Mỹ thử tên lửa hành trình bị cấm sau khi rút khỏi Hiệp ước INF
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN-Mỹ đã thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn vượt quá 500 km-loại vũ khí bị cấm trong Hiệp ước INF mà Washington vừa rút khỏi vào tháng này.
Cuộc thử "tên lửa hành trình phóng từ mặt đất theo quy ước" đã được tiến hành ngày 18/8 ở đảo San Nicolas, California, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hôm 19/8. Sau khi thử thành công, tên lửa này đã nhắm trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 500 km.
Cuộc thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất theo quy ước trên đảo San Nicolas, California ngày 18/8/2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Những bức ảnh và video vụphóng thử làm dấy lên câu hỏi tên lửa này có thể là Tomahawk - một tên lửa hành trình được phóng từ tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ. Phát ngôn viên Lầu năm Góc - Trung tá Robert Carver sau đó đã xác nhận thông tin này.
Sử dụng Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mark 41 trong cuộc thử tên lửa này có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là các bệ phóng được đặt tại các vị trí phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Romania. Nga khẳng định rằng sự tồn tại của những vị trí này là một mối đe dọa và vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bởi những bệ phóng này có thể có thể phóng cả tên lửa Tomahawk và tên lửa phòng thủ SM-3.
Các vũ khí có tầm bắn từ 500 - 5.000 km đã bị cấm trong Hiệp ước INF - một cơ chế kiểm soát vũ trang quan trọng được ký kết năm 1987 nhằm làm giảm leo thang căng thẳng hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.
Tháng 2/2019, Mỹ thông báo sẽ rút khỏi INF, đồng thời cáo buộc hệ thống tên lửa của Nga đã vi phạm Hiệp ước này. Moscow phủ nhận các cáo buộc trên và sẵn sàng cho việc kiểm tra hệ thống của nước này. Tuy nhiên, Hiệp ước INF đã sụp đổ ngày 1/8.
Chính quyền Tổng thống Trump trước đó đã thể hiện quyết tâm rời khỏi Hiệp ước INF vào tháng 10/2018 khi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton gọi đây là "tàn dư của Chiến tranh Lạnh" trong chuyến thăm Moscow.
"Có một thực tế chiến lược mới", ông Bolton nhận định với báo giới vào thời điểm đó, đồng thời gọi Hiệp ước INF là một "hiệp ước song phương trong một thế giới tên lửa đạn đạo đa cực" chỉ áp dụng với Mỹ và Nga ở châu Âu mà không có bất kỳ điều khoản nào kiềm chế các hành động của Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.
Hiệp ước INF là thỏa thuận kiểm soát vũ trang thời Chiến tranh Lạnh quan trọng thứ 2 mà Mỹ đã rút khỏi sau khi Washington rời Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2001. Hiệp ước kiểm soát vũ trang duy nhất còn lại là New START cũng sẽ hết hạn vào tháng 2/2021./.Từ khóa: Mỹ thử tên lửa, tên lửa hành trình, Hiệp ước INF, Chiến tranh Lạnh, tên lửa đạn đạo
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN