Mỹ có thể tính toán lại việc cung cấp vũ khí từng được coi là cấm kỵ cho Ukraine

Cập nhật: 23/08/2024

VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Biden "sẵn sàng" cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine - một động thái sẽ khiến các tiêm kích F-16 của Kiev có khả năng chiến đấu lớn hơn khi nước này tìm cách giành được đà tiến công trong cuộc xung đột với Nga.

Mỹ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine vũ khí từng bị coi là cấm kỵ?

Việc Nhà Trắng sẵn sàng cung cấp cho Ukraine JASSM (Tên lửa hành trình không đối đất tầm xa) diễn ra giữa bối cảnh cuộc tấn công bất ngờ của Kiev vào sâu trong lãnh thổ Nga đã bước sang tuần thứ hai.

Chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về việc cung cấp tên lửa này nhưng chính quyền Mỹ đang thảo luận về các kế hoạch chi tiết, một quan chức Mỹ cho hay. Những vấn đề này bao gồm các đánh giá về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm và đảm bảo rằng các chiến đấu cơ của Ukraine có thể phóng tên lửa nặng hơn 1.000kg mang đầu đạn 450kg.

Lầu Năm Góc từ chối bình luận liệu việc chuyển giao tên lửa đã được thông qua hay chưa.

"Chúng tôi đang cân nhắc một loạt lựa chọn để đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ an ninh của Ukraine, tuy nhiên chúng tôi chưa có thông tin gì để cung cấp", Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Jurgensen nói.

Cuộc thảo luận xoay quanh việc cung cấp JASSM và việc chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng chuyển giao tên lửa này đã khiến JASSM trở thành vũ khí mới nhất trong loạt vũ khí tân tiến từng được coi là cấm kỵ để chuyển giao cho Ukraine.

Một số thành viên trong Quốc hội cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden hành động quá chậm trễ trong việc cung cấp cho Kiev các trang thiết bị cần thiết để giành chiến thắng trước Nga. Tuy nhiên, đối với một cuộc giao tranh chỉ mới trải qua 30 tháng, việc cung cấp tiêm kích F-16, xe tăng Abrams, tên lửa hành trình, tổ hợp phòng không Patriot và các phương tiện chở bộ binh hiện đại đã biến Ukraine trở thành một trong những đội quân chiến trường được trang bị khá tốt ở châu Âu.

Động thái tiềm năng trên diễn ra trong những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, sau khi mức độ hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trở nên bấp bênh hơn nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Các tên lửa phóng từ trên không đã cho lực lượng không quân Ukraine khả năng mà chỉ một vài quốc gia sở hữu: Đó là phóng tên lửa hành trình với tầm hoạt động hơn 320km từ một chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.

Trong khi các cuộc thảo luận tiếp tục diễn ra bên trong Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, quan chức chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo có nhiều việc cần thực hiện trước khi bất kỳ tên lửa nào thực sự được chuyển cho Ukraine, trong đó có việc đảm bảo các chiến đấu cơ thời Liên Xô của Kiev và các tiêm kích F-16 có thể triển khai tên lửa này nhắm vào các mục tiêu cách xa hơn 370km.

Lầu Năm Góc đang làm việc với Ukraine về những vấn đề kỹ thuật, 2 nguồn tin trong chính quyền Mỹ tiết lộ.

Ukraine chiếm toàn bộ thị trấn Sudzha của Nga, Moscow gây tổn thất lớn cho Kiev

VOV.VN - Nếu tuyên bố của Ukraine là đúng trên thực địa thì việc Sudzha (Nga) thất thủ ghi nhận lần đầu tiên Ukraine chiếm được một thị trấn của Nga kể từ khi quân đội Ukraine đột kích lãnh thổ Nga tại Kursk vào ngày 6/8/2024. Trong lúc đó, Nga tuyên bố gây tổn thất lớn cho quân đội Ukraine trong nỗ lực đột kích Kursk.

Ukraine tăng cường gây sức ép với Mỹ

JASSM, do Lockheed Martin phát triển và được triển khai vào đầu những năm 2000, đã được Mỹ sử dụng một cách tiết kiệm trong chiến đấu và được chia sẻ chỉ với một số đồng minh thân cận.

Ukraine sở hữu cả các tên lửa phóng từ trên không và trên mặt đất do Mỹ, Anh và Pháp cung cấp, có thể tấn công các mục tiêu cách xa địa điểm phóng hơn 320km, nhưng những hạn chế về việc sử dụng tên lửa để tấm công vào bên trong nước Nga vẫn có hiệu lực.

Những hạn chế trên, quy định Ukraine không thể sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp bên trong lãnh thổ Nga trừ khu vực gần biên giới và chỉ với mục đích tự vệ, đã khiến Kiev thất vọng khi nước này nhiều lần yêu cầu có thể thoải mái tấn công hơn. Dù vậy, hiện đã quá muộn cho Ukraine sử dụng các tên lửa hiện tại để tấn công chiến đấu Nga tại các căn cứ bởi các lực lượng của Moscow đã di chuyển các máy bay chiến đấu của họ nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa trên vào tháng 5.

Các nghị sĩ và cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky trong một vài tháng qua đã gây sức ép để chính quyền Tổng thống Biden cung cấp tên lửa JASSM. Sức ép đó đã gia tăng khi một nhóm nghị sĩ Ukraine thăm Washington vào tháng 7. Yêu cầu của họ đã được đưa ra với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, một trong các nguồn tin cho hay.

Nếu được cung cấp, JASSM sẽ mang đến cho Ukraine khả năng tấn công đáng kể khi các tiêm kích F-16 do các nước châu Âu hỗ trợ vào mùa hè này dự kiến sẽ không được triển khai gần biên giới Nga do lo sợ bị bắn hạ.

Mỹ và các đồng minh đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa không đối không và tên lửa đất đối không mà F-16 có thể triển khai nhưng việc chuyển giao JASSM sẽ giúp Kiev sở hữu vũ khí tầm xa nhất và mạnh nhất trong kho vũ khí của lực lượng không quân nước này.

Lầu Năm Góc sẵn sàng tiếp nhận đề xuất từ Quốc hội về việc cung cấp tên lửa JASSM bởi Nga đã thành công trong việc gây nhiễu một số vũ khí dẫn đường chính xác mà Mỹ hỗ trợ Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ C.Q. Brown không loại trừ việc cung cấp tên lửa này khi Hạ nghị sĩ Joe Wilson đặt câu hỏi tại phiên điều trần hồi tháng 4 về việc liệu Bộ Quốc phòng có đang cân nhắc động thái trên hay không. F-16 sẽ được trang bị gì là một phần trong những cuộc trao đổi của Bộ Quốc phòng Mỹ với Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, ông Brown nói.

"Khi chúng tôi mang tới F-16, đó không chỉ là việc hỗ trợ các chiến đấu cơ mà còn là việc huấn luyện các phi công, đào tạo cho những người bảo trì, cũng như đảm bảo rằng chúng ta có các vũ khí đi cùng với nó. Chúng ta không chỉ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine mà còn đảm bảo chúng phát huy đầy đủ khả năng".

Tránh sập bẫy Ukraine ở Kursk, Nga tiếp tục đánh dữ dội tại miền Đông

VOV.VN - Phía Mỹ và Ukraine cho rằng Nga đã bắt đầu điều một bộ phận binh lính từ chiến trường Ukraine đến Kursk để đối phó với lực lượng đột kích. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Moscow vẫn tỉnh táo tránh đòn phân tán lực lượng do Kiev thực hiện. Cho đến nay, Nga vẫn dè dặt trong việc điều bớt quân khỏi các điểm nóng ở miền Nam Ukraine.

Từ khóa: ukraine, cung cấp vũ khí cho ukraine, vũ khí cấm kỹ, mỹ tính toán lại, xung đột ở ukraine, tên lửa tầm xa, tiêm kích f-16, cuộc đột kích của ukraine, vũ khí mạnh nhất

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập