"Mùa xuân bên cửa sổ" - Bản tình ca đương đại của người lính
Cập nhật: 09/03/2024
VOV.VN - Trong thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Xuân Hồng đã được người yêu nhạc gọi là “Nhạc sĩ của mùa xuân” bởi những sáng tác viết về mùa xuân như: “Xuân chiến khu”, “Mùa xuân bên cửa sổ” (thơ Song Hảo), “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”…
Nhạc sĩ Xuân Hồng sinh ngày 12/02/1928 tại thị xã Tây Ninh trong một gia đình nông dân. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Hồng Xuân. Nhạc sĩ kể rằng “Có lẽ vì cha tôi thích con gái sau khi đã có con trai nên đã đặt cái tên ấy khi tôi còn nằm trong bụng mẹ… Khi bắt đầu sáng tác nhạc tôi đảo ngược lại theo kiểu hợp âm đảo một, trong luật hòa âm của âm nhạc để nghe cho có vẻ khỏe hơn. Nhưng rồi Xuân Hồng cũng chẳng cứng cáp gì hơn Hồng Xuân. Tuy nhiên, có điều làm tôi thú vị, bởi lẽ qua văn học nghệ thuật, nói cụ thể là qua chữ nghĩa, nhất là qua tác phẩm, làm cho sự tưởng tượng của con người đẹp thêm lên. Đó chính là điều kỳ diệu của nghệ thuật”.
Trong cuộc đời nghệ thuật của mình nhạc sĩ Xuân Hồng đã sáng tác trên 200 ca khúc, tổ khúc, hợp xướng và một số tác phẩm khí nhạc. Ông đã nhận nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, nhạc sĩ Xuân Hồng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng giống như nhiều nhạc sĩ thời đó, nhạc sĩ Xuân Hồng không được đào tạo qua một trường lớp âm nhạc chính quy nào, nhưng bù lại, thực tiễn đấu tranh cách mạng đã nuôi dưỡng, bồi đắp và phát triển tài năng âm nhạc vốn được ươm mầm từ lâu trong ông.
Về những tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng nhận xét: “Trong ca khúc Xuân Hồng, thật khó biết chỗ nào tác giả đã xây dựng câu nhạc dựa theo cốt cách lời ca là văn vần, và chỗ nào đã phổ lời ca theo nhạc điệu, vì nhạc và lời gắn bó mật thiết với nhau, mang lại khoái cảm thẩm mỹ hồn nhiên cho công chúng; dù hát bằng miệng hay nghe bằng tai, lời ca và nhạc điệu thấm ngọt vào tận ruột gan”.
Trong thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Xuân Hồng đã được người yêu nhạc gọi là “Nhạc sĩ của mùa xuân” bởi những sáng tác viết về mùa xuân như: “Xuân chiến khu”, “Mùa xuân bên cửa sổ” (thơ Song Hảo), “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”…
Tháng 1/1997, mục đố vui âm nhạc của chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả đã chọn ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” (phổ thơ Song Hảo) để các bạn thính giả tham gia và viết cảm nhận.
Bạn Thu Hà (học sinh lớp 11A trường PTTH Hiền Đa, Sông Thao, Phú Thọ) đã viết: “Người yêu nhạc chắc ai cũng đã hơn một lần nghe và thuộc bài hát: “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng phỏng thơ Song Hảo. Còn em, một cách vô thức em không biết mình đã nghe bài hát này bao nhiêu lần, chỉ biết rằng âm hưởng của nó cứ vang mãi trong em, cứ lặng lẽ, tự nhiên ngấm vào tâm trí em… Em không biết mình thuộc bài hát này từ khi nào…”.
Lý giải về sự thành công của bài hát, Thu Hà cho rằng: “đó là bởi “Mùa xuân bên cửa sổ” có sự kết hợp hài hòa giữa thi sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ - những người đã đưa đến cho cuộc sống ta thêm một tiếng nói thương yêu của lòng người. cảm ơn Ban Âm nhạc, Đài TNVN đã đưa bài hát đến với em và tất cả mọi người. Nhạc phẩm chắc chắn sẽ góp sự thành công của mình làm cho cuộc sống của chúng ta “chân” hơn, “thiện” hơn và “mỹ” hơn. Cho tuổi trẻ tình yêu đích thực và có những tình yêu đích thực”...
Và Thu Hà đã thốt lên thành thơ: “Ôi bài hát có thể gọi là tuyệt/Làm mỗi người như muốn sống đẹp hơn/Đúng vậy, cuộc đời đâu chỉ có áo cơm/Mà còn có cả những nụ hôn nồng thắm/Xin dành cho tình yêu lòng trân trọng/Dành cho đời niềm thương mến bao la”.
Cũng dành tình cảm cho “bản tình ca đương đại của người lính”, khúc hát dịu dàng, đằm thắm, tràn đầy tình yêu và ước vọng của tuổi trẻ, bạn Vũ Quỳnh Hoa (kỹ sư hóa dầu tại Viện nghiên cứu thuộc Vietsovpetro Vũng Tàu) viết: "Giữa bộn bề cuộc sống xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình yêu vẫn đâm chồi nảy lộc, điều đó thật đẹp nhưng không phải là đặc sắc. Điều đáng nói ở đây là, thật không ngờ, tác giả của những ca khúc cách mạng như: “Xuân chiến khu”; “Tiếng chày trên sóc Bom bo”… lại có cái nhìn tinh và mãnh liệt đến thế với cuộc sống ngày hôm nay: “Cao cao bên cửa sổ/Có hai người… hôn nhau!”
Thật là đột ngột, thật là bất ngờ, thật là mạnh mẽ và táo bạo và cũng thật là tươi trẻ và mới mẻ! Đã bao giờ ta được thấy ở ca khúc nào có cái mở đầu táo bạo và thanh niên tính đến vậy.
Quả thật khuôn hình lãng mạn đó đã thêm một lần nữa tôn vinh tình yêu. Và thật cảm động, mà dung dị khi ta ta hát lên:
Thành phố ơi, hãy yên lặng, để hai người hôn nhau!
Chim ơi đừng bay nhé, hoa ơi hãy tỏa hương
Và cây ơi, lay thật khẽ
Cho đôi bạn trẻ-dón xuân về.
Bản thân Quỳnh Hoa cũng như say với bài hát này khi lần đầu tiên nghe cách đây mười năm. Sự táo bạo trong phần mở đầu của bài hát còn được đẩy lên ở mức cao hơn với tâm sự của một tâm hồn từng trải, đầy nhân hậu: “Cuộc đời còn có cả những nụ hôn!”
Vâng, các tác giả đã vô cùng đúng!".
Từ khóa: mùa xuân bên cửa sổ, tình ca, người tính,nhạc sĩ xuân hồng, mùa xuân bên cửa sổ
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả: ánh quyên/vov
Nguồn tin: VOVVN