Mỹ tính tăng lực lượng ở cửa ngõ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, liệu có khả thi?
Cập nhật: 20/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Có ý kiến cho rằng việc lập 1 hạm đội mới trong khu vực là cần thiết, do hạm đội 7 đã quá tải khi phải quản lý “những thách thức trên biển lớn nhất” của Washington.
Các nhà phân tích đã mô tả đề xuất bất ngờ của Washington về việc lập thêm một hạm đội hoàn chỉnh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm yểm trợ Hạm đội 7, có khả năng đóng bên ngoài Singapore là phép thử đơn phương của chính quyền sắp mãn nhiệm. Đề xuất này khó có thể nhận được sự ủng hộ ngay lập tức của các nước trong khu vực hoặc từ người được báo chí Mỹ gọi là Tổng thống đắc cử Joe Biden mà không cần xem xét kỹ lưỡng thêm.
Trong khi các nước châu Á nhìn chung tiếp tục hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ trong khu vực như một “người chơi” quan trọng đối trọng với Trung Quốc, các nhà quan sát cho rằng việc thiết lập một căn cứ thường trực mới của Mỹ sẽ chỉ khiến các nước thêm đau đầu đối phó với các hành vi đáng báo động của Bắc Kinh.
Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Singapore đã lên tiếng khẳng định không có bất kỳ cuộc đàm phán mới nào với Mỹ về việc triển khai thêm tàu chiến tại nước này.
Nếu để Mỹ có một căn cứ hải quân thường trực trên lãnh thổ Singapore thì điều này có thể bị coi là không thể chấp nhận được đối với quốc đảo này – một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Washington ở Đông Nam Á. Trên thực tế, Singpore luôn muốn đẩy lùi ấn tượng rằng họ đang có một liên minh quân sự chính thức với Mỹ, Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) nhận định.
Hiện Singapore và Mỹ có biên bản ghi nhớ liên quan tới việc Mỹ sử dụng các căn cứ tại Singapore được ký vào năm 1990 và mới được gia hạn thêm 15 năm hồi năm ngoái. Biên bản ghi nhớ ký năm 1990 giữa Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và Phó Tổng thống Mỹ Dan Quayle cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân của Singapore, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ về hậu cần cho việc vận chuyển quân, máy bay và tàu chiến Mỹ trong khu vực. Văn bản này đánh dấu sự hiện diện an ninh của Mỹ tại khu vực trong 30 năm qua.
“Tôi tin rằng chính quyền Biden sẽ thận trọng hơn đối với những nhạy cảm chính trị trong khu vực để xem xét thích hợp [đề xuất nêu trên - ND] với các đồng minh và đối tác của Mỹ, nếu không loại bỏ ngay nó vào tháng Giêng tới,” ông Collin Koh nói.
Olli Pekka Suorsa, một đồng nghiệp của Koh tại RSIS cho biết, ông tin đề xuất này dường như chỉ là phép thử được đưa ra giống như việc Mỹ gửi đi thông điệp rằng Washington quyết tâm theo đuổi cạnh tranh với Bắc Kinh trong khu vực.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái ngược, chẳng hạn như John Bradford - cũng là một nhà phân tích của RSIS – chỉ ra rằng việc có một hạm đội mới trong khu vực là điều cần thiết do hạm đội 7 đóng ở Nhật Bản đã “làm việc quá sức” khi phải quản lý “những thách thức trên biển lớn nhất” đối với Washington.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite phát biểu tại hội nghị chuyên đề của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân Mỹ hôm 16/11 cho biết: "Chúng tôi muốn thành lập một hạm đội hoàn chỉnh mới và đặt nó ở cửa ngõ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nhằm chứng tỏ sự hiện diện trong khu vực".
Ông Braithwaite nói: "Chúng ta không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 đóng ở Nhật Bản. Chúng ta cần tìm đến những đồng minh và đối tác như Singapore, Ấn Độ và đặt một hạm đội tại khu vực có giá trị nếu có biến cố xảy ra".
"Hạm đội này sẽ thể hiện sức răn đe đáng gờm hơn nhiều. Chúng ta sẽ thành lập Hạm đội 1, có thể đặt căn cứ tại Singapore và biến nó thành lực lượng hướng tới năng lực viễn chinh và di chuyển khắp Thái Bình Dương, giúp các đồng minh và đối tác thấy rằng nó có thể hỗ trợ họ", Bộ trưởng Braithwaite nói thêm.
Nguồn tin giấu tên từ Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Braithwaite đã đề xuất ý tưởng tái kích hoạt Hạm đội 1 từ vài tháng trước và được ông Mark Esper, người khi còn đương chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ. Bộ trưởng Hải quân Mỹ chưa trình bày kế hoạch này với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, nhưng khẳng định "mọi thứ đã sẵn sàng".
Kế hoạch chưa được suy tính kỹ?
Mặc dù vậy, ông Koh cho rằng kế hoạch của Bộ trưởng Braithwaite dường như không được "suy nghĩ kỹ càng".
Sau biên bản ghi nhớ cho phép Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự của mình, từ năm 2013, Singapore đã bắt đầu cho phép các tàu các chiến ven bờ của Mỹ được triển khai luân phiên và sau đó là các máy bay trinh sát tối tân P-8 Poseidon. Nhưng những thỏa thuận này không tạo nên một liên minh quân sự giữa siêu cường số một thế giới và quốc gia Đông Nam Á. Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn nhấn mạnh rằng mối quan hệ chiến lược với Washington không đồng nghĩa họ đứng về phía Mỹ trong cạnh tranh Trung-Mỹ.
Thomas Daniel, một nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia nhận định: “Cái giá Singapore phải trả có thể lớn hơn lợi ích nếu việc thành lập Hạm đội 1 trên lý thuyết được coi là để hỗ trợ chiến lược tái cân bằng cứng rắn của Mỹ chống lại Trung Quốc”.
Đối với các nước trong khu vực, theo Daniel, một thỏa thuận đặt căn cứ vĩnh viễn sẽ là không ổn bởi mối quan hệ quốc phòng hiện tại của Singapore với Washington đã là một trong những nguyên nhân gây ra sự cảnh giác nhẹ trong khu vực.
Ông Koh cho rằng, Singapore sẽ tiếp tục duy trì hợp tác ở mức độ như hiện tại – đồng thời tạo điều kiện cho sự hiện diện lâu dài và bền vững của Mỹ trong khu vực. “Những nỗ lực này không bị hiểu sai như một liên minh chính thức với Mỹ”, Koh nói và lưu ý, “Singapore được cho là đã từ chối đề nghị trở thành đồng minh không thuộc NATO của Mỹ vào năm 2003 và tôi tin rằng Singapore đang tìm cách duy trì điều đó”.
Cùng chung quan điểm với ông Koh, chuyên gia Suorsa đánh giá: “Việc xây dựng lực lượng hải quân lớn hơn tại một cảng ở nước ngoài sẽ đòi hỏi nguồn lực và cơ sở hạ tầng đáng kể tại nước sở tại. Trong trường hợp của Singapore, điều này sẽ đòi hỏi cần phải mở rộng quy mô lớn đối với các cơ sở hạ tầng hiện có. Tôi không thấy một động thái như vậy là khả thi về mặt chính trị”.
Bradford, một sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu từng phục vụ trong Hạm đội 7, cho rằng hạm đội mới hoạt động ở ngã tư của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương “sẽ không nhất thiết phải đặt căn cứ ở châu Á”.
“Mỹ có nhiều kinh nghiệm tiến hành các hoạt động ở một khu vực khi nhận lệnh chỉ huy từ xa. Hạm đội 1 có thể hữu ích, miễn là sự phát triển của nó được lên kế hoạch cẩn thận và có nguồn lực”, ông Bradford nói./.
Từ khóa: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hạm đội 1 của Mỹ, hạm đội 7 của Mỹ, cạnh tranh Trung-Mỹ, Mỹ tăng hiện diện ở châu Á, căn cứ Mỹ ở châu Á
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN