Ngành dệt may tăng cường liên kết để tận dụng cơ hội từ EVFTA
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA, và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, gọi tắt là Hiệp định IPA được ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngành dệt may cũng đang đặt kỳ vọng vào Hiệp định này.
Trong những năm qua, sản phẩm dệt may và da giầy của Việt Nam đã phần nào khẳng định được thương hiệu tại thị trường Liên minh châu Âu. Trao đổi hàng hóa trong ngành dệt may và da giầy chủ yếu theo chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu. Vì vậy, khi những hàng rào về thuế quan dần được tháo gỡ theo lộ trình, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và da giầy Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên đáng kể.
Điểm khác biệt nữa với EVFTA là được sự cộng dồn của các quốc gia đã có FTA với châu Âu, trong đó có quốc gia có sản xuất vải tương đối lớn là Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: Nguyễn Quỳnh) |
Cụ thể, với ngành dệt may, Liên minh châu Âu là thị trường lớn thứ 2 của ngành, năm ngoái, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD sang thị trường Liên minh châu Âu.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, khi Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, với việc cắt giảm thuế theo quy định tại hiệp định thì doanh nghiệp dệt may có thêm nhiều dư địa để tăng được thị phần. Tuy vậy, ông Lê Tiến Trường nhìn nhận, quá trình tận dụng được lợi thế của Hiệp định là quá trình dài và đòi hỏi những bước đi phải mang tính chiến lược, không phải là có Hiệp định thì doanh nghiệp sẽ ngay lập tức thu được lợi ích.
Theo Trường, EVFTA cũng yêu cầu rất cao về xuất xứ, đối với Hiệp định châu Âu thì yêu cầu xuất xứ từ vải, do vậy, cũng như chiến lược trung là cải thiện nội địa hóa, gia tăng khả năng sản xuất trong nước, đặc biệt là vải, để cùng CPTPP thì EVFTA gặt hải được nhiều thuận lợi từ cắt giảm thuế quan do quy tắc xuất xứ để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định.
"Chính vì thế, trong nhiều năm qua, chúng ta đã liên tục chuẩn bị hoạt động sản xuất nguyên liệu mà sản xuất nguyên liệu thì vừa khó, vừa đầu tư lớn nhưng cùng với sự kích thích của các Hiệp định, thị trường mở lớn hơn nên cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư sản xuất nguyên liệu có đủ quy mô để an tâm trong đầu tư.
Điểm khác biệt nữa với EVFTA là được sự cộng dồn của các quốc gia đã có FTA với châu Âu, trong đó có quốc gia có sản xuất vải tương đối lớn là Hàn Quốc. Xuất xứ vải từ Hàn Quốc cũng đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải của Hiệp định mới, đây là điểm thuận lợi mà doanh nghiệp dệt may có sự chuẩn bị, liên kết với doanh nghiệp từ Hàn Quốc để chuẩn bị cho đơn hàng cho châu Âu được tốt hơn" - ông Trường nhận định.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu. |
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp đã lên kế hoạch liên kết chuỗi cung ứng trong nước, để tận dụng các lợi thế trong hiệp định, nhất là chứng minh quy tắc xuất xứ.
"Bản thân Tổng Công ty may 10 đã có bước chuẩn bị cho việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết, chúng tôi đã chuẩn bị dòng sản phẩm của may 10 đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải. Tổng Công ty May 10 chúng tôi kết hợp với các nhà cung ứng vải trong nước có thể sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng luôn để được giảm thuế…Đồng thời, chúng tôi cũng có các nhà cung cấp trong nước để kết hợp chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để có thể đảm bảo xuất xứ từ vải của Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào châu Âu" - ông Việt chia sẻ.
Hiệp định EVFTA sẽ giúp ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu. Song, bên cạnh các cơ hội được hưởng ưu đãi về thuế quan, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều thách thức khi các sản phẩm hàng hóa từ các nước nội khối tràn vào ngày càng nhiều, các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản trị nhân lực…
Vì thế, nếu các doanh nghiệp không đầu tư, nâng cao năng lực, không chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm đến từ các nước tham gia hiệp định./.
Từ khóa: EVFTA, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam, EU,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN