Lý do ông Trump muốn mua đảo Greenland và kiểm soát lại kênh đào Panama
Cập nhật: 14 giờ trước
8 sự kiện, vấn đề quốc tế năm 2024 do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bình chọn
Đánh giá đúng năng lực cán bộ để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đạt kết quả thực chất
VOV.VN - Tuyên bố của ông Trump về việc mua đảo Greenland và giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama hoàn toàn không mang tính chất “nói đùa” như khi ông gợi ý rằng Canada nên trở thành “bang thứ 51”của Mỹ và gọi Thủ tướng Canada là “Thống đốc Justin Trudeau”.
Trong vài ngày qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bày tỏ ý định mua lại hòn đảo Greenland cũng như giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, cho rằng làm như vậy có thể giải quyết tốt nhất những lo ngại về an ninh cũng như đảm bảo lợi ích thương mại của Mỹ.
Tuyên bố của ông Trump lần này hoàn toàn không mang tính chất “nói đùa” như khi ông gợi ý rằng Canada nên trở thành “bang thứ 51”của Mỹ và gọi Thủ tướng Canada là “Thống đốc Justin Trudeau” trên trang mạng xã hội.
Khi đề cử doanh nhân Ken Howery làm đại sứ Mỹ tại Đan Mạch – quốc gia kiểm soát các vấn đề đối ngoại và quốc phòng của Greenland, ông Trump nói rằng, đề nghị mà ông từng đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên về việc mua lại hòn đảo này có thể sẽ trở một thỏa thuận mà người Đan Mạch không thể từ chối trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông.
“Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, việc Mỹ có quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là rất cần thiết”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth ngày 22/12.
Không ngạc nhiên, chính quyền Greenland ngay lập tức từ chối yêu cầu của ông Trump, giống như khi ông từng đề xuất ý tưởng này vào năm 2019.
“Greenland là của chúng tôi, không phải thứ đem ra bán và không bao giờ bị bán. Chúng tôi sẽ không để thua trong cuộc đấu tranh lâu dài cho tự do", ông Mute Egede, lãnh đạo đảo Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, cho biết ngày 23/12.
Trước đó, hôm 21/12, ông Trump cáo buộc Panama về việc thu phí “cắt cổ” đối với tàu thuyền Mỹ khi đi qua kênh đào Panama và ám chỉ rằng nếu điều đó không thay đổi, ông sẽ từ bỏ hiệp ước thời Tổng thống Jimmy Carter, hiệp ước đã trả lại toàn bộ quyền kiểm soát khu vực kênh đào này cho Panama.
“Kênh đào đã được trao cho Panama và người dân Panama, nhưng nó có quy định. Nếu các nguyên tắc, cả đạo đức và pháp lý, của nghĩa cử cao đẹp này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại Kênh đào Panama cho chúng tôi, đầy đủ, nhanh chóng và không thắc mắc", ông Trump cảnh báo trên mạng xã hội Truth.
Trong một thông điệp do Tổng thống Panama Mulino công bố chiều 22/12, ông cho biết nền độc lập của Panama là không thể thương lượng. Ông cũng bảo vệ mức phí của Kênh đào Panama, nói rằng chúng được thiết lập công khai và minh bạch, có tính đến các điều kiện thị trường, cạnh tranh quốc tế, chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì, không phải “theo ý thích”.
Theo NY Times, lý do ông Trump muốn sở hữu Greenland là vì vị trí chiến lược của nó, đặc biệt là vào thời điểm băng ở Bắc Cực đang tan chảy, mở ra cơ hội mới trong cạnh tranh thương mại và hàng hải. Các nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm ở Greenland cũng rất cần thiết cho công nghệ tiên tiến của Mỹ.
Ông Trump đã bày tỏ mong muốn mua đảo Greenland từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Năm 2019, Hội đồng an ninh quốc gia đã đầu nghiên cứu chi tiết về cách Mỹ có thể thực hiện một vụ mua “bất động snr quy mô lớn” như vậy. Ông Trump cũng liên tục thúc đẩy vấn đề này với Đan Mạch, nhưng luôn bị từ chối.
Thực tế, ông Trump không phải là tổng thống đầu tiên của Mỹ có ý tưởng mua Greenland. Harry S. Truman từng muốn mua hòn đảo này sau Thế chiến II, như một phần trong chiến lược Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn lực lượng Liên Xô. Ông Trump có thể đưa ra một lập luận tương tự, đặc biệt là khi Nga, Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh để giành quyền kiểm soát các tuyến đường Bắc Cực cho vận tải thương mại và tài sản hải quân.
Các chuyên gia về Bắc Cực đánh giá ý định của ông Trump về Greenland là hoàn toàn nghiêm túc.
“Hiện tại không ai cho rằng đó là điều nực cười”, ông Marc Jacobsen, phó giáo sư tại Trường Đại học Quốc phòng Đan Mạch, chuyên nghiên cứu về an ninh Bắc Cực, cho biết.
Theo ông Jacobsen, Đan Mạch phản ứng giận giữ đối với đề xuất mới nhất của ông Trump. Tuy nhiên, người Greenland — những người đã lâu mong muốn độc lập — có thể tận dụng sự quan tâm của ông Trump như một cơ hội để tăng cường mối quan hệ kinh tế với Mỹ.
Greenland có quyền tuyên bố độc lập từ năm 2009, nhưng với diện tích rộng lớn và dân số khoảng 56.000 người, vùng đất này vẫn phụ thuộc nhiều vào Đan Mạch và chưa bao giờ lựa chọn con đường đó.
Sự quan tâm của ông Trump có thể tạo ra cơ hội cho Greenland thu hút thêm đầu tư từ Mỹ, bao gồm cả trong ngành du lịch hay khai thác khoáng sản quý hiếm, ông nói.
“Mỹ đã mua Alaska và đó hoàn toàn không phải là điều điên rồ? Việc Mỹ xây dựng Kênh Panama cũng vậy” bà Sherri Goodman, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và là học giả cấp cao tại Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington, bình luận.
Bà Goodman, cho rằng Mỹ thực sự có lợi ích lớn trong việc đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ hiện diện mạnh mẽ ở Greenland.
Còn về kênh đào Panana, ông Trump cho biết, ông sẽ không để Kênh đào này “rơi vào tay không đúng người”, đồng thời cảnh báo về ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc đối với tuyến đường này.
Kênh đào Panama được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Washington vào năm 1914 và tuyến đường thương mại này đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ kể từ đó. 70% hàng hóa đi qua kênh có nguồn gốc từ hoặc đến nước Mỹ.
Năm 1999, Mỹ chuyển giao toàn quyền kiểm soát kênh đào cho Panama theo hiệp ước năm 1977 được Tổng thống Jimmy Carter ký kết.
Tuy nhiên, ông Trump cho rằng quyết định của Tổng thống Carter là sai lầm.
“Khi Tổng thống Jimmy Carter dại dột trao nó với giá 1 USD trong nhiệm kỳ của ông ấy, thì chỉ có Panama quản lý chứ không phải Trung Quốc hay bất kỳ ai khác”, ông nói.
Từ khóa: Trump, Kênh đào Panama, Donald Trump, Jimmy Carter, Mỹ bàn giao kênh đào Panama,đảo Greenland
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN