Mỹ-Trung đối đầu, thế giới lo ngại “voi lớn quần nhau, cỏ cây sẽ bị san phẳng”

Cập nhật: 23/09/2020

VOV.VN - Các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ lo ngại tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc giữa bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung ngày càng gia tăng căng thẳng.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã dấy lên hồi chuông cảnh báo hôm 22/9 về những rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cho rằng việc thiếu sự hợp tác có thể khiến đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, làm chậm quá trình khôi phục kinh tế hoặc thậm chí dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp.

"Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Sự chia rẽ về kinh tế và công nghệ có thể dẫn đến những rạn nứt không thể tránh khỏi về địa chiến lược và quân sự", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Giống như các nhà lãnh đạo khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gửi bài phát biểu qua video được quay trước, theo đó khẳng định, Bắc Kinh "không có ý định tiến hành chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ quốc gia nào". Tuy nhiên, những rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục nóng lên khi Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc để dịch bệnh Covid-19 lây lan ra toàn thế giới, đồng thời chỉ trích các hoạt động thương mại và môi trường của Bắc Kinh.

Lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bất đồng quan điểm về vai trò của các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức toàn cầu khác khi đối phó với virus SARS-CoV-2 cũng như các vấn đề khác.

Vấn đề Biển Đông, Ấn Độ, Hong Kong và Đài Loan cũng trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh cãi của Mỹ và Trung Quốc.

Trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc được thu từ trước, ông Trump nhắc lại lập trường "Nước Mỹ trên hết", chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới và hối thúc lãnh đạo các nước tự giải quyết các vấn đề nội bộ như một cách để hỗ trợ thế giới.

"Chỉ khi quan tâm đến các công dân của mình, chúng ta mới có thể tìm ra một cơ sở đúng đắn để hợp tác", nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.

Chỉ vài phút sau, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện quan điểm đối lập: "Chúng ta nên duy trì chủ nghĩa đa phương và việc bảo vệ hệ thống quốc tế là nguyên tắc cốt lõi của Liên Hợp Quốc. Các nước lớn nên hành động như những nước lớn để đáp ứng kỳ vọng của mọi người".

Căng thẳng gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới lo ngại.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhận định: "Khi những con voi quần nhau, cỏ cây cũng bị san phẳng".

"Các nước lớn, thay vì đấu đá nhau trên các vấn đề như kinh tế và y tế thì nên là lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu, cũng như là lực lượng tiên phong trong cuộc chiến vượt qua suy thoái", Tổng thống Chile Sebastian Pinera cho hay.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì khẳng định châu Âu và các nước khác không nên trở thành "những người quan sát vô dụng" trong một trật tự thế giới được đình hình bởi sự đối đầu Mỹ - Trung.

"Thế giới ngày nay không thể bị thống trị bởi sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng này, sự sụp đổ các cấu trúc hợp tác yêu cầu chúng ta phải xây dựng lại một trật tự mới và đảm bảo rằng chúng ta chia sẻ trách nhiệm chung ở châu Âu"./.

Từ khóa:

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập