Ngày Xuân lên bản Thái Tây Bắc vui hội tung còn

Cập nhật: 11/02/2024

VOV.VN - Đến với các bản làng người Thái vùng cao Tây Bắc vui hội tung còn để hành trình khám phá bản làng với nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của mỗi du khách thêm những trải nghiệm ấn tượng, khó quên.

Hội tung còn là trò chơi dân gian của đồng bào Thái Tây Bắc được bà con duy trì từ đời này qua đời khác và không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ngay từ thuở còn là thiếu nữ, các cô gái Thái đã được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa khăn piêu, làm quả còn sao cho thật đẹp. Mỗi thiếu nữ thường chuẩn bị cho mình từ 3-5 quả còn để chơi trong những ngày Tết.

Bà Lù Thị Tươi, Tổ 2, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ, ngay từ còn là thiếu nữ 13, 14 tuổi, bà đã thấy bố mẹ và các anh, chị trong nhà, trong bản làm còn và được các mẹ, các chị hướng dẫn cách làm còn và biết chơi còn Tết. Cứ đến Tết là mọi người rủ nhau đi tung còn.

Người Thái quan niệm rằng, quả còn tượng trưng cho con rồng luôn luôn có khát vọng bay cao, bay xa để tìm kiếm sự may mắn, thịnh vượng. Chính vì thế, còn được chị em người Thái dệt lên trông giống hình ảnh của con rồng trong trí tưởng tượng của mỗi người.

Còn gồm 2 phần chính là quả còn và dây còn. Quả còn tượng trưng cho đầu rồng được làm bằng vải màu chắc chắn, cắt thành hình ô vuông có cạnh khoảng 15-20 cm, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi bằng hạt bông thật chặt và khâu lại bằng tay tỉ mỉ, để hạt bông không bị rơi ra ngoài. Bốn góc của quả còn được đính thêm các tua vải nhiều màu xanh, đỏ, tím, vàng.

Dây còn được bện làm từ nhiều sợi chỉ cho chắc chắn, tượng trưng cho thân rồng. Đuôi rồng được tết bằng vải dài độ nửa sải tay, mỗi một đoạn dây còn khoảng 15cm được đính các tua rua vải vụn với nhiều màu sắc sặc sỡ trông khá bắt mắt. Tua rua ở nút thắt đầu dây và cuối dây được làm to hơn để lúc quay và tung còn không bị tuột tay. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết làm quả còn đẹp lung linh, cân đối.

Bà Lù Thị Tươi, ở tổ 2, phường Chiềng An cho biết, cái khó và quan trọng nhất là phần khâu 4 góc của quả còn thành 1 khối thống nhất. “Người làm còn dùng châm ngài tóc tẳng cẩu của chị em phụ nữ Thái, đâm thủng đúng tâm quả còn sau đó luồn dây còn qua quả còn. Đầu cuối của dây còn được đệm đồng xu có 1 nút thắt đính tua rua vải nhiều màu, để lúc quay còn, tung còn dây còn không bị tuột ra khỏi quả còn, giữ cho quả còn với dây còn được thăng bằng, khi tung mới chuẩn xác”, bà Tươi chia sẻ.

Ngay từ ngày mùng 1 Tết, khi các cô gái đã chuẩn bị được những quả còn ưng ý, sặc sỡ, cả bản sẽ cùng nhau ra chơi tung còn tại bãi sân rộng nhà văn hoá của bản, hoặc tại đồng ruộng khô đã thu hoạch xong lúa một vụ, có mặt bằng đủ rộng để tung còn.

Cách chơi phổ biến thường được chia thành 1 bên nam và 1 bên nữ, không hạn chế số lượng người tham gia, không phân biệt lứa tuổi, tuy nhiên, nam nữ thanh niên sẽ chiếm phần hơn. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên, thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần đôi nào phải lòng nhau tự khắc ném cho nhau, hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một. 

Cách chơi thứ hai gọi là tung còn vòng, người chơi đứng ở hai bên cột tre (cây nêu) cao từ 15 - 20m thẳng tắp có đường kính 10-15cm. Trên đỉnh cột buộc uốn một vòng còn để làm đích ném, đường kính khoảng 50cm, vòng còn được dán giấy mầu hồng, đỏ…Người đứng ở 2 bên cột tre cách tầm từ 15 - 20m, thay nhau ném quả còn đi qua vòng tròn trên đỉnh cây tre, người đối diện sẽ bắt lấy quả còn và ném lại. Cứ như vậy trò chơi sẽ kết thúc khi có người ném qua vòng tròn đó nhiều nhất sẽ giành chiến thắng. 

Bà Lù Thị Tươi cho biết thêm, khi đi chơi Tết, các chị em sẽ cuốn quả còn vào eo đi theo. Trước khi vào cuộc chơi tung còn, các bên nam nữ sẽ có giao ước với nhau, bên bắt trượt còn của đối phương sẽ phải nộp một số đồ trang sức không xa xỉ để làm tin. Ví dụ nếu nam bắt trượt còn phải trao nộp mũ, đồng hồ đeo tay cho nữ; nữ để rơi còn phải trao chiếc khăn piêu đội đầu, cái lắc tay…cho nam.

“Thường sau khi kết thúc cuộc chơi, nam và nữ sẽ trả lại đồ cho nhau. Nhưng nếu như đôi bạn trẻ nào phải lòng nhau, sẽ không trả lại và coi đó là món quà kỷ niệm để họ có cơ hội tiếp tục tìm hiểu nhau, từ đó đã có không ít đôi nên duyên vợ chồng”, bà Tươi vui vẻ kể. 

Theo phong tục của người Thái, đến ngày mùng 5 Tết được coi là hết Tết, bà con người Thái kiêng để quả còn trong nhà qua năm mới, nên bà con sẽ tung tiễn còn đi theo 2 hướng khác nhau, gọi là “xống con”. Có người tung còn đi theo hướng hạ nguồn sông, suối (hướng mặt trời mọc) để mang theo những điều không may mắn của năm cũ. Có người tung quả còn lên để mắc vào những cành cây cao theo hướng thượng nguồn sông, suối (hướng mặt trời lặn), với mong muốn năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, mạnh khoẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Đến tết năm sau, họ lại tiếp tục làm những quả còn mới và hẹn gặp nhau trên những bãi đồng khô cùng chơi tung còn.

Ngày nay, tung còn không chỉ đơn thuần là một trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái mà còn đang được hướng đến là một bộ môn thể thao thi đấu mỗi dịp lễ hội, Tết đến Xuân về. Gần đây nhất, cuối năm 2023, Cục Thể dục thể thao, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với Sở VH,TT&DL Sơn La tổ chức lớp tập huấn xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy môn thể thao tung còn của dân tộc Thái tại tỉnh Sơn La năm 2023, thuộc "Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025".

Ông Nguyễn Tất Chiến, chuyên viên Cục Thể dục, Thể thao - Bộ VH,TT&DL cho biết, lãnh đạo Bộ này đã giao nhiệm vụ cho Cục Thể dục Thể thao hàng năm tổ chức các hoạt đông, nghiên cứu về các môn thể thao, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc thiểu số và những môn trò chơi vận động dân gian, trong đó có môn tung còn. Từ đó có những định hướng, công tác bảo tồn để phát huy, luật hoá những môn thể thao này với mục tiêu, mong muốn sẽ phát triển những môn thể thao dân tộc này để có thể đưa vào thi đấu tại các giải quốc gia.

Những ngày vui Xuân đón Tết, hãy đến với các bản làng người Thái vùng cao Tây Bắc vui hội tung còn, để hành trình khám phá bản làng với nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của mỗi du khách thêm những trải nghiệm ấn tượng, khó quên.

Từ khóa: Hội tung còn, Hội tung còn,bản làng người Thái, vùng cao Tây Bắc,văn hóa độc đáo,trải nghiệm ấn tượng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: đức anh/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan