Ngành nghề kinh tế nông thôn mang lại thu nhập tiền tỷ cho người dân

Cập nhật: 23/11/2020

VOV.VN - Cả nước hiện có 817.000 tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn, tăng 14% so với năm 2017 thời điểm trước khi Nghị định số 52 của Chính phủ được ban hành...

Sáng 23/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công Thương sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, theo các đại biểu, ngành nghề nông thôn còn nhiều lợi thế và tiềm năng để khai thác.

Sau 2 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng trong phát triển nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cả nước hiện có 817.000 tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn, tăng 14% so với năm 2017 thời điểm trước khi Nghị định số 52 của Chính phủ được ban hành; tạo việc làm cho hơn 2,3 triệu lao động, doanh thu tăng 40.000 tỷ đồng… Trên thực tế đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua đó tăng thêm thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong thời gian qua.

Tập trung làm rõ những lợi thế và tiềm năng của khu vực này, các đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước, ý nghĩa, tầm quan trọng và nhiệm vụ của các Bộ ngành, địa phương về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề và làng nghề truyền thống.

Một số ý kiến cho rằng, trong đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho rằng: "Theo xu hướng phát triển của xã hội thì phát triển làng nghề không thể tách rời với phát triển du lịch. Bởi làng nghề hướng đến các sản phẩm phục vụ cho con người vì vậy đây là mối quan hệ tương hỗ giúp tăng nguồn thu cho các làng nghề. Kể cả những làng nghề không có địa điểm du lịch vẫn có thể tiêu thụ được các sản phẩm mình làm ra ở những điểm du lịch, qua đó vừa bảo tồn được nghề, vừa tạo thu nhập cho làng nghề".

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để ngành nghề nông thôn phát triển bền vững cần quan tâm đến xây dựng chuỗi giá trị với yếu tố doanh nghiệp làm then chốt liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình.

Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ và tạo điều kiện mặt bằng về đất đai để xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sáng tạo các ngành nghề thủ công chủ lực của Việt Nam theo hướng xã hội hóa nhà nước và nhân dân cùng làm tại một số địa phương có ngành phát triển mạnh với chức năng là trung tâm thiết kế sáng tạo, qua đó thu hút được các nguồn lực trong doanh nghiệp, trong các hợp tác xã và người dân.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển nghề nghiệp nông thôn.

"Phải hình thành được một số trung tâm bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn ở những vùng có lợi thế để tập hợp sức sáng tạo, tập hợp nguồn lực và tập hợp các nghệ nhân để thành những Trung tâm như: Bảo tồn về ngành nghề gốm, mây tre, dệt thêu để quy tụ, đồng thời là nơi nghiên cứu sáng tạo ra các mẫu mã mới và cũng là nơi có thể xúc tiến thương mại, đẩy mạnh việc phát triển thị trường trong nước và quốc tế và cũng là nơi tập hợp được các nghệ nhân của thế giới đó là những cái mà chúng tôi tập trung xã hội hóa, hiện nay nhiều doanh nghiệp, hiệp hội sẵn sàng một số trung tâm nước còn Nhà nước chỉ hỗ trợ về đất đai, chính sách để phát triển ngành nghề nông thôn" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh./.

Từ khóa: kinh tế nông thôn, nông nghiệp, mô hình kinh tế, mô hình làm giàu, nông nghiệp nông thôn

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập