Năm 2021, thị trường tài chính tiêu dùng hồi phục nhưng khó bứt phá

Cập nhật: 22/04/2021

VOV.VN - Theo chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng năm 2021 sẽ không bứt tốc mạnh mẽ cho dù lãi suất cho vay có xu hướng giảm.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cả thế giới, tác động tiêu cực tới kinh tế và thương mại quốc tế. Trong đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt và hiệu quả đồng thời Covid-19 đã làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân và xã hội. Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch khi sau 9 tháng nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Kết thúc 2020, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% là một thành tích đáng ghi nhận.

Không nằm ngoài khó khăn chung của nền kinh tế

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài.

Điều đó kéo theo thu nhập của người lao động cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi trong năm 2020, hơn 69% người lao động bị giảm thu nhập, 39,9% người lao động phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% người lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khi thu nhập của người dân sụt giảm đã ảnh hưởng đến nhu cầu vay và khả năng trả nợ của người vay và tác động không nhỏ đến ngành tài chính tiêu dùng bởi các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực này có đối tượng khách hàng đa phần là người có thu nhập trung bình – thấp.

Số liệu của FiinGroup (Tổ chức thu thập và phân tích số liệu) cho thấy con số thiệt hại ở mảng tài chính tiêu dùng trên thế giới bởi dịch Covid-19 vô cùng lớn khi doanh thu ghi nhận giảm 25%, nợ xấu tăng 100% dẫn đến lợi nhuận giảm gần 200%.

Trong báo cáo Thủ tướng của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhận định, nếu như không có đại dịch Covid-19 xuất hiện thì kết quả xử lý nợ xấu sẽ theo đúng lộ trình, tuy nhiên do tác động của đại dịch covid nên nợ xấu có xu hướng tăng lên. Thực tế trước bối cảnh dịch bệnh, đã có không ít khách hàng mất khả năng trả nợ và công ty tài chính phải nỗ lực tái cấu trúc khoản vay, giảm lãi cho khách hàng.

Tín dụng tiêu dùng hồi phục nhưng khó bứt tốc

Với những khó khăn đã qua trong 2020, theo PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, hiện tại các chỉ báo cho thấy những tín hiệu khởi sắc khi kênh huy động vốn của doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng và mảng tín dụng tiêu dùng cũng đang dần phục hồi. Điều này đến từ nhu cầu mua sắm không ngừng gia tăng khi đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Đồng thời, một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, tìm đến dịch vụ vay tiêu dùng ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, theo dự báo của Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC, trong năm 2021 thị trường lao động vẫn tiếp tục trì trệ do Covid-19 nên nhu cầu của người dân sẽ không mấy cải thiện. Đồng quan điểm TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng năm 2021 sẽ khó bứt phá trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, cho dù lãi suất cho vay đang trong xu hướng giảm.

Cũng theo báo cáo FiinGroup, sau giai đoạn “vàng” 2014-2019 với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 35%/năm, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và tiếp tục được dự báo sẽ có những bước đi thận trọng trong năm 2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Đại diện FE CREDIT cho biết, nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát tốt, thì những lo ngại về tình trạng thất nghiệp tăng cao, khả năng trả nợ của khách hàng sẽ suy yếu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi mạnh sau đại dịch, đòi hỏi các công ty phải chủ động áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái tài chính để đáp ứng nhu cầu kịp thời và hiệu quả cho khách hàng.

Áp lực cạnh tranh gia tăng với sự xuất hiện mới của các công ty Fintech, cho vay ngang hàng… Những tổ chức mới này có lợi thế hơn so với ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng truyền thống. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các công ty tài chính hợp tác, giữ vững và phát triển thị trường.

Thực tế cũng ghi nhận cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng và công ty tài chính khuyến khích với nhiều gói vay ưu đãi nhưng nhu cầu không lớn vì người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu. Hiện có nhiều ngân hàng cũng như các công ty tài chính đã đưa ra các ưu đãi cho khách hàng cá nhân khi có nhu cầu vốn./.

Từ khóa: tài chính tiêu dùng, thị trường lao động, nhu cầu mua sắm, tiền gửi ngân hàng, lãi suất

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập