Nâng cao vai trò của truyền thông báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Cập nhật: 16/06/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Nếu không có các cơ quan thông tấn, báo chí, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân sẽ không sâu rộng, đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Sáng 16/6, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về vai trò của truyền thông báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) chủ trì Tọa đàm. Cùng dự tọa đàm có các phóng viên, biên tập viên một số cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết, báo chí có vai trò rất quan trọng trong công tác truyền thông chính sách pháp luật đến người dân. Nếu không có các cơ quan thông tấn, báo chí, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không bao giờ đạt được mục đích cao nhất là thông tin đến người dân một cách sâu rộng, đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Việc thực hiện truyền thông nhanh chóng, đầy đủ sẽ giúp chính sách pháp luật của Nhà nước ngay trong quá trình dự thảo xây dựng được nhân dân đồng thuận, góp ý kiến trên tinh thần cởi mở, công khai, minh bạch. Từ đó, văn bản pháp luật được ban hành sẽ mang hơi thở cuộc sống, có tính khả thi và pháp luật thực sự là của dân, vì dân.
“Ví dụ, ở vùng sâu vùng xa, nếu như không có chương trình phát thanh của VOV thì có lẽ Bộ Tư pháp và các bộ ngành dù có bao nhiêu nguồn lực cũng không thể đưa thông tin về pháp luật đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ”.
Ông Lê Vệ Quốc nói như vậy, đồng thời nhấn mạnh thời gian tới cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật, hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam và truyền thông dự thảo chính sách; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác truyền thông trong phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật đề xuất một số giải pháp cần thực hiện như: tiếp tục nâng cao nhận thức của các cơ quan, báo chí, những người làm báo về vai trò của báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý báo chí trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị báo chí thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ...
Tại tọa đàm, các phóng viên, biên tập viên một số cơ quan thông tấn, báo chí đã thảo luận, đề xuất các loại hình, sản phẩm truyền thông, phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan báo chí để hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam; cũng như việc phát huy vai trò cơ quan báo chí trong thực hiện truyền thông dự thảo chính sách pháp luật và những vấn đề đặt ra; Kinh nghiệm huy động sự tham gia, đóng góp nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng./.
Từ khóa: phổ biến giáo dục pháp luật, báo chí, truyền thông, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, pháp luật, ngày Pháp luật Việt Nam, vai trò của truyền thông, truyền thông luật pháp
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN