Nga trả đũa Ukraine bằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, phương Tây e ngại

Cập nhật: 22/11/2024

VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir V. Putin ngày 21/11 đã gửi tín hiệu cảnh báo phương Tây khi xác nhận nước này đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung mới vào Ukraine để đáp trả việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ và Anh tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Cảnh báo sắc lạnh tới phương Tây và Ukraine

Ông Putin khẳng định, Moscow có quyền tấn công cơ sở quân sự của các quốc gia "cho phép sử dụng vũ khí của họ nhắm mục đích vào các cơ sở của Nga".

Lời cảnh báo của ông Putin được đưa ra vài giờ sau khi quân đội Nga bắn một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào Ukraine – điều mà một số nhà quan sát cho là để cảnh báo Kiev và phương Tây. Mặc dù tên lửa này chỉ mang đầu đạn thông thường, nhưng việc sử dụng nó báo hiệu rằng Nga có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết.

Nga được cho là nhiều lần sử dụng lá bài hạt nhân để ngăn chặn phương Tây tăng cường viện trợ cho Ukraine. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên nước này bắn một tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào Ukraine. Theo giới phân tích, cuộc tấn công này có thể khiến xung đột leo thang nghiêm trọng hơn.  

Tổng thống Putin cho biết, vụ tấn công này là "cuộc thử nghiệm" thành công tên lửa đạn đạo tầm trung mới có tên là Oreshnik, nhằm đáp trả quyết định gần đây của chính quyền Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Theo giới chức Ukraine và phương Tây, Kiev đã sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) và tên lửa Storm Shadow của Anh tấn công Nga lần đầu tiên trong tuần này. Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và châu Âu đã cung cấp vũ khí và dành nhiều sự hỗ trợ khác cho Ukraine. Tuy vậy, cả Nga và phương Tây đều nỗ lực tránh một cuộc đối đầu trực tiếp, có thể dẫn tới hậu quả khôn lường, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Nhưng khi cuộc chiến ở Ukraine sắp bước sang năm thứ ba, những yếu tố nhằm ngăn chặn một cuộc đối đầu như vậy đang chịu sức ép lớn hơn bao giờ hết. Bà Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia nhận định: "Đây là một sự leo thang căng thẳng. Tôi cho rằng tình hình rất nguy hiểm".

Các quan chức phương Tây cho rằng, việc Nga sử dụng tên lửa tầm trung lấy từ kho vũ khí chiến lược của nước này là điều đáng chú ý bởi hầu hết mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine đều nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí thông thường mà Moscow thường xuyên sử dụng trong suốt cuộc chiến. Nhưng lần này, Nga đã phóng một tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, chủ yếu nhằm mục đích răn đe.

Theo giới phân tích, với động thái này, Nga có thể muốn gửi lời cảnh báo sắc lạnh tới Ukraine và các đối tác. Ông Fabian Rene Hoffmann, chuyên gia về vũ khí tại Đại học Oslo, lưu ý: "Điều mà Nga muốn nói có thể là: cuộc tấn công đêm 21/11 không mang theo vũ khí hạt nhân, nhưng nếu phương Tây tiếp tục vượt qua lằn ranh đỏ của Nga thì bất cuộc tấn công tiếp theo có thể sẽ là đầu đạn hạt nhân”.

Tranh cãi về loại vũ khí Nga sử dụng

Hiện đang có những cuộc tranh luận về loại vũ khí Nga đã sử dụng để tấn côn Ukraine hôm 21/11. Tổng thống Zelensky và không quân Ukraine ban đầu cho rằng đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một loại vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn km, trong đó có cả mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Theo giới chức Ukraine, tên lửa đã tấn công một cơ sở quân sự ở thành phố Dnipro, miền trung Ukraine song mức độ thiệt hại vẫn đang được đánh giá. Không quân Ukraine cho rằng tên lửa được phóng từ khu vực Astrakhan của Nga.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng vũ khí này dường như là tên lửa đạn đạo tầm trung, không phải ICBM. Ông Dimitri S. Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin nêu rõ, theo quy chế, Nga không bắt buộc phải thông báo trước cho Mỹ về vụ phóng tên lửa vì tên lửa Oreshnik không phải là tên lửa liên lục địa. Nhưng nước này vẫn gửi thông báo cho Mỹ khoảng 30 phút trước khi diễn ra vụ phóng. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng họ đã nhận được thông báo này.

Trong một tuyên bố vào hôm 21/11, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, Nga đã phóng "tên lửa đạn đạo tầm trung thử nghiệm” vào Ukraine. Theo đánh giá của phía Mỹ, Nga "chỉ có số lượng” tên lửa này và có thể đã sử dụng chúng để "đe dọa Ukraine cùng những nước ủng hộ”.

Ivan Kyrychevskyi, nhà phân tích quân sự của Defense Expressnhận định, hình ảnh vệ tinh về khu vực phóng cho thấy tên lửa được phóng từ một chiếc xe tải tại thao trường Kapustin Yar ở tỉnh ở Astrakhan, miền Nam nước Nga, từng là bãi thử tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom chiến lược và các loại vũ khí khác của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù các tên lửa khác mà Nga phóng vào Ukraine như Iskander và Kh-101 cũng có thể mang vũ khí hạt nhân nhưng điều khiến vụ tấn công lần này đáng lo ngại là tên lửa tầm trung này có khả năng bắn nhiều đầu đạn hạt nhân khi nó quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, ông Tom Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington đánh giá. Điều đó khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hoặc gần như không thể thực hiện được. Các tên lửa này khá lớn, có thể bay xa, cao và nhanh nhờ tốc độ siêu vượt âm.

Ông Karako lưu ý: “Vụ tấn công là lời đe dọa hạt nhân đối với cả Ukraine và châu Âu. Đó là một tín hiệu khá sắc bén".

Ông Roman Kostenko, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và tình báo tại Quốc hội Ukraine cho biết: “Ukraine sẽ không thay đổi chiến lược quân sự, đặc biệt là tấn công trả đũa các mục tiêu ở Nga để tự vệ sau cuộc tấn công ngày 21/11”. Nhưng Ukraine đã dừng sản xuất tên lửa hạt nhân từ năm 1991 và hiện giờ " không có bất cứ phương tiện nào để ngăn chặn loại vũ khí này", ông Roman Kostenko lưu ý.

Chính phủ Ukraine không công bố thông tin thiệt hại sau vụ tấn công của Nga vào các tài sản quân sự chiến lược của nước này, nhưng người dân dân địa phương cho rằng Nhà máy chế tạo máy PA Pivdenmash đã bị tấn công. Pivdenmash là nhà máy quốc phòng và hàng không vũ trụ được Liên Xô thành lập từ năm 1944, sau đó được chuyển giao cho Ukraine. Nhà máy này chuyên chế tạo tên lửa đẩy, tên lửa đạn đạo và nhiên liệu lỏng cho tên lửa, cũng như nhiều sản phẩm công nghiệp và phục vụ thị trường dân sự. Với tầm quan trọng như vậy, nơi đây đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công trong suốt cuộc chiến.

Hiện các quan chức Nga và phương Tây đang đấu khẩu về việc bên nào phải chịu trách nhiệm cho làn sóng leo thang gần đây. Trong khi Điện Kremlin đổ lỗi cho Washington vì phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ và châu Âu cung cấp tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga thì Nhà Trắng nói rằng chính hành động của Nga đã dẫn đến quyết định này, viện dẫn việc Moscow triển khai hàng nghìn binh binh sỹ Triều Tiên đến khu vực Kursk để đẩy lùi Ukraine.

Từ khóa: Ukraine, Nga, Ukraine, tên lửa đạn đạo liên lục địa, phương Tây, Nga cảnh báo Ukraine và phương Tây, vũ khí hạt nhân, Nga tấn công Dnipro bằng tên lửa mới,tên lửa siêu vượt âm

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hồng anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập