Ngàn năm mây trắng: Vì sao rạp kín chỗ, nghệ sĩ được tặng những tràng vỗ tay không ngớt?

Cập nhật: 25/09/2019

"Ngàn năm mây trắng" cho thấy các loại hình nghệ thuật dân tộc có thể sống chung, phát huy hết vẻ đẹp cùa nó khi có một kịch bản văn học tốt.

Vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng" là vở thứ 7 của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ ở vai trò nhà viết kịch bản sân khấu. Trên văn bản kịch bản này, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam phối hợp dựng và diễn. Ba đêm diễn, duyệt rồi ra mắt khán giả luôn chật ních khán phòng và rõ ràng là gặt hái nhiều tràng vỗ tay tặng cho các nghệ sĩ.

Hơn một tiếng diễn, các nghệ sĩ sân khấu ba nhà hát đã cho khán giả thưởng thức một vở diễn mãn nguyện, hấp dẫn, tạo nên sự thống nhất nhịp nhàng trên một kịch bản sân khấu. Nhiều loại hình âm nhạc dân tộc đã được kết hợp nhuần nhuyễn, làm cho khán giả mãn nguyện thực sự.

Vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng". (Ảnh: Hà Phương)

Đặc tính chung của kịch bản Nguyễn Thế Kỷ bấy lâu nay đó là, ông tạo ra một văn bản kịch sân khấu tựa vào một vấn đề cốt lõi, hoặc sự kiện lịch sử, hoặc truyền thuyết trong lịch sử - tôi gọi là "khoảnh khắc lịch sử", để sáng tạo một câu chuyện dầy dặn, lắm lớp lang, lại mang giá trị tư tưởng mà ông muốn truyền tải.

Tôi gọi đó là cách cấu trúc hiện thực đời sống thành hiện thực văn học. Hiện thực văn học không chỉ tái hiện cái cốt lõi của hiện thực đời sống mà khi làm tốt sẽ dựng được hiện thực thời đại, nêu được tâm thế lịch sử, tâm thế thời đại. Thành công của Nguyễn Thế Kỷ gần đây đã thể hiện qua các vở "Ngàn năm mây trắng", "Hoa lửa Truông Bồn", "Hừng Đông", "Thầy Ba Đợi",...

Kịch "Hoa lửa Truông Bồn". (Ảnh: Hà Khánh)

Dựng vở "Ngàn năm mây trắng" lần này, sự tích Hòn vọng phu Tô Thị là câu chuyện trong truyền thuyết được tác giả giảm bớt tính bi thương trong cốt truyện cổ, chỉ giữ lại điều độc nhất là tâm thế chờ chồng (đi chiến trận) là ở niềm tin về tình yêu vốn bất tử, với thời đại hôm nay vẫn là chuyện không hề xưa cũ.

Người phụ nữ Việt có chồng ra trận, luôn ngóng chồng về. Nghe tin chồng mất vẫn hy vọng, tin vào tình yêu, lòng chung thủy, nghĩa phu thê. Tác giả dẫn khán giả đến với ba cảnh huống khác nhau, trên con đường mà người vợ đi tìm chồng. Từng cảnh huống ở ba trường đoạn khác biệt đều chứa đựng những thông điệp riêng nhiều ý nghĩa.

Tôi đánh giá cao cách viết này. Nó không chỉ tạo ra tính kịch, làm nên sự hấp dẫn cho khán giả, cũng từ xuất phát điểm ấy, nghệ thuật chèo, cải lương, hát xẩm, dân ca Huế cùng được phát huy trong một vở diễn, trên một sân khấu một cách hợp lý.

Những làn điệu đậm đà bản sắc nhất trong kho tàng âm nhạc Việt được hòa trộn trên sân khấu hài hòa, uyển chuyển, không khiên cưỡng. Đây là điểm sáng giá nhất của kịch "Ngàn năm mây trắng".

"Ngàn năm mây trắng" có sự kết hợp nhuần nhuyễn của các loại hình ca nhạc dân tộc.

Việc dựng tình như thế trong bối cảnh điển hình: Một đất nước liên miên có chiến tranh, người vợ Tô Thị tin ở tình yêu của chồng để đi tìm, tác giả đã đưa ra được những vấn đề chung nhất của phẩm cách người Việt và đặc tính phổ quát trong nhân cách của con người.

Các phẩm chất Việt của người đàn bà, của tráng sỹ ra trận bảo vệ đất nước, hơn lúc nào cần được khẳng định và nhắc lại.

Kịch bản Nguyễn Thế Kỷ còn có thế mạnh trong lời hát và lời thoại. Ngôn ngữ kể bằng thơ nuột nà, giàu tính thẩm mỹ cũng giúp cho các làn điệu dân ca biểu đạt hay hơn, có sức lay động hơn, qua sự thể hiện hết mình của các nghệ sĩ.

"Ngàn năm mây trắng" là cái tựa hay cho vở kịch hát, kể nàng Tô Thị vừa dân tộc vừa hiện đại. Những phẩm chất tốt đẹp của người Việt như vẻ đẹp bất tử của mây trắng, ngàn năm vẫn vậy.

"Ngàn năm mây trắng" đã công diễn thành công, đánh một dấu mốc trên sân khấu hiện đại, chứng tỏ rằng, các loại hình nghệ thuật dân tộc có thể sống chung, phát huy hết vẻ đẹp cùa nó khi có một kịch bản văn học tốt.

Vở kịch được tán thưởng bởi nhiều gương mặt gạo cội của cả ba nhà hát. Những vai chính và phụ đều rất thành công, giọng hát tuyệt vời, chạm vào trái tim khán giả, giữ công chúng ở lại đến phút cuối cùng.

Điểm cuối cùng tôi muốn nói tới sự chuyển mình của Nhà hát VOV. Lịch sử VOV - Nhà hát VOV bấy lâu nay vốn đã phát huy được tài năng cùa các nghệ sĩ trong địa hạt phát thanh. Năng lực tiềm ẩn trong họ, tài năng của các nghệ sĩ Nhà hát VOV chưa có nhiều đất để tỏa sáng ở các địa hạt khác. Hai năm nay, với nhiều cố gắng của tập thể Nhà hát VOV, anh em văn nghệ sĩ đã tổ chức nhiều hoạt động, cả dân tộc và hiện đại, dựng kịch... đã phát huy hết thế mạnh của nghề nghiệp nghệ sĩ.

Sự thành công của các hoạt động chủ động tiếp cận với công chúng, với đời sống nghệ thuật chứng tỏ hướng đi đúng, cần thiết cho một đoàn nghệ thuật tầm cỡ quốc gia.

Xin chúc mừng thành công của vở kịch mới "Ngàn năm mây trắng"./.

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả: Nhà văn Ngyễn Văn Thọ

Nguồn tin: R&D

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập