Né được hạn mặn, người dân ĐBSCL thắng lợi lớn trong vụ lúa Đông Xuân

Cập nhật: 24/03/2021

VOV.VN - Theo báo cáo của Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 ở ĐBSCL thắng lợi về mọi mặt, né được hạn, mặn, giá lúa cao và xuất khẩu ổn định.

Đây là một trong những nội dung được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại Hội nghị sơ kết sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2020 – 2021, kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Thu Đông, vụ mùa các tỉnh vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL vừa diễn ra sáng nay 24/3 tại thành phố Cần Thơ. 

Theo báo cáo của Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 tại các tỉnh, thành vùng Nam bộ được xuống giống sớm từ tháng 10/2020, diện tích xuống giống ở các địa phương ven biển sớm để né hạn, mặn. Vụ lúa sản xuất trong bối cảnh tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa cao và xuất khẩu gạo ổn định.

Theo Cục trồng trọt, do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn diện tích lúa Đông Xuân giảm khoảng 30.000ha. Trong đó, tỉnh Tiền Giang 6.000ha, Trà Vinh 2.000ha, Vĩnh Long giảm 5.000ha do chuyển đổi cây trồng, Kiên Giang giảm 5.000ha, Sóc Trăng giảm 8.000ha và Đồng Tháp gieo muộn 4.000ha chuyển sang vụ Hè Thu.

Chủ động lịch thời vụ né hạn, mặn

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2020- 2021 toàn vùng Nam bộ gần 1,6 triệu ha, năng suất ước đạt trên 7 tấn/ha. Trong đó, khu vực ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha và cơ cấu giống theo các tiểu vùng sinh thái, giống thơm, chất lượng cao tăng để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Diện tích cánh đồng lớn khoảng 160.000ha, mỗi ha tham gia cánh đồng lớn giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng tăng từ 20 đến 25%.

Phó Cục trưởng Cục trồng trọt - ông Lê Thanh Tùng cho rằng, trước những diễn biến của hạn, mặn đã được dự báo nhưng diện tích lúa Đông Xuân ở ĐBSCL không bị ảnh hưởng vẫn cho năng suất cao và thắng lợi là nhờ sự chủ động về lịch thời vụ và cảnh báo sớm đến người dân.

"Cơ cấu giống phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thậm chí chúng ta cắt bỏ đi những diện tích mà không đảm bảo an toàn về nguồn nước. Như vậy những yếu tố đó cho thấy dù xâm nhập mặn có nhiều hơn, tuy nhiên năm nay chúng ta thấy có thiệt hại gì về cả cây lúa cũng như cây trồng khác" - ông Lê Thanh Tùng cho biết.

Phát huy hiệu quả của công trình thủy lợi

Vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 thắng lợi về mọi mặt, né được hạn, mặn giống lúa phù hợp với thực tế sản xuất, giá bán cao và thị trường xuất khẩu ổn định, đây là tín hiệu vui đối với người dân ĐBSCL.

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, để vụ lúa Đông Xuân sản xuất trong điều kiện an toàn, tránh được hạn mặn, Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị đã rà soát sắp xếp thời vụ, mùa vụ kịp thời, hợp lý cho những vùng có nguy cơ hạn, mặn và đề ra các biện pháp ứng phó một cách cụ thể.

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, các công trình chống hạn, xâm nhập mặn được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng và vận hành phù hợp với thực tế đã góp phần tạo nên thắng lợi của vụ lúa Đông Xuân.

"Các công trình thủy lợi vừa rồi, nhất là những công trình mới đây đẩy nhanh tiến độ thì đưa được hiệu quả rất là lớn cho việc né mặn trong thời gian vừa qua. Và đặc biệt trong thời gian tới các công trình này tiếp tục phát huy kinh nghiệm như thời gian vừa qua, và qua quá trình vừa rồi Tổng Cục đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ xây dựng quy trình vận hành rất là sớm, đưa vào vận hành cho kịp thời" - Lương Văn Anh cho biết.

Vụ lúa Đông Xuân thắng lợi toàn diện

Năng suất lúa Đông Xuân cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, giá bán ổn định người dân có lãi trên 50%. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương xuống giống vụ lúa Đông Xuân hơn 77.000 ha, năng suất đạt 7,6 tấn/ha, các giống lúa chủ yếu đặc sản, thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

"Đến giờ phút này thành phố Cần Thơ đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất cao nhất từ trước đến nay trong nhiều năm qua, lợi nhuận của bà con trồng lúa trong vụ này đạt tối thiểu trong vụ này từ 45% trở lên, việc tiêu thụ có nhiều thuận lợi. Có thể nói Đông Xuân năm nay bà con thu hoạch và tiêu thụ đạt kết quả tốt nhất", ông Hè chia sẻ.

Vùng ĐBSCL đã thu hoạch hơn 1 triệu ha lúa Đông Xuân, năng suất ước đạt 7 tấn/ha, giá bán cao, xuất khẩu ổn định, đây là vụ lúa thắng lợi toàn diện.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, diện tích lúa Đông Xuân giảm nhưng năng suất vẫn cao hơn vụ trước, đặc biệt là lợi nhuận của người dân tăng cao. Cơ cấu giống lúa thơm, chất lượng đạt từ 80 đến 85% nên giá bán cao. Trong vụ Hè Thu giống lúa thơm, chất lượng vẫn được ưu tiên, theo tín hiệu thị trường, theo nhu cầu và bố trí hợp lý giống lúa nếp và lúa để chế biến.

Ông Lê Quốc Doanh cho biết thêm: "Phải nói là một năm được toàn diện, năng suất, giống lúa chất lượng cao, giá bán cao, đem lại lợi nhuận cho người dân. Năm nay diện tích lúa giảm đi là do xu hướng, để chuyển cho các ngành kinh tế khác, nhưng bù lại thi năng suất lại tăng gần 2,4 tạ trên/ha; Nên, dù diện tích giảm nhưng sản lượng tăng xấp xỉ gần 150.000 tấn. Đặc biệt năm nay mục tiêu kép thể hiện rất đồng bộ".

Theo kế hoạch, vụ Hè Thu 2021, toàn vùng Nam bộ sẽ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha. Trong đó, vùng ĐBSCL khoảng 1,5 triệu ha, và vùng Đông Nam bộ khoảng 88.000 ha.

Vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021 thắng lợi toàn diện, không chỉ về năng suất mà chất lượng lúa được nâng cao nhờ cơ cấu giống phù hợp, giá bán ổn định và thị trường xuất khẩu nhiều khởi sắc đã góp phần thắng lợi vụ Đông Xuân vùng ĐBSCL, đặc biệt là lợi nhuận của người dân tăng cao./.

Từ khóa: vụ lúa đông xuân, giá lúa, lúa gạo, xuất khẩu gạo, người dân ĐBSCL được vụ lúa Đông Xuân

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập