Mỹ cải tiến máy bay vận tải thành máy bay chiến đấu

Cập nhật: 02/06/2020

VOV.VN - Cải tiến máy bay vận tải thành máy bay chiến đấu được coi là một phương án hiệu quả và rẻ tiền.

Không quân Mỹ đang xem xét tích hợp vũ khí cho các máy bay vận tải không vũ trang, biến chúng thành máy bay ném bom tạm thời. Giới chức Mỹ tin rằng chiến tranh trong tương lai với các đối thủ như Nga hoặc Trung Quốc sẽ cần nhiều hỏa lực trên không và máy bay vận tải chứa đầy các pallet tên lửa hành trình, có thể là một giải pháp rẻ tiền.

Theo Defense News, Không quân cho rằng các máy bay như C-130J Super Hercules và C-17 Globemaster III có thể trở thành phương tiện vận tải tên lửa bán chuyên nghiệp. Các máy bay không vũ trang thường chuyên chở quân và thiết bị, nhưng trong tình huống đặc biệt, sẽ được trang bị “pallet thông minh”, có thể mang theo tên lửa hành trình tầm xa và các loại đạn khác.

Các pallet sẽ có khả năng cung cấp dữ liệu về vị trí, điều hướng và mục tiêu vào tên lửa chúng chứa. Sau khi được thả từ phía sau máy bay, các pallet sẽ nhanh chóng giải phóng các kiện tên lửa để phóng xuống các mục tiêu mặt đất. Máy bay càng lớn, càng có thể mang nhiều tên lửa.

my cai tien may bay van tai thanh may bay chien dau hinh 1
Vận tải cơ Lockheed Martin C-130J Hercules; Nguồn: wikipedia.org

Khái niệm các cặp máy bay tên lửa với các kiện hàng lớn, mà quân đội Mỹ có hàng trăm chiếc, với các tên lửa tiên tiến như Tên lửa không đối đất ngoài tầm nhìn chung (Joint Air to Surface Standoff Missile - JASSM). Phiên bản mới nhất của JASSM, JASSM-XR, có tầm bắn 1.000 hải lý, đủ xa để các máy bay vận tải chậm, cồng kềnh, không tàng hình như C-17 có thể phóng hàng chục tên lửa vào mục tiêu của kẻ thù ở cự li không bị đánh chặn và tránh xa tên lửa đối phương.

Khi nhiệm vụ kết thúc, máy bay có thể được nạp thêm các pallet thông minh hơn hoặc quay trở lại vai trò vận chuyển hàng hóa truyền thống của nó. Không quân Mỹ từng chuyển đổi các máy bay vận tải thành máy bay chiến đấu có vũ trang trong Chiến tranh Việt Nam, bằng cách bổ sung súng Gatling cho các máy bay vận tải C-47 và C-130. Không quân vẫn đang cải tạo các máy bay vận tải cho nhiệm vụ chiến đấu, với chiếc AC-130J mới nhất gắn một pháo 105mm, pháo tự động 30mm và sắp được trang bị vũ khí laser 60 kilowatt.

my cai tien may bay van tai thanh may bay chien dau hinh 2
Vận tải cơ KC-130 và hai trực thăng CH-53E; Nguồn: wikipedia.org

Hầu hết các chuyển đổi máy bay vận tải vũ trang là vĩnh viễn, với một máy bay vận tải không vũ trang được chuyển đổi thành một máy bay gắn pháo. Tuy nhiên, vào năm 2010, Thủy quân Lục chiến Mỹ đã giới thiệu Harvest Hawk, một bộ chuyển đổi cho các máy bay vận tải/chở dầu KC-130, cho phép Thủy quân Lục chiến phóng tên lửa không đối đất Hellfire, Griffin và Viper Strike từ chiếc KC-130 chống lại các mục tiêu trên mặt đất. Chiếc KC-130 được trang bị Harvest Hawk vẫn có thể thực hiện các nhiệm vụ tiếp liệu trên không và vận chuyển đường không.

Lý tưởng nhất, sự lựa chọn hoàn hảo để phóng một loạt tên lửa hành trình vào kẻ thù là máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider sắp tới là máy bay tuyệt vời nhất chưa từng có. Một chiếc B-21 có thể xuyên thủng hàng phòng thủ của đối phương, tấn công các mục tiêu và rút khỏi lãnh thổ đối phương mà không bị phát hiện. Nhưng với mức giá 621 triệu USD mỗi chiếc, B-21 tương đối đắt tiền, và Mỹ chưa có ngay số lượng lớn máy bay đó, trong khi Không quân có hàng trăm máy bay vận tải có trong trang bị và sẵn sàng bay.

my cai tien may bay van tai thanh may bay chien dau hinh 3
Vận tải cơ C-17 Globemaster III; Nguồn: wikipedia.org

Trong quá khứ, Không quân do dự về việc vũ trang chuyển đổi máy bay vận tải, vì một cuộc xung đột trong tương lai sẽ khiến họ cần di chuyển và tiếp tế cho các đơn vị xa xôi trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, các thử nghiệm gần đây tại Dugway Proving Ground dường như đã thay đổi quan điểm tư duy của giới chức quân sự chóp bu. Các cuộc thử nghiệm đã chứng kiến một chiến dịch đặc biệt MC-130J Combat Talon vận chuyển thành công ba pallet, mỗi pallet mang một loạt tên lửa hành trình tầm xa mô phỏng.

Ý tưởng máy bay vận tải mang tên lửa nếu thành công, có thể làm tăng đáng kể số lượng tên lửa hành trình có sẵn cho các lực lượng Mỹ trước khi bắt đầu cuộc xung đột. Sau nhiệm vụ chiến đấu ban đầu, các máy bay vận tải có thể nhanh chóng trở lại vai trò truyền thống của chúng. Ý tưởng dùng máy bay vận tải mang bom có thể đem lại cho Không quân một sức mạnh cực lớn về hỏa lực mà không cần phải có thêm một loại máy bay mới./.

Từ khóa: máy bay vận tải, máy bay ném bom, C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster III, KC-130

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập