Nét đẹp rất riêng của Yên Tử mùa Thu
Cập nhật: 22/11/2020
VOV.VN - Mùa thu Yên Tử nơi Phật hoàng xuất gia tu hành và hóa Phật còn là mùa của tâm linh hướng thượng, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Yên Tử không chỉ nổi tiếng về thắng cảnh đẹp, hùng vỹ của rừng già hơn 700 tuổi mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc dưới triều đại nhà Trần khi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) - vị vua từ bỏ ngai vàng, lên núi tu hành, sáng lập ra dòng thiền Trúc lâm Yên Tử mang bản sắc dân tộc Việt. Hơn 7 thế kỷ đã qua, những tư tưởng, triết lý nhân sinh về Phật giáo nhập thế vẫn còn thiết thực, đánh thức nhiều trái tim, làm việc thiện, ý nghĩa.
Để lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc này, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức chuỗi hoạt động về miền phúc địa Yên Tử kéo dài hơn 1 tháng như lời mời gọi du khách, phật tử về chốn thiêng để cảm nhận những di sản văn hóa riêng có của vùng đất Phật vào thu.
Mùa thu, Yên Tử khoác lên mình chiếc áo nhuốm màu thời gian với những sự kiện quan trọng gắn với khánh đản, ngày xuất gia và nhập niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Mùa thu Yên Tử nơi Phật hoàng xuất gia tu hành và hóa Phật còn là mùa của tâm linh hướng thượng, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Xuân thu nhị kỳ, người Việt Nam có tập tục đi lễ chùa vào mùa xuân và mùa thu. Bởi 2 mùa này, trời đất giao hòa, thời tiết đẹp lòng người an nhàn, thanh thản hơn. Năm nay, tỉnh Quảng Ninh tổ chức kích cầu du lịch vào đúng mùa thu, tăng ni Phật giáo rất vui đồng hành với tỉnh để kích cầu du lịch và tưởng tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông”.
Khác với sự xô bồ, náo nhiệt trong không gian lễ hội mùa xuân, Yên Tử vào thu sâu lắng, trầm mặc. Tiếng kinh cầu quốc thái dân an vẳng lên từ các ngôi chùa cũng gợi cho Phật tử và du khách hành hương về Yên Tử với những cảm nhận khác lạ.
“Đến với Yên Tử mỗi mùa sẽ có vẻ đẹp riêng nhưng đến Yên Tử mùa thu thì vừa nắng ấm, vừa mát mẻ, không trơn trượt và không có sương mù bị chắn nên có thể ngắm quang cảnh tốt hơn” - Anh Lâm Phú Cường – TP HCM cho biết.
Chị Đào Thị Liên, Đông Triều- Quảng Ninh chia sẻ, “Mùa xuân chúng tôi đi nhộn nhịp, ấm áp vui tươi hơn nhưng mùa thu thì lại khác. Đây lần đầu tiên tổ chức vào mùa thu, chúng tôi về đây dự lễ Phật thấy xúc động. Chúng tôi học được tư tưởng sự vị tha, hiếu hạnh của ngài và mong con cháu san sẻ yêu thương và hướng về điều thiện”.
Những vườn tháp cổ trong khuôn viên Huệ Quang Kim Tháp - trái tim của non thiêng Yên Tử rêu phong dưới nắng vàng. Hàng Đại hơn 700 tuổi trước chùa Hoa Yên trút lá, trơ cành khẳng khiu chờ tiết trời xuân ấm áp bung hoa nở nhụy đúng như tinh thần vượt qua khổ hạnh của đạo Phật để chờ đón an yên.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển Tùng Lâm cho biết: “Đặc biệt là sản phẩm du lịch Đêm hội Làng Nương chúng tôi tổ chức được từ 20-21h tối hàng ngày tái hiện lại những bài múa như Bài Bông có từ thời nhà Trần. Chúng tôi đưa vào một sản phẩm mới, đó là khu chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp y học cổ truyền lấy tên là Am Tuệ tĩnh - mô phỏng không gian Hồn Việt, nét Trần, tinh thần Trúc Lâm, sử dụng những dược liệu, những cây thuốc chữa bệnh trên đỉnh núi thiêng Yên Tử, hứa hẹn mang lại những giá trị từ dưỡng tâm và cả dưỡng thân khỏe mạnh, thanh tịnh”.
Những đường Tùng cổ hơn 700 tuổi, những vườn am, tháp với kiến trúc nghệ thuật thời Trần cùng những di tích khảo cổ đại diện văn hóa của một triều đại rực rỡ đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhìn nhận, nghiên cứu và xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Gần đây nhất, Bộ VHTTDL vừa có Văn bản gửi UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang triển khai xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử kéo dài từ Bắc Giang, Quảng Ninh tới Hải Dương trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc - UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết những giá trị về tự nhiên và văn hóa của Yên Tử cần được đánh giá đúng tầm để được bảo vệ và phát huy những giá trị không phải nơi đâu cũng có.
“Tôi thấy ấn tượng với không gian nơi đây. Một địa danh đẹp được bao quanh núi, rừng già và rất linh thiêng. Những giáo lý của Phật Hoàng sáng lập nhiều năm trước đã gắn liền với nhiều giá trị mà USNESCO đang thúc đẩy đó là giá trị về hòa bình, nhân văn và lòng bao dung nhất là những giáo lý của ngài về tình đoàn kết dân tộc luôn còn tính thời sự, rất thiết thực và Việt Nam cần gìn giữ vì đây là một di sản không phải nơi đâu cũng có được” - Ông Michael Croft bày tỏ.
Yên Tử đã khác so với nhiều năm về trước, hoành tráng, quy mô và được đầu tư bài bản để phát triển du lịch. Yên Tử bây giờ là của bốn mùa, không chỉ là ban ngày với các hoạt động ngắm cảnh, chiêm bái lễ phật mà còn nhiều công trình kiến trúc có thể tổ chức các hội nghị quốc tế, các hoạt động văn hóa, nghỉ dưỡng về ban đêm, trải nghiệm cuộc sống dưới chân núi thiêng. Đó cũng là cách hậu thế duy trì và làm mới những giá trị tư tưởng, những di sản văn hóa vốn là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng./.
Từ khóa: Yên Tử, Mùa thu Yên Tử, Yên Tử vào thu
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN