Năng lực phòng thủ của Ukraine gia tăng nhờ hệ thống phòng không phương Tây

Cập nhật: 10/11/2022

VOV.VN - Khi Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Ukraine, làm hư hại tới 40% cơ sở năng lượng của nước này, Ukraine có thể sớm tăng cường khả năng phòng thủ nhờ vào vũ khí mới do phương Tây cung cấp.

Ngày 7/11, Ukraine đã nhận được hệ thống phòng không NASAMS đầu tiên từ Mỹ và hệ thống Aspide từ Tây Ban Nha.

“Các hệ thống phòng không NASAMS và Apside đã tới Ukraine. Những vũ khí này sẽ gia tăng đáng kể năng lực của quân đội Ukraine và giúp bầu trời của chúng tôi an toàn hơn. Cảm ơn các đối tác của chúng tôi: Na Uy, Tây Ban Nha và Mỹ”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov chia sẻ trên Twitter sau khi nhận được hỗ trợ quân sự.

Đợt chuyển giao vũ khí cho Ukraine hôm 7/11 diễn ra vài tuần sau khi nước này nhận được 4 hệ thống phòng không Iris-T đầu tiên từ Đức. IRIS-T được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới, với khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa 40km, độ cao 20km.

Tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề nghị các nhà lãnh đạo của các quốc gia G7 hỗ trợ nhiều hơn về phòng không, sau các cuộc không kích của Nga. Ông Zelensky nói họ phải làm “mọi thứ có thể và không thể” để bảo vệ bầu trời Ukraine.

Hệ thống NASAMS và Aspide hoạt động như thế nào?

Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) là hệ thống phòng không tầm trung có thể xác định, tấn công và tiêu diệt máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và các phương tiện bay không người lái, cũng như bảo vệ các tài sản có giá trị cao và các trung tâm dân cư lớn trước các mối đe dọa không đối đất.

Hệ thống NASAMS sẽ phát hiện ra mối đe dọa, sau đó sẽ phóng tên lửa”, Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

NASAMS được tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon và hãng quốc phòng Kongsberg của Na Uy phát triển từ những năm 1990. Các hệ thống này đã được triển khai để bảo vệ Washington DC khỏi các mối đe dọa từ trên không kể từ năm 2005.

NASAMS được trang bị 3 bệ phóng đa nhiệm vụ, mỗi bệ phóng mang 6 tên lửa sẵn sàng khai hỏa. NASAMS có thể được sử dụng như bệ phóng cố định trên mặt đất hoặc gắn trên các xe tải quân sự.

Trong khi đó, Aspide là hệ thống phòng không tầm trung. Aspide do công ty Selenia của Italy sản xuất vào những năm 1970, chủ yếu trang bị cho Lực lượng vũ trang Italy.

Hệ thống phòng không Aspide giúp bảo vệ các căn cứ quân sự cũng như vô hiệu hóa các mối nguy hiểm trên không. Đặc biệt, hệ thống Aspide hiệu quả trong việc tiêu diệt mục tiêu bay thấp, chẳng hạn như máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 của Iran.

Loại tên lửa sử dụng cho hệ thống phòng không này là Aspide 2000, có trọng lượng 220kg, trong đó phần đầu đạn dài 3,72m, đường kính 234mm. Tốc độ tối đa khi bay của Apside có thể đạt Mach 4 (hơn 1.370 km/h), và tầm bắn hiệu quả đạt 25km.

“Những hệ thống này sẽ tăng cường năng lực quốc phòng tổng thể của Ukraine”, ông Karako nói về sự hỗ trợ quân sự Ukraine vừa nhận được.

NASAMS và Aspide hiện được xem là phương án tối ưu nhất cho Ukraine. Hai hệ thống vũ khí này có thể giúp Ukraine đối phó với các cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái cảm tử của Nga.

Các chuyên gia phương Tây cho rằng, các hệ thống như NASAMS và Aspide là bước tiến đáng kể so với những tên lửa phòng không vác vai mà NATO viện trợ cho Ukraine trong thời gian qua.

Các hệ thống này có thể bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine?

Trong khi các hệ thống này hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy, ông Karako cho biết khu vực phòng thủ được bao phủ bởi NASAMS và Aspide sẽ “khá khiêm tốn” và một số ít bệ phóng không thể bảo vệ toàn bộ Ukraine.

“Điều tôi muốn nói là mọi thứ đều hữu ích và hệ thống phòng không là một trong những ưu tiên cao nhất của Ukraine đối với quốc phòng. Ukraine không chỉ cần thêm bệ phóng mà còn cần nhiều đạn dược hơn. Đây là điều đã giúp Nga nắm giữ ưu thế trên không”, chuyên gia Karako cho biết.

Theo một báo cáo do RUSI, tổ chức tư vấn an ninh và quốc phòng của Anh, công bố hôm 7/11, hệ thống phòng không của Ukraine hiện đang bắn hạ phần lớn máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất và khoảng một nửa số tên lửa hành trình của Nga bằng cách sử dụng tên lửa đất đối không, tên lửa không đối không phóng đi từ chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa phòng không di động vác vai MANPADS.

Tuy nhiên, máy bay không người lái và tên lửa của Nga vẫn vượt qua được hàng phòng thủ hàng không Ukraine. Các cuộc tấn công từ Nga đã khiến khoảng 1/3 cơ sở hạ tầng về điện ở Ukraine hư hỏng nặng nề. Theo đó, tình trạng mất điện xảy ra trên diện rộng, trong đó bao gồm cả thủ đô Kiev.

Báo cáo của RUSI cho biết thêm, nếu các quốc gia thành viên NATO tiếp tục hỗ trợ quân sự gồm đạn dược và bệ phóng tên lửa, Ukraine có thể bảo vệ các cơ sở hạ tầng năng lượng còn lại và tiến hành sửa chữa những nơi bị hư hại.

“Với tình trạng mất điện liên tục đã ảnh hưởng đến phần lớn đất nước và thời tiết đang trở nên lạnh giá hơn, tính cấp thiết của những yêu cầu này là không hề phóng đại”, tổ chức RUSI cho hay.

Tuy nhiên, một số quốc gia phương Tây tỏ ra thận trọng trong việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh như vậy, do lo ngại Tổng thống Vladimir Putin sẽ có những phản ứng mạnh mẽ.

RUSI cảnh báo rằng Ukraine có thể cạn kiệt vũ khí phòng không và cần tiếp tục được hỗ trợ. “Phương Tây phải tránh tự mãn về sự cần thiết phải tăng cường khẩn cấp năng lực phòng không cho Ukraine”, báo cáo của RUSI cho biết./.

Từ khóa: Nga tấn công Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, hệ thống phòng không NASAMS và Apside, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia NASAMS, hệ thống tên lửa phòng không di động vác vai MANPADS, Nga không kích Ukraine, tên lửa đất đối không, máy bay không người lái cảm tử Shahed-136, phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập