Mỹ cung cấp Patriot có giúp Ukraine đảo ngược tình thế?
Cập nhật: 15/12/2022
VOV.VN - Nếu Mỹ phê duyệt chuyển hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, liệu chúng có thực sự trở thành yếu tố “thay đổi cuộc chơi” như Kiev kỳ vọng? Và sẽ mất bao lâu để những hệ thống này được đưa ra chiến trường?
Có nhiều câu hỏi đặt ra sau khi các quan chức Mỹ xác nhận Lầu Năm Góc đang chuẩn bị kế hoạch chuyển các hệ thống Patriot cho Ukraine nếu được Tổng thống Joe Biden phê duyệt. Theo các nguồn tin, có khả năng ông Biden sẽ phê duyệt ngay trong tuần này.
Hệ thống phòng không Patriot có thể tiêu diệt tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo cũng như máy bay không người lái (UAV) ở khoảng cách tối đa 160km, tùy thuộc vào phiên bản cụ thể.
Một tổ hợp Patriot điển hình bao gồm hệ thống radar, nguồn cung cấp năng lượng, một đài chỉ huy và kiểm soát kết nối với một vài trạm phóng. Patriot có thể tấn công 8 mục tiêu cùng lúc.
Các hệ thống phòng không tiên tiến là loại vũ khí mà Kiev đã yêu cầu đồng minh và đối tác cung cấp ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, Mỹ chưa muốn cung cấp các hệ thống như vậy do lo ngại về phản ứng của Nga cũng như khả năng bí mật công nghệ có thể rơi vào tay Nga.
Mỹ và các đối tác đã tìm cách cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không S-300 từ thời Liên Xô cũng như các hệ thống phòng không do phương Tây sản xuất như tên lửa vác vai Stinger và các hệ thống lớn hơn như NASAMS. Tuy nhiên, Kiev vẫn muốn có hệ thống Patriot, đặc biệt sau khi Nga liên tiếp tập kích tên lửa và UAV nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng ở Ukraine.
Ukraine chưa thể triển khai ngay Patriot nếu được nhận
Phản ứng trước thông tin Mỹ có thể cung cấp Patriot cho Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine nói rằng, đây sẽ là yếu tố “thay đổi cuộc chơi”, đồng thời mô tả Patriot là “một trong những hệ thống tốt nhất thế giới”.
Quan chức này cho biết thêm, việc Ukraine được nhận Patriot sẽ “tăng cường đáng kể khả năng bảo vệ bầu trời trước các cuộc không kích của Nga”.
Trong một bài đăng trên Twitter, Tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling cho hay, nếu được chuyển giao, mỗi khẩu đội Patriot sẽ đòi hỏi “hàng chục quân nhân thuộc Lực lượng phòng không Ukraine được huấn luyện tốt để vận hành”. Việc chuẩn bị cho các nhóm này sẽ cần nhiều tháng. Trừ khi có một khóa huấn luyện bí mật đã diễn ra trong nhiều tháng, nếu không, việc “phê duyệt” không có nghĩa là những hệ thống đó sẽ có mặt trên chiến trường ngay lập tức.
Các quan chức Mỹ cho rằng nếu việc cung cấp Patriot cho Ukraine được phê duyệt, chương trình huấn luyện cho binh sỹ Ukraine có thể bắt đầu tại Đức trong vài tuần. Tuy nhiên, bất cứ chương trình huấn luyện nào cho Ukraine ở thời điểm này cũng sẽ phải rút ngắn thời gian hơn so với khung huấn luyện tối thiểu 5 tháng đối với các binh sỹ Mỹ.
Theo ABC News, binh sỹ Ukraine đã chứng minh họ có khả năng học cách sử dụng các hệ thống phức tạp của Mỹ. Mặt khác, cho dù đẩy nhanh chương trình huấn luyện, cũng phải tới đầu năm 2023, hệ thống Patriot mới có thể triển khai hoạt động ở Ukraine.
Hệ thống Patriot được biết đến rộng rãi lần đầu tiên trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 khi đánh chặn thành công hầu hết các cuộc tấn công tên lửa của Iraq nhằm vào lực lượng Mỹ ở Saudi Arabia và các cuộc tấn công đồng thời vào Israel. Kể từ đó tới nay, Patriot đã được nâng cấp nhiều lần và hiện vẫn chưa rõ Ukraine có thể được nhận phiên bản nào.
Bài viết của ABC News cho rằng, Patriot có trở thành công nghệ “thay đổi cuộc chơi” hay không cũng phụ thuộc vào việc Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine bao nhiêu bệ phóng và bao nhiêu tên lửa. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ còn một chặng đường dài trước khi hệ thống này giúp thu hẹp khoảng trống phòng không ở Ukraine.
Patriot sẽ trở thành mục tiêu của Nga?
Patriot là hệ thống di động, có thể được triển khai và chuẩn bị khai hỏa trong khoảng 30 phút. Tuy nhiên, không giống như các hệ thống pháo hay các hệ thống phòng không di động tầm ngắn và độc lập, có thể phóng tên lửa trong 1-3 phút sau đó rút khỏi vị trí (còn gọi là chiến thuật “bắn và chạy”), Patriot không nhanh tới vậy.
Hơn nữa, với đặc tính là một nhóm phương tiện, tổ hợp Patriot có thể dễ dàng bị vệ tinh của đối phương phát hiện, khiến chúng trở thành mục tiêu tấn công.
Theo Sputnik, nếu Mỹ quyết định chuyển giao Patriot cho Ukraine, đây có thể là cơ hội để Nga thử nghiệm hiệu quả của các tên lửa Kinzhal nhằm vào “lá chắn thép” của Washington.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/12 cho biết Nga chắc chắn sẽ nhắm mục tiêu vào các hệ thống Patriot của Mỹ nếu loại vũ khí này được triển khai ở Ukraine.
Cuối tháng 11, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, đã tuyên bố rằng những vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine và các nhóm vận hành loại vũ khí đó sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga./.
Từ khóa: Mỹ cung cấp Patriot cho Ukraine, xung đột Nga Ukraine, hệ thống phòng không Patriot, lá chắn thép Patriot, vũ khí Mỹ ở Ukraine, viện trợ quân sự Ukraine
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN