Mỹ cắt ngân sách tài trợ, WHO lấy tiền đâu hoạt động?
Cập nhật: 16/04/2020
VOV.VN - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoạt động bằng tiền của ai sau khi Mỹ tuyên bố ngừng tài trợ?
Hôm 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cắt ngân sách tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Quyết định của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, các nước gồng mình chống dịch.
Tổng thống Mỹ cáo buộc WHO không quản lý tốt để dịch bệnh lây lan và không hành động đủ nhanh để điều tra về nguồn gốc khởi phát của dịch COVID-19 khi nó xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi Mỹ và Trung Quốc sát cảnh chống dịch. (Ảnh: Reuters) |
WHO lấy tiền ở đâu để hoạt động?
WHO được tài trợ từ một số nguồn: Các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tư nhân, các quốc gia thành viên và từ tổ chức Liên hợp quốc.
Mỗi quốc gia thành viên của WHO được yêu cầu phải đóng góp khoản kinh phí cố định, được ước lượng dựa trên sự giàu có và dân số của mỗi quốc gia. Khoản phí này chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng kinh phí của WHO. 3/4 còn lại đến từ "đóng góp tự nguyện" từ các quốc gia thành viên hoặc đối tác.
Trong các quốc gia thành viên của WHO, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất. Trong năm 2018 và 2019, Mỹ đã tài trợ cho tổ chức này 893 triệu USD. Trong đó, 237 triệu USD là khoản phí đóng góp bắt buộc, và 656 triệu USD là dưới hình thức quyên góp.
Mỹ chiếm 14,67% tổng ngân sách đóng góp tự nguyện của WHO. Nhà tài trợ lớn nhất tiếp theo cho WHO là Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức tư nhân của Mỹ.
Sau Mỹ, các quốc gia thành viên có đóng góp lớn cho WHO là Anh, Đức và Nhật Bản. Trong đó, Anh cấp cho WHO 434,8 triệu USD trong năm 2018 và 2019.
Trung Quốc đóng góp gần 86 triệu USD, gồm phí đóng góp cố định và tự nguyện trong năm 2018 và 2019.
Như vậy, WHO vẫn còn nguồn tiền để hoạt động song chắc chắn sẽ gặp cực kỳ nhiều khó khăn khi mất đi 400-500 triệu USD/năm từ Mỹ.
Vấn đề hiện nay là gì?
Các nhà phê bình từ lâu đã cáo buộc rằng các quốc gia thành viên nắm giữ các mức độ ảnh hưởng, chi phối khác nhau trong WHO dựa trên vị thế chính trị và tiềm lực tài chính của mỗi nước.
Các nhà tài trợ lớn đối với WHO như Mỹ được cho là có ảnh hưởng quá mức. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và các đồng minh đã rời khỏi WHO trong một số năm vì họ cảm thấy Mỹ có quá nhiều ảnh hưởng trong tổ chức này.
Gần đây, sự hoài nghi tương tự đã nhắm vào mối quan hệ của WHO với Trung Quốc. Các nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu WHO có đủ độc lập hay không, với sự giàu có và quyền lực đang gia tăng của Trung Quốc. Các phân tích dẫn chứng những lời ngợi khen hết lời của WHO về phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19.
Hôm 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO liên quan đến đại dịch COVID-19.
"Nếu WHO đưa các chuyên gia y tế vào Trung Quốc, có đánh giá khách quan tình hình trên thực địa và kêu gọi sự minh bạch của Trung Quốc thì dịch bệnh có thể được ngăn chặn tại nơi khởi phát, với rất ít cái chết",ông Trump nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thẳng thừng hơn, tuyên bố rằng WHO"từ chối gọi COVID-19 là đại dịch trong một thời gian dài bởi vì Trung Quốc không muốn điều đó xảy ra".
WHO đã phản ứng với những cáo buộc này bằng cách kêu gọi các nước thành viên không chính trị hóa đại dịch."Mỹ và Trung Quốc nên sát cánh cùng nhau và chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm này",Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vào tuần trước.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã mô tả đại dịch COVID-19 là chưa từng có và thừa nhận sẽ có "bài học kinh nghiệm" cho các đợt bùng phát của dịch bệnh trong tương lai.
"Chúng ta cần có thời gian để nhìn lại đầy đủ, để hiểu làm thế nào một dịch bệnh xuất hiện và lây lan nhanh chóng và tàn phá trên phạm vi toàn cầu, cũng như tất cả những bên liên quan đã phản ứng với khủng hoảng như thế nào. Nhưng bây giờ không phải là lúc đó... Đây cũng không phải là lúc để giảm các nguồn lực cho các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới, hay bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19”, ông Antonio Guterres nói./.
WHO là ai?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ), được thành lập năm 1948, chỉ vài năm sau khi LHQ được thành lập. WHO được thành lập để điều phối chính sách y tế quốc tế, đặc biệt là về bệnh truyền nhiễm.
WHO hoạt động rất đa dạng, từ thiết lập các quy chuẩn và dược phẩm thiết yếu, tư vấn về hành vi ăn uống cho đến đấu tranh chống các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh, nghiên cứu vaccine.
WHO hiện có 194 quốc gia thành viên. Mỗi thành viên cử một phái đoàn gồm các chuyên gia y tế và các nhà lãnh đạo để đại diện cho quốc gia trong Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định và chính sách của WHO.
Các quốc gia thành viên trực tiếp giám sát sự lãnh đạo và chỉ đạo của WHO, tham gia bầu Tổng giám đốc WHO, đưa ra chương trình nghị sự và các ưu tiên, đánh giá và phê duyệt ngân sách...
WHO có trụ sở khu vực ở châu Phi, Bắc và Nam Mỹ, Đông Nam Á, châu Âu, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương. Có hơn 150 văn phòng đại diện của WHO trên toàn cầu, nơi các nhân viên WHO làm việc với chính quyền địa phương để cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.
Trong 70 năm kể từ khi thành lập, WHO đã đạt được những kết quả nhất định. Tổ chức này đã giúp loại bỏ bệnh đậu mùa, giảm 99% các trường hợp mắc bệnh bại liệt và ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại dịch bệnh như Ebola.
Gần đây, WHO đang giúp các quốc gia chống lại dịch sốt xuất huyết ở Nam Á và Đông Nam Á, cung cấp cho các phòng khám và cơ quan y tế địa phương các chương trình đào tạo, trang thiết bị và viện trợ tài chính.
Tuy nhiên, WHO cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì quá quan liêu, chính trị hóa và phụ thuộc vào một số nhà tài trợ chính.Từ khóa: Mỹ, WHO, ngân sách WHO, tài trợ WHO, Mỹ cắt tài trợ WHO
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN