Nghiêm cấm cắt lương khi xử lý kỷ luật người lao động

Cập nhật: 13/10/2024

VOV.VN - Kỷ luật lao động là một trong những quy định quan trọng trong doanh nghiệp, có giá trị ràng buộc người lao động và là cơ sở để xử lý kỷ luật lao động.

 

Bộ luật Lao động quy định có 4 nguyên tắc khi xử lý kỷ luật lao động:

- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

- Khi người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

- Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian: Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; Đang bị tạm giữ, tạm giam; Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này (hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tủy tại nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, công nghệ... thuộc các trường hợp xử lý hình thức sa thải); Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

- Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; đối với một số hành vi vi phạm do khó phát hiện kịp thời, và thời gian điều tra xác minh mất nhiều thời gian thì thời hiệu xử lý kỷ luật được kéo dài tới 12 tháng, đó là các hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng phòng Chính sách lao động, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, có một số trường hợp được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật nhằm bảo đảm quyền xử lý kỷ luật của người sử dụng lao động: "Đối với các trường hợp người sử dụng lao động chưa xử lý lý luật lao động do người lao động đang trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luật đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động thì khi hết thời gian này nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên."

Pháp luật lao động hiện nay không quy định việc thành lập hội đồng xét kỷ luật khi xử lý kỷ luật lao động. Tuy nhiên người sử dụng lao động cần đảm bảo việc xử lý kỷ luật lao động theo đúng nguyên tắc, trình tự và thủ tục quy định tại Điều 122 Bộ luật Lao động và Điều 70 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ. Nếu thực hiện việc kỷ luật lao động không đúng quy định về trình tự, thủ tục, thời hiệu, người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đồng thời, người sử dụng lao động không được kỷ luật người lao động bằng cách cắt lương.

"Cắt lương thay việc xử lý kỷ luật là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng" - bà Nguyễn Thùy Linh nhấn mạnh.

Từ khóa: người lao động, người lao động, cắt lương, kỷ luật người lao động, bộ lao động thương binh và xã hội,kỷ luật người lao động như thế nào, xử lý kỷ luật người lao động

Thể loại: Xã hội

Tác giả: việt anh/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan