Mục tiêu vận chuyển 5 triệu tấn hàng hóa thông qua đường sắt liên vận quốc tế
Cập nhật: 11/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Việt Nam - Trung Quốc đang hợp tác phát triển các tuyến đường sắt liên vận quốc tế tạo ra sự kết nối liên thông với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước Á - Âu.
Mạng lưới đường sắt hiện trải dài trên địa bàn của 30 tỉnh thành gồm 7 tuyến chính, 12 tuyến nhánh với tổng chiều dài đường tuyến chính là hơn 2.700km đường ga và đường nhánh là hơn 600km. Thế nhưng hiện tại, đường sắt liên vận quốc tế mới chỉ có 3 tuyến, tính hiệu quả còn thấp. Ngành đường sắt hướng tới mục tiêu vận chuyển 5 triệu tấn hàng hóa thông qua liên vận quốc tế vào năm 2030. Cần thúc đẩy sớm các tuyến đường sắt liên vận quốc tế để đẩy nhanh thủ tục thông quan, giảm chi phí logistic cho hàng hóa xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam - Trung Quốc đang hợp tác phát triển các tuyến đường sắt liên vận quốc tế tạo ra sự kết nối liên thông trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có 3 tuyến đường sắt liên vận quốc tế bao gồm: tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Kép, tỉnh Bắc Giang đến Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn tới Trung Quốc. Thứ hai, tuyến từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi - tới Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn - Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU. Thứ ba, tuyến đường sắt lên vận quốc tế từ ga Sóng Thần, tỉnh Bình Dương tới Trung Quốc.
Trên 3 tuyến đường sắt liên vận trong lãnh thổ Việt Nam hiện nay có 8 nhà ga đang được khai thác, gồm Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Kép, Sóng Thần, Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Bình Định), Trảng Bom (Đồng Nai). Tuy nhiên, với hạ tầng lạc hậu 3 tuyến đường sắt này chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, cũng như từ Việt Nam tới các nước châu Âu.
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hợp tác với Trung Quốc để đầu tư xây dựng 3 dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc là: Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, chiều dài 380km; Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dài 156km và tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái dài 187km
Dự kiến quy mô khổ đường của cả 3 tuyến này đều là 1.435mm, tốc độ 160km/h với tàu khách, 120km/h với tàu hàng. Việc triển khai 3 dự án này đang là một trong những ưu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc vừa qua của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Phía Trung Quốc đã trao Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa hai Chính phủ. Hai bên cũng đã trao Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia Trung Quốc về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hà Nội.
Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và bàn giao cho Việt Nam kết quả nghiên cứu. Đối với tuyến còn lại, phía Trung Quốc cũng đã nhất trí ủng hộ triển khai hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện quy hoạch chi tiết. Các dự án này đã được hai Chính phủ và hai Thủ tướng rất quan tâm, thúc đẩy triển khai công tác chuẩn bị.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc rất phong phú, đa dạng; khối lượng vận chuyển ngày càng tăng cao nhưng tàu Liên Vận giữa hai nước từ năm 2017 đến nay do hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện nên hiệu quả còn hạn chế. Đây cũng là những rào cản lớn nhất của chúng ta trong việc thông thương bằng đường sắt hiện nay.
14 tiếng là thời gian vận chuyển hàng hóa từ ga Nam Ninh (Trung Quốc) đến ga Yên Viên (Việt Nam), chỉ bằng 1/3 thời gian vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường biển. Thế nhưng, sau gần 6 năm đi vào hoạt động, tuyến liên vận Hà Nội - Đồng Đăng - Nam Ninh mới chỉ có 3 chuyến/tuần do hạ tầng xuống cấp. Còn Hà Nội - Lào Cai đi Hà Khẩu (vào Vân Nam Trung Quốc) tần suất khai thác rất ít do khổ đường ray không tương đồng.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay: "Từ Côn Minh về Việt Nam nối thông giữa các tuyến đường sắt đó gặp trở ngại cho nên ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các phía". Hiện nhu cầu vận chuyển hàng hóa Việt - Trung ước tính khoảng 8-9 triệu tấn/năm, chúng ta mới chỉ đáp ứng được 1/3 khối lượng.
Ông Trần Tiến Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Ngoài tuyến đường sắt hiện tại chúng ta cần phải nâng cấp để vận chuyển các mặt hàng truyền thống như quặng, apatit, thì các luồng hàng và khách hàng mới, cũng cần phải có tuyến đường sắt mới để đảm nhận khoảng 15 triệu hành khách 1 năm, và 18 triệu tấn hàng hóa một năm, do đó cần thiết phải đầu tư sớm tuyến đường sắt này".
Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong các tuyến đường sắt liên vận chủ đạo sẽ là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dài 380km, đường đôi khổ 1.435mm. Đây là tuyến đường sắt xuyên Á, giúp Việt Nam kết nối với Trung Á và châu Âu và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho hay: "Tư vấn trong nước cùng phối hợp với tư vấn của Viện 5 đường sắt Trung Quốc đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó phương án chúng tôi đánh giá nhu cầu vận tải từ nay đến 2030 và từ năm 2030 – 2050 để đưa ra phương án đầu tư tối ưu đảm bảo phát huy hiệu quả của đường sắt".
Theo các số liệu đánh giá, các tuyến đường sắt liên vận được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ góp phần giúp hai nước Việt Nam - Trung Quốc giảm chi phí logistics, giảm giá thành và nâng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt qua Lào Cai đi Trung Quốc chỉ có khổ đường 1.000mm sang Hà Khẩu, sau đó phải bốc dỡ sang tàu khác để vận chuyển sâu vào nội địa Trung Quốc, sẽ phát sinh chi phí cho khách hàng. Hiện chỉ vận chuyển liên vận qua Đồng Đăng là chính vì cùng khổ 1.435m với các nước.
Đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc đi vào hoạt động từ tháng 11/2017 với dưới 5 chuyến tàu mỗi tháng ở thời điểm ban đầu, đến nay tăng lên 3 chuyến tàu/tuần, thời gian vận chuyển từ ga Nam Ninh (Trung Quốc) đến ga Yên Viên (Việt Nam) chưa đến 14 tiếng.
So với đường bộ, vận chuyển hàng hóa qua đường sắt cũng có nhiều lợi thế như một chuyến tàu có thể cùng lúc giải quyết nhiều đơn hàng, hoặc cho nhiều khách hàng, thời gian thông quan tập trung nhanh hơn. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm chi phí logistic, việc phát triển đường sắt liên vận mang lại những lợi ích rất rõ ràng.
Mặc dù hệ thống đường sắt liên vận phía Việt Nam còn lạc hậu, nhưng từ hiệu quả của hệ thống đường sắt liên vận hiện có, nếu tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được khởi công xây dựng từ năm 2025 như mục tiêu của Chính phủ và 2 tuyến còn lại là Hà Nội - Đồng Đăng và tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái sớm được đầu tư xây dựng thì 3 tuyến này sẽ giúp Việt Nam kết nối với hệ thống đường sắt dài nhất thế giới là Trung Quốc tới Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam. Việc kết nối đường sắt 2 nước là rất quan trọng trong chuỗi cung ứng, có ý nghĩa chiến lược vì hiện nay tàu từ Trung Quốc có thể chạy từ Anh và Tây Ban Nha.
Từ khóa: đường sắt liên vận, đường sắt liên vận,hàng hóa, kết nối, việt trung,mạng lưới
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: pv/vtv.vn
Nguồn tin: VOVVN