Nam Phi - Quốc gia duy nhất từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình
Cập nhật: 22/01/2021
Campuchia, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng vàng lớn nhất từ trước tới nay
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
VOV.VN - Nam Phi từng chế tạo vũ khí hạt nhân và đã quyết định từ bỏ chúng. Khu vực và thế giới chắc chắn an toàn hơn nhờ quyết định đó, nhưng bài học Nam Phi có hữu ích cho tương lai phát triển vũ khí hạt nhân tại một số khu vực trên thế giới?
Cội nguồn Chương trình
Nam Phi tìm kiếm vũ khí hạt nhân vì những lý do quen thuộc - mặc dù có ưu thế về vũ khí thông thường trước bất kỳ đối thủ nào trong khu vực, Pretoria lo lắng lợi thế có thể bị mai một theo thời gian. Sau sự sụp đổ của đế chế Bồ Đào Nha ở châu Phi vào năm 1975, trung tâm công nghiệp của Nam Phi dễ bị tấn công bằng đường không bởi các đồng minh mới của Liên Xô trong khu vực. Chính phủ Nam Phi cũng ý thức được rằng, chế độ phân biệt chủng tộc của nước này có thể ngăn cản các nước phương Tây (bao gồm cả Mỹ) viện trợ cho họ trong bất kỳ cuộc đối đầu nào chống lại Liên Xô hoặc các đồng minh của cường quốc này.
Việc xây dựng lực lượng Cuba tại Angola từ năm 1975 trở đi đã củng cố nhận thức rằng cần phải có biện pháp ngăn chặn, cũng như sự cô lập quốc tế ngày càng tăng của Nam Phi và thực tế là nước này không thể dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài trong trường hợp bị tấn công. Vũ khí hạt nhân sẽ không chỉ để trực tiếp đối đầu với một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Nam Phi, mà còn là một phương tiện để tận dụng sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự của phương Tây trong một cuộc khủng hoảng.
Nam Phi có thể khai thác lượng uranium cần thiết trên lãnh thổ của mình và làm giàu nó tại các cơ sở trong nước. Với nền công nghiệp hiện đại và khả năng tiếp cận các cơ sở học tập và nghiên cứu công nghệ phức tạp ở Mỹ và châu Âu, Nam Phi có thể dễ dàng phát triển chuyên môn kỹ thuật cần thiết để chế tạo vũ khí. Pretoria đã chế tạo sáu vũ khí hạt nhân tương tự như bom Little Boy được Mỹ thả xuống Hiroshima. Các thiết bị nổ hạt nhân này quá lớn để có thể mang bởi tên lửa Nam Phi hiện có, và do đó, sẽ được sử dụng từ các máy bay ném bom như English Electric Canberra hoặc Blackburn Buccaneer.
Nam Phi đã tính đến khả năng chế tạo hoặc mua các tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân, mặc dù điều này đòi hỏi phải nâng cấp đáng kể các thiết bị. Chưa có cuộc thử nghiệm đầy đủ nào về các thiết bị này, vì áp lực lớn từ Mỹ, Liên Xô và Pháp đã buộc Pretoria hủy bỏ một vụ nổ dưới lòng đất vào năm 1977.
Sự giúp đỡ từ nước ngoài
Các quốc gia thường không công khai về những đóng góp của họ trong việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Với Nam Phi, vì bản chất của chế độ, hỗ trợ công khai càng bị coi nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn nghi ngờ có ít nhất bốn quốc gia đã hỗ trợ chương trình hạt nhân của Nam Phi. Mỹ đã cung cấp phần lớn công nghệ ban đầu liên quan đến chương trình hạt nhân dân sự của Nam Phi theo nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau, mặc dù không nhằm mục đích tăng tốc phổ biến vũ khí hạt nhân, sự hỗ trợ đã tạo cơ sở cho chương trình hạt nhân cuối cùng của Nam Phi. Pháp và Pakistan cũng có thể đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tại nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình thực hiện chương trình.
Trong Chiến tranh Lạnh, Đài Loan, Israel và Nam Phi đã tạo thành “Trục bị ruồng bỏ” (Axis of Outcasts), không được ưu thích bởi phần lớn cộng đồng ngoại giao. Israel rất có thể đã cung cấp một số công nghệ liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Nam Phi, mặc dù việc kết hợp các tên lửa này với các thiết bị hạt nhân không bao giờ thành hiện thực. Israel và Nam Phi cũng đã trao đổi một số thành phần vật chất cơ bản của thiết bị hạt nhân... Do tiếp tục giữ bí mật, mức độ hợp tác kỹ thuật giữa hai quốc gia có thể không bao giờ được biết đến, nhưng các thiết bị hạt nhân của Nam Phi nhìn chung khác với những thiết bị được cho là có trong kho vũ khí của Israel.
Phá hủy
Giới chức Pretoria từng lo sợ Liên Xô và các nhóm cộng sản, da đen địa phương nhòm ngó đến lượng vàng và khoáng sản khổng lồ và có âm mưu giành quyền kiểm soát Nam Phi. Tuy nhiên, tháng 12/1988, Angola, Cuba và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc rút 50.000 quân Cuba khỏi Angola; năm 1989 - bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã tạo ra một môi trường chiến lược toàn cầu hoàn toàn mới, không thể gây ra một mối đe dọa quân sự thông thường thực sự đối với Nam Phi.
Việc giảm thiểu căng thẳng đã làm giảm nhu cầu của Nam Phi về biện pháp răn đe hạt nhân trong khi phải trả chi phí ngoại giao và quân sự để duy trì mà trên thực tế, không để răn đe ai. Vũ khí hạt nhân không có giá trị trong các cuộc chiến tranh biên giới và viễn cảnh sử dụng chúng chống lại các nước láng giềng quá kinh khủng để có thể cân nhắc. Đồng thời, Pretoria đã có những nhượng bộ ngoại giao quan trọng, bao gồm việc trao độc lập cho Namibia; Đảng Quốc gia bắt đầu đàm phán với Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress - ANC).
Nam Phi đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 1991, nhưng không thông báo về việc dỡ bỏ vũ khí cho đến hai năm sau đó. Năm 1993, bạo lực bùng phát khi Tổng thống da trắng F.W. de Klerk đàm phán với nhà lãnh đạo da đen Nelson Mandela để chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc. Trong bối cảnh không chắc chắn này, de Klerk đã xuất hiện trên TV vào và đưa ra một thông báo gây sửng sốt - Nam Phi đã bí mật chế tạo sáu vũ khí hạt nhân, nhưng đã tháo dỡ chúng và đóng cửa chương trình.
Hình mẫu
Ukraine, Belarus và Kazakhstan có quyền thừa hưởng vũ khí hạt nhân do Liên Xô để lại nhưng đã từ bỏ chúng. Ngoài các quốc gia này, Nam Phi là quốc gia duy nhất phát triển, sau đó từ bỏ vũ khí hạt nhân. Một số người ủng hộ kiểm soát vũ khí đã coi Nam Phi như một hình mẫu tiềm năng cho việc giải trừ hơn nữa vũ khí hạt nhân. Nhưng trường hợp của Nam Phi mang đậm dấu ấn riêng. Các mối đe dọa an ninh quốc gia cốt lõi đối với nhà nước đã biến mất đồng thời với sự thay đổi về bản chất của chế độ, làm cho những thay đổi quy mô lớn trong chính sách an ninh quốc gia trở nên dễ dàng hơn nhiều so với những thay đổi khác. Những điều kiện này khó có thể lặp lại trong nhiều tình huống liên quan đến các cường quốc vũ trang hạt nhân.
Đáng buồn, Nam Phi vẫn là quốc gia duy nhất đã tự nguyện loại bỏ toàn bộ khả năng vũ khí hạt nhân của mình. Các quốc gia hạt nhân khác vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng kết quả đạt được rất ít. Triều Tiên được cho là lo ngại một cuộc tấn công của Mỹ có thể lật đổ chế độ, tiếp tục tìm kiếm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa có thể đe dọa Mỹ. Trong mọi cuộc đàm phán nào, Triều Tiên đưa ra nhiều yêu cầu có thể bao gồm việc chấm dứt các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc, rút gần 30.000 lính Mỹ ở miền Nam và một hiệp ước hòa bình chính thức giữa hai miền Triều Tiên… Nam Phi có thể không bao giờ là ví dụ hạt nhân gây tiếng vang cho Triều Tiên và với sự gia tăng căng thẳng toàn cầu trong vài năm qua, có vẻ như sẽ không có ai sớm gia nhập vào câu lạc bộ hậu hạt nhân cùng Nam Phi.
Nam Phi đã chứng minh an ninh lâu dài có thể được đảm bảo tốt hơn nhiều bằng việc loại bỏ, thay vì giữ lại vũ khí hạt nhân. Khu vực và thế giới chắc chắn an toàn hơn nhờ các quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân của Nam Phi. Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng đồng thời chấm dứt mối đe dọa do vũ khí hạt nhân gây ra. Các cường quốc hạt nhân tiếp tục triển khai, một số quốc gia khác tiếp tục nỗ lực thu mua vũ khí hạt nhân, và đáng báo động là những vũ khí đáng sợ đó có thể rơi vào tay khủng bố. Đã đến lúc thế giới phải nhận ra rằng, an ninh thực sự không nằm ở chỗ gia tăng sức mạnh để tiêu diệt đồng loại - mà ở khả năng cùng tồn tại trên cơ sở hòa bình và công lý./.
Từ khóa: Nam Phi - Quốc gia duy nhất từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, “Trục bị ruồng bỏ”, Đại hội Dân tộc Phi, các quốc gia hạt nhân, các cường quốc hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN