"Ngành kiểm sát đã làm tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và yêu cầu bồi thường"
Cập nhật: 09/11/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Trong kỳ Quốc hội Khoá XIV, Viện trưởng VKSND tối cao nhận được 23 chất vấn trực tiếp tại các phiên họp, kỳ họp và thông qua phiếu chất vấn về 29 vụ, việc.
Sáng 6/11, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) Lê Minh Trí đã báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến năm 2020, Quốc hội không có Nghị quyết riêng về giám sát chuyên đề đối với VKSND, nhưng trong 05 Nghị quyết về giám sát của Quốc hội có 05 nhóm nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm của VKSND, cụ thể: Chống oan sai trong truy tố và thực hiện tốt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; Truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; Hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em; Ban hành thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết, Viện trưởng VKSND tối cao đã quán triệt 05 nhiệm vụ trên vào chỉ thị, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện trong toàn ngành; coi đây là những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, phải thực hiện tốt.
"Ngành kiểm sát đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và giải quyết yêu cầu bồi thường, qua đó, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời, Viện kiểm sát đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự; trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án; hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật. Kết quả công tác kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai", Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ.
Theo ông Lê Minh Trí, trong giai đoạn điều tra, ngành kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra. Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện kiểm sát đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, VKSND tối cao tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao và các cơ quan chuyên môn tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản… để khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm; thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em.
"VKSND tối cao chủ trì phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; Tổ chức nhiều lớp tập huấn về “Phòng, chống bạo lực gia đình” và “Phòng, chống bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em” cho cán bộ trong ngành...", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Trong nhiệm kỳ, Viện trưởng VKSND tối cao đã trả lời đầy đủ các chất vấn của ĐBQH theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo tập trung giải quyết các vụ, việc theo kiến nghị và thường xuyên kiểm tra, thông báo tiến độ giải quyết đến đại biểu.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định: "Đề cao vai trò giám sát của các ĐBQH, nhất là đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương, nhằm giúp cho các cơ quan tư pháp nắm bắt kịp thời, chính xác những hạn chế, tồn tại trong công tác, nhất là những nội dung gây bức xúc trong dư luận tại địa phương để từ đó có giải pháp chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh kịp thời ngay từ cấp sơ sở".
Nêu thách thức của ngành kiểm sát, ông Lê Minh Trí cho rằng, những yêu cầu bảo vệ quyền con người được đề cao hơn trước của Hiến pháp năm 2013 và 07 đạo luật tư pháp mới; đồng thời, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của VKSND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Trong 2 năm (2019 và 2020) ngành kiểm sát phải tinh giản hơn 1.000 biên chế (hơn 6,3% tổng biên chế toàn ngành) trong khi số vụ án hình sự khởi tố mới tăng hằng năm. Số lượng biên chế của ngành hiện chưa đáp ứng được khối lượng công việc và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, trong khi hiện nay kinh phí phân bổ chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chống oan, sai; chế độ, chính sách đối với công chức VKSND còn thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ đặc thù phải thực hiện.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề; tập trung giám sát những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm trong các ngành, giúp cho các cơ quan, người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát có cơ sở đánh giá, nhìn nhận khách quan, toàn diện hoạt động của ngành mình để có giải pháp khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế. Bảo đảm cho ngành kiểm sát có đủ các nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ./.
Từ khóa: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Quốc hội khoá XIV, các vụ án tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN