Nga cho phép Mỹ thanh sát tên lửa có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng không
Cập nhật: 28/09/2022
Xe tăng Abrams của Ukraine bốc cháy sau đòn tập kích UAV ở Kursk
Vì sao xe tăng Leopard của Ukraine vẫn sống sót dù bị UAV Nga bắn phá ác liệt?
VOV.VN - RIA Novosti ngày 22/9 đưa tin, Nga sẽ cho phép các chuyên gia Mỹ thanh sát tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng hạt nhân RS-28 Sarmat (Satan-2) vào tháng 2/2024.
Thông tin này đánh dấu một động thái giảm leo thang căng thẳng hiếm hoi giữa hai bên khi quan hệ Nga-Mỹ ngày càng xấu đi liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Nga và Mỹ đã gia hạn một phần của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START hoặc START III) vào đầu năm 2021 sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Hiệp ước New START giới hạn Nga và Mỹ chỉ được phép có 1.550 đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo liên lục địa, triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng có trang bị vũ khí hạt nhân. Trong khuôn khổ hiệp ước, hai bên có thể tiến hành tối đa 18 cuộc kiểm tra các cơ sở vũ khí hạt nhân chiến lược hàng năm để xác minh xem phía bên kia có tuân thủ các giới hạn của hiệp ước hay không.
Đầu tháng 9 này, chính quyền Tổng thống Biden kêu gọi cần phải khôi phục lại các hoạt động kiểm tra vũ khí, biến nó thành điều kiện để thay thế hiệp ước này bằng hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mạnh mẽ hơn. Hãng tin WION trích dẫn thông tin từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: Bước đầu tiên là nối lại việc thanh sát vũ khí theo Hiệp ước New START và chúng tôi đang làm việc với phía Nga để đạt được mục tiêu đó”. Việc thành sát đã bị gián đoạn suốt 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.Ông Vladimir Degtyar, nhà thiết kế chính kiêm Giám đốc điều hành của Viện thiết kế tên lửa Makeyev, cho rằng tên lửa Sarmat sẽ “rời khỏi silo trong bất cứ điều kiện nào và hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả 100%”. Về thông số kỹ thuật Sarmat có chiều dài 35,3m, nặng 220 tấn có tầm bắn gần 18.000 km và mang theo từ 10 -15 đầu đạn đa đầu hướng tiếp cận độc lập (MIRV) có sức công phá 50 megaton.
“Hệ thống điều khiển đường bay của Sarmat có khả năng điều chỉnh quỹ đạo thông qua GLONASS, giúp đảm bảo độ chính xác của mục tiêu cao, kể cả sau khi bị tên lửa phòng không tác động”, ông Degtyar giải thích. Do có tầm bay 18.000 km, tên lửa Sarmat có thể vươn đến hầu hết mọi địa điểm trên Trái Đất.
Theo ông Vladimir Degtyar, với hiệu suất bay vượt trội và tính năng công nghệ hiện đại được tích hợp trong quá trình chế tạo, Sarmat được coi là “lá chắn bất khả xâm phạm trong răn đe hạt nhân và đảm bảo hòa bình”.
Quan chức này cho biết, hầm chứa Sarmat có cấu trúc kỹ thuật vô cùng phức tạp, giúp bảo vệ tên lửa trước các cuộc tấn công thông thường và hạt nhân. Sarmat được cho là có thể bay theo nhiều quỹ đạo khác nhau, đồng thời mang theo một số đầu đạn siêu thanh Avangard được thiết kế để xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có.
Trong khi các nhà bình luận phương Tây cáo buộc Nga đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân, các quan chức Nga tuyên bố họ sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có mối đe dọa hiện hữu với quốc gia này, ý nói đây sẽ không phải là vũ khí được lựa chọn đầu tiên trong một cuộc chiến tranh. Điều này cũng được phản ánh trong tuyên bố của Degtyar, khi ông nói rằng Sarmat sẽ đảm bảo an ninh cho Nga, chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài trong vòng 40 đến 50 năm tới.
RIA Novosti xác nhận, Nga sẵn sàng cho phép các chuyên gia của Mỹ thanh sát tên lửa này vào tháng 2/2024. Theo kế hoạch Sarmat sẽ sớm được biên chế cho lực lượng tên lửa chiến lược, thay thế cho tên lửa RS-20V Voevoda có từ thời Liên Xô mà NATO gọi là " Satan". Nga đã phóng thử thành công tên lửa Sarmat lần đầu tiên vào ngày 20/4 vừa qua từ sân bay vũ trụ Plesetsk thuộc vùng Arkhangelsk.
Nhà máy Krasmash của Nga - đơn vị sản xuất Sarmat đã có kế hoạch thực hiện quy trình cho phép Mỹ thanh sát tên lửa RS-28.
RIA Novosti cho biết: “Đoàn kiểm tra của Mỹ sẽ được quan sát tên lửa hoàn chỉnh không có đầu đạn, phương tiện vận chuyển và bệ phóng của nó. Trong quá trình kiểm tra, các phép đo sẽ được thực hiện bằng thước dây, lực kế... ngoài ra còn có 20 bức ảnh màu về tên lửa này”.
Hồi đầu tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo xác nhận, Nga vẫn tuân thủ hiệp ước New START: “Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng Nga đã tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước New START, bất chấp việc nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine”.
“Điều đó được chứng minh bằng cuộc trao đổi dữ liệu gần đây nhất trong khuôn khổ hiệp ước và việc Nga thông báo trước cho Mỹ về vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mang khả năng hạt nhân mới Sarmat vào ngày 20/4”./.
Từ khóa: tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, tên lửa có khả năng hạt nhân RS-28 Sarmat, hệ thống phòng không, hiệp ước new start, nga cho phép mỹ thanh sát tên lửa sarmat
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN