VOV.VN - Tỉnh Cà Mau có diện tích đứng đầu cả nước, với đa dạng loại hình nuôi. Trong đó, có loại hình cho năng suất cao lên tới hàng chục tấn/hecta/năm; cũng có những mô hình tạo ra con tôm sinh thái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới.
Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha, đứng đầu cả nước.
Người dân địa phương đang nuôi tôm với 5 loại hình chủ yếu: Nuôi tôm công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), tôm – lúa, tôm – rừng, quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có diện tích khoảng 4.750 ha. Đây là loại hình nuôi cho năng suất cao nhất, đạt hơn 20 tấn/ha/năm.
Tuy nhiên, để đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi kỹ thuật nuôi cao và cần chi phí lớn.
Tỉnh Cà Mau với 3 mặt giáp biển, diện tích rừng ngập mặn lớn, cũng rất thuận lợi phát triển nuôi tôm dưới tán rừng (tôm – rừng).
Sản phẩm tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn nổi tiếng gần xa đến từ loại hình nuôi tôm dưới tán rừng của huyện Ngọc Hiển, Năm Căn.
Tỉnh Cà Mau cũng phát triển mô hình tôm - lúa, với diện tích khoảng 38.000 ha.
Mô hình tôm - lúa và tôm – rừng giúp tạo ra sản phẩm tôm sú có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật… (Ảnh: Nhật Minh)
Tỉnh Cà Mau cũng có diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp rất lớn, tập trung tại các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời,…
Đây là hai loại hình nuôi bắt nguồn từ cách nuôi tôm truyền thống của người dân địa phương.
Trong thực hiện các mô hình nuôi tôm, người dân Cà Mau còn thả nuôi thêm cua, sò huyết, tôm càng… trong vuông tôm để tăng thu nhập.
Những loại hình nuôi nêu trên giúp tỉnh Cà Mau ước đạt sản lượng 230.000 tấn tôm trong năm nay.
“Vùng đất cuối trời” đang xuất khẩu tôm ra hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, với giá trị hơn 1 tỷ USD/năm.
Từ khóa: nuôi tôm, Nghề nuôi tôm ở Cà Mau,xuất khẩu tôm, tôm Cà Mau,nuôi tôm quảng canh