Ngành thủ công mỹ nghệ - những thách thức hiện hữu

Cập nhật: 7 giờ trước

VOV.VN - Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển nhưng ngành thủ công mỹ nghệ của nước ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Không chỉ thiếu nguồn nguyên liệu, vốn, thị trường mà việc xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực thiếu bài bản, chắp vá.

Khó từ nguyên liệu, thị trường       

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay cả nước có 774.392 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tập trung nhiều ở nhóm đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, cơ khí nhỏ.

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ với nhiều mặt hàng được sử dụng rộng rãi ở các nhóm sản phẩm như: gốm, sứ, đan lát, thêu dệt, sơn mài, gỗ và các nhóm còn lại. Nhà nước đã có chiến lược bảo tồn, phát triển các làng nghề nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, định hướng kết hợp với các tour du lịch trải nghiệm ở các vùng miền khác nhau. Bên cạnh đó, truyền thông, quảng bá hình ảnh sản phẩm ra thị trường ngày càng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, ngành thủ công mỹ nghệ cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuy đã cải tiến về mẫu mã nhưng tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật chưa cao; còn sử dụng nguyên liệu ảnh hưởng đến môi trường và vẫn còn nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc.

"Sự liên kết trong tổ chức sản xuất còn hạn chế. Chúng ta phát triển làng nghề mang tính tự phát, chưa có sự tập trung đầu tư xây dựng một làng nghề chuẩn đảm bảo từ thương hiệu, sản phẩm, sản xuất, thương hiệu gắn với quảng bá sản phẩm. Đào tạo theo xu hướng phát triển của lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thế giới còn nhiều hạn chế. Vấn đề nữa là chúng ta chưa có những làng nghề gắn với phát triển cơ sở hạ tầng" - Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến lý giải nguyên nhân.

Gốm sứ là một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có doanh thu cao. Nhưng theo ông Vương Siêu Tín - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, thời gian gần đây doanh thu từ gốm sứ của tỉnh giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước. Số cơ sở sản xuất gốm sứ giảm tới 70 - 80% so với thời kỳ phát triển hoàng kim, số lao động trong mỗi cơ sở cũng giảm theo.

Vẫn theo ông Tín, do giá cước vận tải đường biển tăng cao kéo theo chi phí sản xuất tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm. Dự báo thị trường có thể hồi phục nhưng ngành gốm sứ cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng vẫn sẽ còn nhiều khó khăn.

Thiếu vốn, nhân lực và rủi ro thiên tai

Các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ hiện nay đa phần là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Sau đại dịch COVID-19, thị trường chững lại, nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục gặp khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Phong Phú - CEO Công ty TNHH Thảo Điền Phú Mỹ - một doanh nghiệp chuyên về mặt hàng thủ công từ nguyên liệu thiên nhiên cho biết:

"Khó khăn nhất hiện tại là vốn đầu tư. Thí dụ như là các đối tác đầu ra là những tập đoàn lớn cần điều kiện cơ sở vật chất phải đảm bảo. Để đầu tư cơ sở vật chất thì tài chính phải mạnh. Rất mong Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính cũng như các ngân hàng hỗ trợ để chúng tôi đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất cho các đối tác đầu ra" - Ông Nguyễn Phong Phú chia sẻ.

Về nguồn nhân lực, cả nước hiện có 2.107 nghệ nhân, 571 nghệ nhân cấp tỉnh và 1.322 thợ giỏi thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn với gần 1.400 làng nghề truyền thống. Số lao động trong các làng nghề là hơn 1,4 triệu lao động, trong đó có hơn 91% là lao động thường xuyên.

Tuy nhiên, không ít cơ sở sản xuất kinh doanh than phiền về thiếu hụt người làm, bởi lao động của ngành đa số đã nhiều tuổi, trong khi giới trẻ lại không hứng thú với việc học nghề này nên việc đào tạo lao động và truyền nghề cũng hạn chế.

Cũng như các ngành nghề khác, ngành thủ công mỹ nghệ “không tránh khỏi vòng xoáy chung” của khó khăn do khách quan mang lại. Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, hậu quả của đại dịch Covid-19 còn nặng nề, thì cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các vùng nguyên liệu của làng nghề thủ công mỹ nghệ khiến lĩnh vực này đã gặp khó lại càng thêm khó:

"Nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ đã phá sản và nghệ nhân gặp rất nhiều khó khăn, khó trong cả tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên  sức sống, sức sáng tạo của các nghệ nhân, doanh nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất dồi dào, có thể tiếp tục vươn lên" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Theo các chuyên gia, ngành thủ công mỹ nghệ vẫn có thể tiếp tục vươn lên nếu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có sự chung tay của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, các ban ngành, hiệp hội và chính các nghệ nhân để cùng nhau thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ khóa: thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu, thị trường,thách thức với ngành thủ công mỹ nghệ,thủ công, mỹ nghệ

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: hoàng minh/vov - tphcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập