Mỹ “lo sốt vó” khi Nga trang bị tên lửa hành trình Kalibr cho hạm đội Thái Bình Dương
Cập nhật: 13/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo rằng, tên lửa này có thể được sử dụng để làm giảm lợi thế quân sự và hạn chế các lựa chọn ngoại giao của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Nga đang chuẩn bị trang bị cho lực lượng hải quân đồn trú tại khu vực Thái Bình Dương một loại tên lửa hành trình tiên tiến, giúp tàu chiến và tàu ngầm của họ có khả năng đánh chìm những con tàu khác, cũng như lần đầu tiên thực hiện các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào những mục tiêu trên đất liền.
Mỹ “dè chừng” động thái của Nga
Động thái nói trên đã khiến Bộ Quốc phòng Mỹ chú ý. Trong bản điều trần viết tay trình lên Quốc hội Mỹ hồi đầu tuần này, Đô đốc Davidson – chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhấn mạnh, Nga sẽ bắt đầu trang bị tên lửa hành trình Kalibr cho toàn hộ hạm đội Thái Bình Dương trong năm nay. Các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo rằng, tên lửa này có thể được sử dụng để làm giảm lợi thế về sức mạnh quân sự và hạn chế các lựa chọn ngoại giao của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
“Chúng tôi dự đoán rằng Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ bổ sung vào kho vũ khí của lực lượng này các tàu chiến và tàu ngầm đầu tiên mang tên lửa hành trình Kalibr, giúp gia tăng đáng kể năng lực chống hạm và khả năng tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào mục tiêu trên bộ”, ông Davidson nói.
Trong một báo cáo vào tháng 1/2021, Ủy ban phân tích tên lửa đạn đạo của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ đánh giá, 3M-14 Kalibr - tên lửa hành trình phiên bản mới phóng từ tàu chiến và tàu ngầm có tầm bắn đạt ít nhất 2.500 km. Theo Inside Defense, trước mối đe dọa lớn như vậy, Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đang xem xét những ý tưởng mới nhằm nâng cấp hệ thống phòng không trong nước, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tích hợp SHIELD.
Nghiên cứu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) mang tên “Chương trình Phòng thủ tên lửa hành trình quốc gia: Các vấn đề và giải pháp” công bố gần đây cho biết: “Việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình nội địa mang tính khả thi nhưng rất tốn kém. Ước tính sẽ phải mất từ 75 tỷ đến 465 tỷ USD trong hơn 20 năm để tích hợp hệ thống này trên khắp lãnh thổ Mỹ”.
CBO lưu ý rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình nội địa của Mỹ có thể bị suy yếu trước các loại vũ khí tiên tiến như tên lửa Kalibr của Nga: “Một cuộc tấn công do nhiều tên lửa hành trình tấn công trên đất liền thực hiện có thể áp đảo hệ thống phòng thủ này”. Theo CBO, tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Yasen của Hải quân Nga có thể mang được 32 tên lửa LAMC (3M-14 Kalibr) trong 8 bệ phóng thẳng đứng của nó.
Đô đốc Davidson cho biết thêm, Nga cũng đang có kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng ở khu vực Thái Bình Dương bằng việc cung cấp hệ thông phòng không, tên lửa hành trình chống hạm phóng từ đất liền, máy bay chiến đấu hiện đại và các máy bay ném bom cải tiến có khả năng tấn công tầm xa.
“Kế hoạch này nhằm mục đích hạn chế các lực lượng nước ngoài tiếp cận các khu vực ở Thái Bình Dương nằm gần vùng biển của Nga, đồng thời giúp Moscow mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn khu vực và vươn xa tới Bắc Cực”, ông Davidson nói.
Kalibr nguy hiểm cỡ nào?
Theo National Interest, dòng tên lửa Kalibr có hơn 10 phiên bản, khác nhau về bệ phóng, tầm bắn, tốc độ, chiều dài và cơ cấu mục tiêu. Nhưng chúng có 1 điểm chung là có thể mang đầu đạn nổ phá mảnh thông thường nặng 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân.
Phiên bản tên lửa Kalibr chống hạm, số hiệu 3M54T hoặc 3M54K (NATO gọi là SS-N-27 Sizzler) có tầm bắn ước tính vào khoảng 435 đến 660km và được thiết kế bay sát mặt nước biển để tránh bị radar đối phương phát hiện. Nhờ hệ thống radar định hướng và bộ tăng cường với vòi phun thay đổi vector lực đẩy, Kalibr có thể tự thay đổi quỹ đạo bay thay vì chỉ bay theo một đường thẳng. Với tốc độ vào khoảng Mach 0.8 đến Mach 3, Kalibr rất khó bị hệ thống tự vệ của đối phương đánh chặn.
Video: Nga thử nghiệm phóng tên lửa hành trình Kalibr. Nguồn: Armies Power.
Phiên bản tấn công trên đất liền, số hiệu 3M14T hoặc 3M14K (NATO gọi là SS-N-30A) mặc dù không thể giữ được tốc độ Mach 3 khi tiếp cận mục tiêu, song nó lại có tầm bắn lên đến 1.600 – 2.400km. Phiên bản thứ 3 của tên lửa Kalibr là 91RT và 91RE được dùng để đánh chặn thủy lôi săn ngầm, có tầm bắn chỉ gần 50km.
Kalibr đã được thử nghiệm trong một số cuộc chiến và cho thấy tính sát thương cao trên chiến trường. Hải quân Nga đã sử dụng tên lửa này tấn công vào mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía đông tòa thành cổ Palmyra ở Syria, phá hủy nhiều vũ khí hạng nặng và tiêu diệt các phần tử khủng bố, theo DefenseWorld.net.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Izvestia, chuyên gia quân sự Nga Anton Lavrov cho rằng, hiện nay trên thế giới chỉ có một vài quốc gia sở hữu tên lửa hành trình có độ chính xác cao, vì thế sự xuất hiện của các phiên bản Kalibr mới là một bước ngoặt trong quá trình nghiên cứu và chế tạo tên lửa.
“Điểm mạnh của Kalibr là có độ chính xác cao và khả năng bắn trúng các mục tiêu kiên cố, trong đó có các trung tâm chỉ huy và cơ sở phòng không”.
Ông Anton Lavrov nói thêm: “Quan trọng hơn cả là hiệu ứng bất ngờ. Khi không quân tiến hành tập kích thì đối phương kịp phản ứng còn với tên lửa hành trình Kalibr thì ngược lại. Ngoài ra, Kalibr còn có một lợi thế khác – là khả năng cơ động và luôn thay đổi quỹ đạo để bắn trúng mục tiêu từ những hướng mà đối phương không thể lường trước được ”./.
Từ khóa: Nga, Mỹ, tên lửa hành trình Kalibr, trang bị tên lửa, hạm đội Thái Bình Dương, hải quân Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ, hệ thống phòng không
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN