Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi NATO đối phó Trung Quốc sau loạt lệnh trừng phạt
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 23/3 khẳng định cam kết hợp tác với NATO, ngay sau khi các nước phương Tây đồng loạt áp đặt lệnh trừng phạt với Trung Quốc.
NATO và những bài toán khó giải
Cập nhật: 01/04/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Hồi đầu tháng 3/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố “Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời”. Theo đó, quan điểm “các liên minh trở lại” đã chính thức “hồi sinh” Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, tổ chức này vẫn đang phải đối mặt với những bài toán khó như: Tương lai của Liên minh, “cài đặt” lại quan hệ với Mỹ, rút quân khỏi Afganistan, những thách thức của Nga và Trung Quốc.
Từ hóa giải những vấn đề nội bộ…
Một loạt vấn đề nóng, vốn đã bị ngưng trệ trong suốt thời gian dài do đại dịch Covid-19 và sự chuyển giao chính quyền ở Mỹ. Sau cuộc họp trực tuyến các bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 17/2 và hội nghị cấp ngoại trưởng NATO trong 2 ngày 23 và 24/3. Giới quan sát cho rằng, NATO sẽ có bước chuyển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đang có nhiều bài toán khó bề hóa giải.
Trong các cuộc gặp gần đây nhất đã đánh dấu bước chuyển giai đoạn của liên minh quân sự này khi Mỹ điều chỉnh quan điểm và sự nỗ lực của các thành viên khác, khiến sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ liên minh bước đầu được khôi phục. Tuy nhiên, tình trạng “bằng mặt, chưa bằng lòng” trong nhiều vấn đề vẫn tồn đọng.
Trong khi Mỹ, quốc gia lãnh đạo liên minh coi cả Nga và Trung Quốc là những thách thức và nguy cơ an ninh lớn nhất mà các thành viên NATO cần phải cùng nhau đối phó. Tuy nhiên, các thành viên NATO khác lại có những cách thức đối phó với Nga và Trung Quốc dựa trên lợi ích chiến lược của mỗi nước, không hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, nhưng vẫn tiếp tục làm cho Mỹ khó xử với việc mua tên lửa S-400 của Nga bất chấp cảnh báo của Mỹ và gây xích mích với Hy Lạp. Một số thành viên khác lại bất đồng quan điểm với Mỹ về vấn đề dân chủ, nhân quyền; dự án Nord Stream 2 và cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran...
Mặt khác, vấn đề chi tiêu ngân sách quốc phòng đồng đều ít nhất 2%/GDP được khơi dậy từ thời cựu Tổng thống Mỹ D. Trump; vấn đề NATO bảo vệ EU và việc châu Âu xây dựng quân đội riêng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì thế, Tổng thư ký NATO đưa ra nhận xét, hơn 90% công dân EU sống ở các quốc gia thành viên NATO, song các nước này chỉ đóng góp 20% chi tiêu quốc phòng của NATO.
Đến “cài đặt lại” quan hệ với Mỹ…
Khác với các bình luận mang tính đối đầu và chỉ trích như dưới thời cựu Tổng thống Trump, các quan chức quốc phòng Mỹ hiện nay có quan điểm tích cực và xây dựng hơn trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách mà NATO đang đối mặt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin được cho là sẽ tập trung vào việc cố gắng khôi phục mối quan hệ của Mỹ-EU, đồng thời đảm bảo cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ mong muốn thiết lập lại quan hệ Mỹ-NATO. Ông nói: “Không thể phủ nhận rằng trong 4 năm qua, Mỹ và NATO đã phải đối mặt với một số thời điểm thử thách và có các cuộc thảo luận khó khăn với cựu Tổng thống D. Trump. Tôi nghĩ rằng, việc bắt đầu lại để làm cho NATO mạnh mẽ hơn, nằm trong lợi ích an ninh của cả châu Âu và Mỹ”.
Cùng với các Hội nghị Bộ Trưởng Quốc phòng, Ngoại giao của NATO, Hội nghị Thượng đỉnh 27 nước EU qua cầu truyền hình, ngày 25/3 vừa qua, có sự tham gia của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, được coi như một cơ hội để EU và Mỹ “xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương” vốn suy yếu dưới thời chính quyền D. Trump.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, không phải quan hệ Mỹ-châu Âu sẽ hoàn toàn suôn sẻ. Trong cuộc gặp với đồng nhiệm Đức Heiko Maas vào ngày 23/3 tại Bruxelles, ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nhấn mạnh lập trường phản đối của Washington đối với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Rút quân khỏi Afghanistan…
Cả NATO và Mỹ hiện đang phải đối mặt với một vấn đề mà chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng là, làm sao rút quân khỏi Afghanistan mà không khiến quốc gia này một lần nữa trở thành “thiên đường” của chủ nghĩa khủng bố. Theo kế hoạch trước đó, thì Mỹ sẽ rút khoảng 2.500 binh sĩ còn lại ở Afghanistan về nước trước ngày 1/5 tới.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, sẽ rất khó để Washington có thể đáp ứng thời hạn chót nói trên. Trong khi đó, Taliban đã phát đi lời cảnh báo về hậu quả nếu Mỹ không đáp ứng thời hạn rút quân đã được thỏa thuận nói trên.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “NATO có khoảng gần 10.000 quân ở Afghanistan; đa số đến từ các nước đồng minh và đối tác, không phải từ Mỹ. Chúng ta chưa đưa ra quyết định cuối cùng về sự hiện diện của các lực lượng của mình. Nhưng chúng ta quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho binh lính của chúng ta”.
Ông Stoltenberg nói thêm: “Khi dần tiến về phía trước, chúng ta sẽ phải cùng nhau đưa ra quyết định và cùng nhau hành động dựa trên nguyên tắc: Chúng ta (tức NATO) đã cùng nhau đến, chúng ta cùng nhau điều chỉnh sự hiện diện của mình ở Afghanistan và khi đến lúc, chúng ta sẽ cùng nhau ra đi”. Theo giới chuyên gia, đây cũng là phép thử hợp tác lớn và khó khăn nhất trong quan hệ Mỹ-NATO.
Và mở rộng không gian chiến lược
Theo “Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030” - một tham vọng lớn để xây dựng khối này trở thành một liên minh vững mạnh. Theo đó, 3 mục tiêu cốt lõi cần phải quan tâm đó là: Tăng cường sự đoàn kết và gắn bó của đồng minh, đồng thời củng cố vị trí trung tâm của mối liên kết xuyên Đại Tây Dương; tăng cường tham vấn và phối hợp chính trị giữa các nước trong NATO; và tăng cường vai trò chính trị của NATO cũng như các công cụ liên quan để giải quyết các mối đe dọa hiện tại và tương lai.
Về không gian chiến lược, ngoài hai định hướng đã được xác định trước đây (Đông tiến và chống IS), nay NATO mở rộng hợp tác với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là các nước có cùng chí hướng với NATO như: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Về đối tượng chiến lược NATO có thể sẽ xác định cả hai nước lớn là Nga và Trung Quốc. Với Nga, là đối tượng tác chiến chủ yếu trên chiến trường châu Âu, điều này ngày càng được khẳng định, nhất là từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Theo đó, phương châm “vừa răn đe, vừa đối thoại” có thể sẽ được áp dụng.
Việc NATO tiếp tục mở rộng không gian tác chiến sang Châu Á-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn đối thủ thứ hai là Trung Quốc đang đòi hỏi “NATO phải dành nhiều thời gian, nguồn lực chính trị và hành động nhiều hơn nữa trước các thách thức an ninh được Trung Quốc đặt ra”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chiến lược đầy tham vọng của NATO có thể mới chỉ ở cấp độ ý tưởng, bởi còn nhiều yếu tố mang tầm chiến lược vẫn chưa được làm rõ. Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói: “Chúng ta (tức NATO) cần ngồi lại với nhau để xem có thể mở rộng và tăng cường hợp tác bằng cách nào, chẳng hạn như, hợp tác trong trao đổi thông tin và cùng tham gia vào những hoạt động..."./.
Từ khóa: NATO, Mỹ, liên minh quân sự, đồng minh, tổng thống Biden
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN