Ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Bắc Kạn tăng trưởng khá nhưng vẫn thiếu bền vững

Cập nhật: 3 ngày trước

VOV.VN - Ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Bắc Kạn đang có mức tăng trưởng khá ấn tượng nhưng vẫn thiếu tính ổn định, bền vững và chưa phát huy được hết giá trị của gỗ rừng trồng.

Bắc Kạn hiện có 243 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 36 cơ sở là doanh nghiệp, hợp tác xã; còn lại có tới 207 cơ sở là hộ gia đình. Do đó, sản phẩm sản xuất chủ yếu là đồ mộc dân dụng, ván dán, đũa gỗ, hạt gỗ, ván bóc, dăm gỗ. Sản lượng sản xuất ngành gỗ trong 11 tháng của năm 2024 cho thấy, mức tăng trưởng khá. Trong đó, gỗ bóc các loại đạt gần 39.000m3, tăng 54,69% so với cùng kỳ năm 2023; ván dán là 88.900m3, tăng 32,79%; giấy bìa các loại hơn 2.600 tấn, tăng 0,42% … Tuy vậy, sản lượng một số sản phẩm như gỗ dán, gỗ thanh hay sản phẩm thìa, đũa gỗ xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc diễn biến thị trường nước ngoài và thời tiết.

Mặt khác, dù ở giữa vùng nguyên liệu nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn phải mua gỗ và ván bóc nguyên liệu từ các địa phương khác, trong khi phần lớn gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn vẫn chỉ bán cho các xưởng băm, bóc thủ công và bán cho thị trường ngoài tỉnh. Nghịch lý này diễn ra nhiều năm qua do nguồn nguyên liệu tại tỉnh Bắc Kạn chưa đáp ứng các điều kiện về nguồn gốc đầu vào để xuất khẩu sang các thị trường lớn, đồng thời chưa tạo được mối liên kết bền chặt giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.

“Chúng tôi đã phối hợp các ngành, địa phương vùng trồng. Chúng tôi làm việc với ngành nông nghiệp xác định rõ vùng trồng phục vụ cho nhà máy, động viên nhân dân bán gỗ cho các nhà máy để sản phẩm có giá trị cao hơn, bởi khi xuất khẩu được giá trị cao hơn so bán gỗ tròn. Ngoài ra, cũng làm việc với các huyện để quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu và chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng, làm sao đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu phục vụ được cho thị trường xuất khẩu…”, ông Nguyễn Tiến Cương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết.

Hiện tỉnh Bắc Kạn có hơn 100.000ha rừng sản xuất, với sản lượng từ 300.000-350.000m3 gỗ nguyên liệu/năm. Dù đang là thế mạnh của kinh tế người dân, nhưng thực tế gỗ rừng trồng của Bắc Kạn cho giá trị còn thấp, người dân chủ yếu bán gỗ chưa đủ tuổi khai thác cho các xưởng băm, bóc thủ công dẫn đến lãng phí nguồn nguyên liệu.

Tỉnh Bắc Kạn đã có chủ trương phát triển rừng gỗ lớn cũng như hướng trồng rừng theo hướng bền vững, được cấp chứng chỉ phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, dự án cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đầu tiên tại huyện Chợ Mới với quy mô khoảng 900ha đã thất bại do doanh nghiệp không thực hiện theo cam kết. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn khẳng định, chủ trương này vẫn được tỉnh kiên quyết triển khai nhằm nâng cao giá trị rừng trồng.

“Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Bắc Kạn vẫn đặc biệt quan tâm và ưu tiên từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến dành nguồn lực để thực hiện các nội dung phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, làm sao đảm bảo diện tích rừng và rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững FSC. Nội dung này cũng đã nêu rất rõ trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Bắc Kạn đến năm 2035. Hiện nay, chúng tôi đã có một số đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đặt vấn đề, tiến hành rà soát, khảo sát thực hiện theo các quy chuẩn để được cấp chứng chỉ FSC", ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin.

Bắc Kạn đặt mục tiêu đến 2030 sẽ có khoảng 40.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đây sẽ là cơ sở quan trọng để gỗ rừng trồng của người dân Bắc Kạn có thể phát huy được giá trị, hiệu quả và có được chỗ đứng vững chắc tại các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu.

Từ khóa: chế biến gỗ, chế biến gỗ, công nghiệp chế biến gỗ, trồng rừng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: công luận/vov-đông bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan