch để cầu nguyện, còn trong tháng Ramưwan của người Chăm Hồi giáo Bàni thì chỉ có các tu sĩ thực hiện các nghi lễ và nhịn ăn mà thôi.

Các tu sĩ sẽ đại diện cho tất cả tín đồ hãm mình trong thánh đường, đọc kinh cầu nguyện. Dân chúng vẫn được ăn uống, làm việc bình thường trong suốt tháng Ramưwan.

Bình Thuận hiện có hơn 40.000 người Chăm, trong đó có trên 20.000 tín đồ Hồi giáo Bàni. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp các ngành và sự nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình, cuộc sống của đại bộ phận bà con dân tộc thiểu số trong tỉnh Bình Thuận nói chung và đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni nói riêng đã cải thiện hơn trước rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ông Lưu Văn Bê ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết: "Nhờ Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư thủy lợi, nên việc sản xuất của bà con ổn định. Đời sống bà con ngày càng khấm khá nên việc tổ chức cúng kính cho ông bà tổ tiên cũng tươm tất hơn".

Ramưwan là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Hồi giáo Bàni. Nguyên gốc của nó chỉ là lễ đơn thuần của tháng chay niệm dành cho tín đồ Hồi giáo, thế nhưng khi người Chăm tiếp nhận, họ đã cải biên lại thành lễ hội mang bản sắc của riêng mình.

Do vậy, lễ hội Ramưwan của người Chăm Hồi giáo Bàni không chỉ là tháng chay niệm, đọc kinh cầu nguyện thánh Ala mà nó còn kết hợp với lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên, cùng với những hoạt động văn nghệ, thể thao văn hóa tại các làng Chăm. Những yếu tố trên đã kết hợp, dung hòa lại với nhau, tạo cho lễ hội Ramưwan trở thành một lễ hội đặc sắc của người Chăm Hồi giáo Bàni.

Mùa Ramưwan không chỉ là dịp các thành viên trong dòng tộc cùng đoàn tụ, nhớ ơn ông bà tổ tiên, đấng sinh thành, mà còn là dịp kết nối cộng đồng người Chăm Hồi giáo Bàni để cùng nhau hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống và cũng nhằm bảo tồn văn hóa, bản sắc của người Chăm ở vùng đất này.

Từ khóa: lễ hội Ramưwan, Mùa Ramưwan, Bình Thuận ,Hồi giáo, người Chăm, lễ hội

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: đoàn sĩ/vov tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan